Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018: Quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp

11/09/2018 | 08:15 GMT+7

Lộ trình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2018 đã đi qua gần 2/3 chặng đường và cũng đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, trước những thách thức mà các ngành chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương nêu ra, cần phải có những giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ.

Tăng cường gia cố đê bao để phòng, chống lũ là việc làm cần thiết trong lúc này.

Lo lũ lớn và đầu ra cây mía

Đây là hai vấn đề được ngành nông nghiệp tỉnh, chính quyền địa phương và người dân quan tâm lo lắng, trong đó lũ đang đặt ra tính cấp thiết nhất. Bởi theo thông tin từ lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh thì sau khi theo dõi tình hình thực tế thủy triều, lưu lượng mưa thời gian qua, Cơ quan Khí tượng Thủy văn Trung ương và Khu vực Nam bộ vừa có thông báo mới nhất là đỉnh lũ chính vụ của mùa lũ năm nay tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ về sớm hơn một tháng so với dự báo ban đầu, đồng thời mực nước lũ năm nay sẽ ở mức cao nhất kể từ năm 2014 đến nay. Cụ thể, vào khoảng ngày 15-9 này, một số khu vực ở các tỉnh đầu nguồn, như: An Giang, Đồng Tháp, Long An nước lũ sẽ ở mức báo động III, sau đó tràn về các tỉnh vùng hạ lưu, gồm: Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Riêng tỉnh Hậu Giang, vào khoảng từ ngày 24-9, nước lũ sẽ bắt đầu dâng lên và dự kiến đến ngày 9-10 sẽ đạt đỉnh lũ.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Trước tình hình trên, ngày 31-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn gửi đến các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL để yêu cầu thực hiện các giải pháp trong chủ động ứng phó với lũ có khả năng về sớm. Quán triệt Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng, chống lũ theo kế hoạch từ đầu năm của tỉnh và các địa phương đã đề ra, trong đó lấy đỉnh lũ năm 2011 làm kịch bản để ứng phó và thực hiện trên nguyên tắc lấy con người là trọng tâm. Bên cạnh đó, các địa phương và người dân cũng cần chủ động gia cố bờ bao, chuẩn bị phương tiện bơm thoát nước để bảo vệ sản xuất, trong đó đặc biệt quan tâm đến gần 45.000ha lúa Thu đông đã xuống giống, cũng như vườn cây ăn trái, hoa màu, diện tích mía ngoài vùng đê bao, diện tích nuôi trồng thủy sản...

Ngoài nỗi lo lũ lớn và khả năng về sớm, vấn đề về đầu ra cây mía cho người dân cũng đang tạo nhiều áp lực lớn cho ngành chức năng và bà con ở các địa phương có mía trên địa bàn tỉnh. Vì hiện nay, có một số diện tích mía đã chín và có thể thu hoạch được nhưng tình hình lúc này không như mong đợi. Ông Lê Công Lý, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, thông tin: Vụ mía 2018-2019, nông dân trên địa bàn huyện xuống giống được khoảng 7.500ha. Vào thời điểm này hàng năm, các nhà máy đường trong tỉnh đã ký hợp đồng bao tiêu gần hết diện tích theo những vùng đã phân chia. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ có Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã ký hợp đồng được hơn 3.400ha, riêng Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát chưa thực hiện ký kết bao tiêu được diện tích nào, từ đó tạo tâm lý lo lắng cho người dân. Hơn nữa, năm nay dự báo có lũ lớn và về sớm, trong khi toàn huyện còn khoảng 2.500ha mía nằm ngoài đê bao và khả năng bị ảnh hưởng lũ là rất lớn nên địa phương mong các nhà máy đường có giải pháp phối hợp trong tiêu thụ mía với huyện để hỗ trợ cho người dân.

