Mầm xanh trên đất bạc

07/02/2019 | 10:14 GMT+7

Có một loài cây vẫn âm thầm bám rễ bền chặt ở vùng đất phèn, mặn bạc màu. Trải qua bao thăng trầm, loài cây ấy dần dần khẳng định được giá trị kinh tế giúp người dân đổi đời...

Trong tiết trời đông se lạnh, hương xuân đã tràn ngập khắp các nẻo đường, từng cội mai già bung hoa khoe sắc. Thoáng xa, ca từ trong bài hát “Cây tràm cây lúa Hậu Giang” ngân vang…

Đa dạng các cá thể cò tại Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng.

“Hậu Giang hôm nay, lúa đầy sân chật bến. Rừng tràm cũng vươn lên trên đất phèn nhiễm mặn, chung xây đời no ấm, tràm xanh cùng lúa vàng…”. Giai điệu bài hát “Cây tràm cây lúa Hậu Giang” của nhạc sĩ Vĩnh Phúc vang lên pha lẫn mùi hương tràm thoang thoảng trong gió gieo vào lòng người một cảm giác thư thái, dễ chịu. Trong tâm trạng lâng lâng ấy, chúng tôi đến thăm bác Trần Văn Quang, nhà bác nằm cạnh rặng tràm Úc phẳng phiu xanh mướt, ở ấp 1, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ. Bên ly trà nóng, lão nông phì phà khói thuốc, thết đãi khách dĩa bánh tét thơm lừng đặc trưng hương vị tết miền Tây.

Với chất giọng trầm ấm, bác Quang ngẫm lại chuyện đời hơn 40 năm gắn sinh kế với cây tràm. Hồi mới ra riêng, cha mẹ cho vợ chồng bác được 2 công đất. Lúc đó, bác tự hỏi mình rằng “Trồng cây gì ở mảnh đất bạc màu này?”. Sau nhiều đêm trăn trở, cuối cùng bác quyết định trồng cây tràm rồi đi làm thêm nghề khác để kiếm sống. Dần dần, vừa làm vừa tích cóp vốn liếng mua đất, có đất lại trồng tràm. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ngày càng ổn định.

“Khoảng 10-15 năm nay, cây tràm mang lại thu nhập khá cho người dân ngoài đê bao bởi lợi nhuận cao, chi phí nhẹ hơn các cây trồng khác. Từ 2 công đất trồng tràm lúc mới ra riêng, giờ bác có hơn 4ha đất và một căn nhà khang trang ấm cúng. Nếu trồng 5 công tràm Úc đến khi bán được giá thì cầm chắc 100 triệu đồng. Ngày nay, cây tràm cho giá trị kinh tế cao hơn khi trồng trên liếp, rút ngắn được thời gian thu hoạch nhờ kỹ thuật lâm sinh”, hướng mắt về phía vườn tràm, bác Quang tâm đắc!

Câu chuyện của bác Quang làm chúng tôi nhớ đến một số nông dân ở huyện Phụng Hiệp đã linh động tận dụng diện tích trồng tràm kết hợp cây ăn trái để nâng cao thu nhập. Bước vào vườn cây của nông dân Nguyễn Văn Sơn, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, chúng tôi mãn nhãn với màu xanh um tươi tốt, mỗi loài cây trồng trong vườn đều mang lại giá trị kinh tế cho gia đình. Ven bờ là hàng tràm Úc thẳng tắp được tỉa tán kỹ tạo bóng râm. Dưới mương, chen chút bông súng tím nở rực rỡ trong nắng vàng.

 “Cây tràm và cây ăn trái là sự kết hợp tuyệt vời! Sau này, cây tràm cao lớn sẽ tạo bóng râm che cho cây cam phát triển. Những cây cong, xấu, sẽ dùng để chống đỡ nhánh khi cam cho trái hoặc làm rào, cây tốt để bán lấy tiền và chừa lại vài cây trên liếp tạo bóng mát cho cây cam trong mùa nắng”, ông Sơn chia sẻ.

Sau nông nghiệp, lâm nghiệp ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng. Các mô hình nông lâm kết hợp đã lần lượt ra đời, khẳng định vị thế của cây tràm ở những vùng đất canh tác nông nghiệp kém hiệu quả. Mô hình khuyến lâm được ứng dụng ở nhiều nơi và phát huy hiệu quả tích cực như trồng tràm trên liếp; trồng tràm bông vàng, keo lai luân canh với cây khóm; mô hình nuôi ốc bươu đen, cá đồng dưới mương liếp tràm; trồng tràm xen cây ăn trái… Ngày nay, trên những vùng đất viên lang bãi bồi, phèn, mặn sức sống của cây tràm Úc đã vươn lên xanh tốt. Điều này cũng cho thấy những định hướng đúng đắn trong phát triển lâm nghiệp 15 năm qua đã mang lại hiệu quả tích cực, dần đạt được mục đích cuối cùng là đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân ở những vùng đất bạc màu.

Nhiều mô hình nông lâm kết hợp được nông dân áp dụng đã tạo thêm nét sinh động trong bức tranh phát triển lâm nghiệp Hậu Giang.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2004 Hậu Giang có 2.001ha rừng. Song song với việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch của ngành nông nghiệp, dự án Bảo vệ và Phát triển rừng, cán bộ, công chức, viên chức kiểm lâm tập trung về cơ sở, kiên trì tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế lâm nghiệp. Khuyến khích trồng cây lâm nghiệp trên đất viên lang bãi bồi, đất vườn tạp và trên diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả; trồng cây lâm nghiệp phân tán… Phát triển, nhân rộng các mô hình khuyến lâm, mô hình nuôi động vật hoang dã đạt hiệu quả kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế. Từ đó mà diện tích rừng toàn tỉnh tăng dần và đến cuối năm 2018 đạt khoảng 3.000ha. Nếu trước đây cây lâm nghiệp chỉ dùng làm gỗ, đóng cừ và củi đốt thì nay được sử dụng nhiều mục đích khác như: gỗ xẻ, bột giấy, bảo vệ bờ kênh chống sạt lở, trồng xen cây nông nghiệp để tạo bóng mát. Đặc biệt là trong năm 2018, một số địa phương xây dựng mô hình kè sinh thái, vận dụng trồng cây tràm bên trên giúp giữ đất ven bờ, chống xói mòn…

Theo ngành kiểm lâm Hậu Giang, tới đây sẽ nỗ lực tăng thêm diện tích rừng trồng, khai thác các vùng đất hoang, đất lung, viên lang bãi bồi. Tiếp tục rút ngắn chu kỳ kinh doanh bằng cách tác động các biện pháp lâm sinh, hỗ trợ kỹ thuật, lập sổ theo dõi… Phấn đấu từ năm 2021 trở đi, người dân trồng tràm trên ruộng chỉ 5 năm là khai thác, trồng trên liếp chỉ 3-3,5 năm khai thác. Với các mô hình đã thực hiện, ngành sẽ tiếp tục tác động về kỹ thuật để ngày càng mang lại hiệu quả cao cho người dân…

KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>