Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

14/11/2019 | 17:48 GMT+7

Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm đang được UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương hoàn thành.

Tổng khối lượng thực hiện vốn đầu tư công đến nay đạt 67,28% kế hoạch.

Nhiều đơn vị giải ngân chậm

Sở Kế hoạch và Đầu tư thống kê đến ngày 12-11, tổng khối lượng thực hiện vốn đầu tư công là 1.480,629/2.200,649 tỉ đồng, đạt 67,28%, thấp hơn 1,74% so với cùng kỳ. Giá trị giải ngân đạt 64,02%, tương đương so với cùng kỳ. Tổng vốn được phân bổ cho các đơn vị cấp tỉnh quản lý là trên 1.300 tỉ đồng, giải ngân đạt 54,58% kế hoạch.

Trong 25 đơn vị được giao kế hoạch, có 6 đơn vị giải ngân đạt trên 80%; 8 đơn vị giải ngân đạt từ 50-80%, 11 đơn vị dưới 50% (đặc biệt có 3 đơn vị giải ngân từ 5% đến dưới 15% và 4 đơn vị giải ngân 0%). Đối với kế hoạch vốn do địa phương quản lý, tổng vốn phân bổ trên 885 tỉ đồng, đến nay giải ngân cấp huyện đạt trên 78% kế hoạch vốn (có 3 đơn vị giải ngân đạt trên 80%, 5 đơn vị giải ngân từ 50% đến dưới 80%). Đối với kế hoạch vốn kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân năm 2018 sang năm 2019, khối lượng thực hiện đến nay đạt 58,40%; giá trị giải ngân đạt 57,08%.

Ông Trần Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh, cho biết: Tổng nguồn của năm 2019 được phân bổ trên 328 tỉ đồng, hiện giải ngân đạt 57,51% kế hoạch. Trong đó, nhiều khó khăn liên quan đến dự án nhà tang lễ; Đền thờ Bác Hồ… Năm 2019 là năm gần cuối trung hạn, có một số dự án mới đã đủ vốn nhưng thời gian thực hiện ngắn.

Bà Nguyễn Thị Màu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm được đưa ra chủ yếu là nhiều dự án khởi công mới được triển khai, giải ngân thấp do tính chất đặc thù của hoạt động đầu tư công phải đầy đủ quy trình, thủ tục. Kế hoạch vốn năm nay phân bổ khá cao, nhưng tiến độ thực hiện các dự án không đáp ứng được nhu cầu giải ngân vốn. Một số nguồn vốn mới được bổ sung; vướng mắc về thủ tục đất đai, công tác giải phóng mặt bằng…

Mặt khác, chủ đầu tư chưa thật sự chủ động, quyết liệt trong công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, đấu thầu, giải ngân; không tập hợp đầy đủ hồ sơ thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi công trình có khối lượng. Một số dự án chỉ được bố trí vốn hoàn ứng nhưng đến nay chưa giải ngân được. Công tác phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc của chủ đầu tư, giữa chủ đầu tư với các sở, ngành đôi lúc chưa tốt…

Cấp huyện giải ngân cao

Tổng kế hoạch vốn được phân bổ cho các địa phương quản lý năm 2019 trên 885 tỉ đồng; khối lượng thực hiện trên 700 tỉ đồng, đạt 80,76% kế hoạch vốn; giải ngân đạt trên 78% kế hoạch vốn. Trong đó, có 3 đơn vị giải ngân đạt trên 80%, 5 đơn vị giải ngân từ 50-80%. Huyện Phụng Hiệp là đơn vị đang dẫn đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. Tính tới thời điểm này, huyện có tỷ lệ giải ngân đạt 90,86%. Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp Nguyễn Chí Hùng cho biết vốn đầu tư công năm 2019 được giao 75,1 tỉ đồng, đã giải ngân được 68,3 tỉ đồng. Đối với nguồn vốn 2018 kéo dài giải ngân năm 2019 còn lại khoảng 40 công trình chưa tất toán xong.

“Kinh nghiệm trong giải ngân của huyện Phụng Hiệp là thực hiện theo quy trình đúng thời gian, các bước nhanh chóng trước trong khâu giải phóng mặt bằng. Đơn vị thi công thường xuyên được nhắc nhở, những vướng mắc kịp thời đưa ra giải quyết để giúp công trình, dự án triển khai một cách nhanh nhất”, ông Hùng nhấn mạnh.

Đối với huyện Vị Thủy cũng đã giải ngân 88,05%. Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, chia sẻ kinh nghiệm là trong công tác phối hợp, các bên cần liên kết chặt chẽ với nhau cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Trong phối hợp với địa phương, đề nghị các chủ đầu tư của tỉnh cần trực tiếp làm việc, hoặc khi cử cấp dưới thay thế thì phải đủ thẩm quyền quyết định trực tiếp để giải quyết vướng mắc nhằm tránh mất thời gian. Còn đối với địa phương, lãnh đạo huyện luôn bám sát công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện dự án và giải ngân, trung bình khoảng 2 tuần hoặc 1 tháng sẽ bố trí làm việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ khó khăn kịp thời.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu cho rằng qua báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư đúng là tỷ lệ giải ngân thấp do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có trách nhiệm của chủ đầu tư chưa thật sự sát với công việc. Khâu phối hợp chưa đồng bộ; tham mưu của một số đơn vị còn sai sót... Thời gian tới phải xem đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và phải quyết liệt hoàn thành. Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu chủ đầu tư nào giải ngân thấp do chủ quan thì cân nhắc việc giao làm chủ đầu tư những năm tiếp theo. Tăng cường đấu thầu qua mạng để chọn lựa nhà thầu có năng lực. Tiến hành rà soát các nhà thầu không hoàn thành nhiệm vụ, thoái thác trách nhiệm, công bố công khai những đơn vị này và sẽ không được tham gia dự án ở Hậu Giang. Đơn vị nào gây khó khăn trong phối hợp đề nghị thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư báo về UBND tỉnh. Các địa phương chủ động quy hoạch các khu tái định cư cho người dân, lập dự án trình cấp có thẩm quyền xem xét. Phải xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tham mưu, giải ngân; nguyên nhân giải ngân chậm. Đề nghị Kho bạc Nhà nước cho phép tất toán sớm các công trình theo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh trước đây. Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên các sở, ngành tập trung quyết liệt cho công tác này…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, phấn đấu giải ngân 100% các nguồn vốn được giao, các chủ đầu tư cần rà soát tình hình thực hiện dự án, từ đó phân nhóm các dự án gặp vướng mắc để kịp thời giải quyết và tháo gỡ. Khẩn trương triển khai và lập thủ tục thanh toán ngay sau khi nhận được thông báo chi tiết kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trong 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước, không dồn vốn vào cuối năm mới thanh toán. Đối với các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng phải khẩn trương phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, giải ngân hết vốn cho nhà thầu theo nội dung hợp đồng. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công, không để xảy ra nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Một số chủ đầu tư có số vốn chưa giải ngân còn tương đối cao, như: Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hậu Giang; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp, Giao thông, Dân dụng và Công nghiệp; Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Giáo dục và Đào tạo, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Công an tỉnh.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>