Nhiều lĩnh vực đạt thấp  so với chỉ tiêu

Nếu như lĩnh vực nông nghiệp đang đứng trước những khó khăn được dự báo là sẽ gặp phải trong thời gian tới và có khả năng ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung của ngành thì nhiều lĩnh vực khác cũng vì một vài nguyên nhân khách quan đã tác động đến tiến độ thực hiện. Từ đó, dẫn đến có nhiều chỉ tiêu còn đạt ở mức thấp, thậm chí rơi vào tình trạng báo động nên đặt ra nhiều lo lắng cho UBND tỉnh, cũng như ngành chức năng liên quan.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho hay: Hiện tại, một số chỉ tiêu còn đạt thấp so với kế hoạch năm là vốn đầu tư công chỉ mới thực hiện đạt 61% kế hoạch, riêng việc giải ngân chỉ đạt 53% kế hoạch. Đơn vị giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp nhất đến thời điểm này là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp (Ban Dân dụng và Công nghiệp) tỉnh. Riêng các đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố thì làm công việc này tốt hơn, hiện bình quân đạt hơn 73%, trong đó nổi bật là huyện Vị Thủy, thành phố Vị Thanh hay thị xã Ngã Bảy.

Lý giải nguyên nhân giải ngân vốn chậm, một lãnh đạo của Ban Dân dụng và Công nghiệp tỉnh, cho biết: Hiện đơn vị còn khoảng 103 tỉ đồng chưa giải ngân trong tổng số 266 tỉ đồng được giao từ đầu năm. Trong số nguồn vốn chưa giải ngân thì có 48 tỉ đồng nằm ở 5 công trình mới chưa triển khai do đang gặp những vướng mắc. Điển hình là Trạm y tế xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A do địa phương yêu cầu đổi vị trí xây dựng mới; Trường THPT Vị Thanh, thành phố Vị Thanh và Trung tâm Hành chính công thực hiện điều chỉnh kinh phí thực hiện; Trường Tiểu học Trà Lồng, thị xã Long Mỹ vướng quy hoạch. Hiện đơn vị đang tích cực phối hợp với ngành chức năng tỉnh và chính quyền địa phương sớm tháo gỡ khó khăn để công trình triển khai và kéo theo được giải ngân vốn, phấn đấu đến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu đã phân bổ.

Giống như công tác giải ngân vốn đầu tư công, lĩnh vực thương mại - giá cả - dịch vụ hiện cũng có nhiều chỉ tiêu đạt ở mức thấp. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa đến thời điểm này được 23.176 tỉ đồng, đạt 65,79% kế hoạch, hay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu được 671,617 triệu USD, đạt 63,36% kế hoạch. Bên cạnh sự lo lắng về những chỉ tiêu còn đạt thấp thì lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo tỉnh cũng báo cáo với Thường trực UBND tỉnh một số mặt khó khăn ngay khi bước vào đầu năm học mới, như: tình hình thiếu giáo viên, nhân viên ở các cấp học từ mầm non đến THPT; thiếu cơ sở vật chất ở cấp tiểu học để phục vụ dạy 2 buổi/ngày theo chương trình thay đổi sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thông tin: Sau khi nắm được những nơi dư, nơi thiếu giáo viên tại các điểm trường trong tỉnh, tới đây Sở sẽ có kế hoạch phân công lại công tác giảng dạy nhằm tránh tình trạng giáo viên của huyện này thừa nhưng không điều động sang huyện khác làm cho nơi thiếu, nơi dư và làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Đồng thời, thành lập đoàn đi kiểm tra việc thu học phí học sinh tại các điểm trường nhằm hạn chế sự sai sót theo quy định mới.

Để gỡ khó trước nhiều thách thức đang đặt ra có thể ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các ngành liên quan của tỉnh, chính quyền địa phương và người dân cần chủ động ngay các giải pháp trong phòng, chống lũ, cũng như tiếp tục phòng, chống mưa dầm kèm theo lốc xoáy, sạt lở bờ sông nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và thành quả sản xuất của bà con. Riêng cây mía, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp cùng chính quyền địa phương và doanh nghiệp có giải pháp thu hoạch và tiêu thụ mía hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy nhanh thực hiện các công trình và giải ngân vốn đầu tư công đã được phân bổ ngay từ đầu năm, nếu công trình nào có tỷ lệ giải ngân thấp sẽ điều chỉnh giảm vốn để chuyển sang những dự án có khối lượng thực hiện nhưng thiếu vốn. Về những khó khăn của ngành giáo dục, Thường trực UBND tỉnh sẽ có cuộc họp để có hướng tháo gỡ nhằm giúp ngành thực hiện tốt công tác giảng dạy trong năm học mới này...

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>