“Rộng cửa” cho 5 triệu hộ kinh doanh

21/02/2019 | 14:56 GMT+7

Ngày 20-2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

Bất cập khi hộ kinh doanh không là doanh nghiệp

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, vấn đề quan trọng nhất của lần sửa luật này là mở cánh cửa cho trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức. Nhiều chính sách hiện tại khiến cho các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại chuyển đổi lên thành doanh nghiệp, mặc dù luật đã có những quy định về việc chuyển đổi này.

Việc các hộ kinh doanh siêu nhỏ và nhỏ nhưng không được coi là doanh nghiệp, chính là điểm nghẽn lớn của pháp luật Việt Nam. Dù việc chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp bị chi phối bởi nhiều văn bản khác (thuế, kế toán, đất đai, lao động…) nhưng với tư cách là đạo luật gốc về doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi của hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp chính thức, tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đủ lớn, đủ mạnh. “Đã đến lúc cần đặt câu hỏi là tại sao những đơn vị kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động… nhưng không được xem là doanh nghiệp? Họ chính là các doanh nghiệp tư nhân đích thực nhất!”, ông Vũ Tiến Lộc nói. Phản hồi sau đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Vũ Đại Thắng cho rằng, đề xuất của ông Vũ Tiến Lộc hoàn toàn xác đáng và sẽ tiếp thu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Cũng nhận xét về sự bất cập, theo luật sư Lê Văn Hà (Công ty Luật Pathlaw), Luật Doanh nghiệp năm 2014 quan niệm doanh nghiệp không bao gồm gia đình, cá nhân có đăng ký kinh doanh, là sai về nội hàm của khái niệm doanh nghiệp. Điều này dẫn đến thực tế là không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của gia đình có đăng ký kinh doanh. Trong khi, đây là đối tượng đông đảo nhất về số lượng (gần 5 triệu hộ), là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế (gần 10 triệu). Sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp một chủ là thực tế khách quan.

Ngay cả các nước phát triển cũng vẫn duy trì loại hình doanh nghiệp này với rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ. Trong khi đó, hệ thống luật pháp Việt Nam gần như gạt ra ngoài việc công nhận và bảo đảm địa vị pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của gia đình có đăng ký kinh doanh. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng gạt đối tượng này ra khỏi các chính sách hỗ trợ. Trên thực tế, gia đình đăng ký kinh doanh là đối tượng dễ chịu tác động nhất từ các cam kết về mở cửa thị trường. Bất kỳ ai lấy kinh doanh làm nghề nghiệp chính cũng là doanh nghiệp và cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp bao gồm cả gia đình và cá nhân có đăng ký kinh doanh.

Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật BASICO) cũng cho rằng, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh là một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, thường xuyên, bản chất chính là doanh nghiệp và phải được xem là doanh nghiệp tư nhân. Việc duy trì hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp là một sự bất bình đẳng, mập mờ về pháp lý. Do đó, cần loại bỏ khái niệm hộ kinh doanh để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty. Đồng thời, quy định một giai đoạn chuyển tiếp và chế độ quản lý, tài chính, kế toán đơn giản, phù hợp với thực tế.

Chưa kiểm soát được điều kiện kinh doanh

Về Luật Đầu tư, theo ông Vũ Tiến Lộc, mặc dù đã xác định mục tiêu kiểm soát về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, tuy nhiên trên thực tế, việc ban hành các ngành, nghề kinh doanh vẫn ngoài tầm kiểm soát hay chất lượng các điều kiện kinh doanh ở các văn bản pháp luật khác vẫn còn rất nhiều vấn đề. Mỗi khi có đợt rà soát lớn, như năm 2018 vừa qua, với sức ép mạnh mẽ từ cộng đồng kinh doanh, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ thì các bộ, ngành đều hoàn thành mục tiêu đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh hiện có như Chính phủ giao. “Tuy nhiên, vẫn còn nguyên đó câu hỏi về tính bền vững của việc cắt giảm này, cách thức kiểm soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh mới. Đây là vấn đề mà Luật Đầu tư cần giải quyết, để tránh tình trạng cải cách điều kiện kinh doanh hiện nay như đá ném ao bèo”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Luật sư Trương Thanh Đức thẳng thắn đề nghị bỏ Luật Đầu tư khi cho rằng, đầu tư là một hoạt động của doanh nghiệp, “doanh nghiệp muốn kinh doanh gì là quyền của doanh nghiệp”. Cốt lõi của luật là danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà ngành nghề này vốn được quy định trong các Luật Doanh nghiệp trước đây. Vì vậy, có thể bỏ Luật Đầu tư, đồng thời chuyển danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh có điều kiện quay lại Luật Doanh nghiệp, có thể thêm một chương về đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài. Còn đầu tư của Nhà nước thì phải theo Luật Đầu tư công. Trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư, đương nhiên, mọi hoạt động đều phải thực hiện theo các luật liên quan như: xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường…

Theo ông Khuất Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ KH-ĐT, Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung lần này đã đưa ra quy định để giám sát quá trình ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh; quy định trong luật cụ thể ngành nào có điều kiện, ngành nào cấm. Cơ quan soạn thảo dự kiến đưa 22 ngành nghề kinh doanh có điều kiện ra khỏi danh mục vì không phù hợp; sửa đổi 4 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để thống nhất với pháp luật có liên quan hoặc thu hẹp phạm vi ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo HÀ MY/SGGP

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích