Liên kết phát triển cá thát lát Hậu Giang

22/03/2018 | 07:41 GMT+7

Ba năm gần đây, cá thát lát Hậu Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ độc quyền và được tỉnh thực hiện nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, nhân nuôi. Tuy nhiên, thời gian qua, cá thát lát Hậu Giang vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng hiện có.

Dự kiến, mỗi năm Công ty VIGI sẽ tiêu thụ 3.000 tấn cá cho hộ nuôi cá thát lát Hậu Giang.

Mới đây, ngành nông nghiệp tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh phát triển loại cá này thông qua việc tổ chức cuộc họp giữa doanh nghiệp và hộ nuôi cá trong tỉnh. Thông qua đó, cùng nhau bàn bạc phương án liên kết theo hướng đôi bên cùng có lợi.         

Tìm hướng ra cho cá thát lát

Cá thát lát là loài cá có phẩm chất thịt ngon, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, người tiêu dùng đa phần chỉ sử dụng cá đánh bắt từ thiên nhiên, trong khi số lượng ngày càng cạn kiệt. Chính vì vậy, thời gian gần đây, người dân bắt đầu quan tâm nhân giống để thả nuôi loại cá có giá trị kinh tế này. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, đồng thời đa dạng hóa các đối tượng thủy sản nuôi nước ngọt, bà con nông dân đã mở rộng nhiều mô hình nuôi cá thát lát bằng thức ăn công nghiệp, bán công nghiệp... Tuy nhiên, việc thả nuôi theo phong trào cũng như không có hợp đồng liên kết tiêu thụ khiến giá trị cá thát lát giảm sút. Đa phần người nuôi chỉ tiêu thụ ngoài chợ, chưa đưa được vào siêu thị theo hợp đồng cung ứng lâu dài.

Theo bà Lê Kim Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hậu Giang, tuy trong tỉnh cũng có được một vài cơ sở chế biến có danh tiếng nhưng sản lượng làm ra chưa nhiều. Vả lại toàn tỉnh chỉ có được 1 cơ sở nuôi cá theo chuẩn VietGAP, đa số còn lại chưa đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn sạch mà các nhà hàng, siêu thị yêu cầu. 2 năm gần đây, diện tích nuôi cá thát lát trong tỉnh giảm vì giá cá thấp, nông dân thua lỗ, treo ao. Có lúc giá cá thát lát rớt xuống còn 28.000 đồng/kg, thấp hơn so với giá thành sản xuất nên đến cuối năm 2017 diện tích thả nuôi toàn tỉnh còn 49,5ha, sản lượng cá cung ứng khoảng 4.000 tấn/năm.

Cũng theo ngành nông nghiệp tỉnh, nguyên nhân lớn là do quy trình, kỹ thuật chăn nuôi thủy sản của bà con còn yếu, diện tích manh mún, nhỏ lẻ. Để tìm hướng đi và vực dậy ngành thủy sản nói chung, cá thát lát nói riêng, buổi họp bàn mà ngành nông nghiệp tỉnh đã phần nào giải quyết được vấn đề trên. Tại buổi họp, nông dân nuôi cá trong tỉnh đã có dịp gặp gỡ với doanh nghiệp thu mua cá thát lát trong tỉnh. Đó là Công ty Cổ phần thực phẩm sạch VIGI, có nhà máy chế biến cá thát lát tại Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh. Cuộc họp đã bàn ra nhiều phương án để 4.000 tấn cá thát lát Hậu Giang hàng năm của tỉnh có chỗ đứng trên thị trường. Sâu xa hơn nữa là người nông dân không phải treo hầm mà còn mở rộng quy mô cung ứng cá nhiều hơn theo từng năm.

Cũng tại đây, vấn đề được đưa ra trước tiên là thực trạng nuôi nhỏ lẻ là hạn chế lớn nhất của các mô hình nuôi cá thát lát trong tỉnh thời gian qua. Bởi nhỏ lẻ thì mọi chi phí đều tăng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến sẽ khó đồng bộ. Từ đó kéo theo chất lượng và sản lượng nuôi không đồng đều. Nói về vấn đề này, ông Trần Văn Trợ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đánh giá: “Cá nuôi không cùng lúc, khó xuất bán đủ số lượng cho doanh nghiệp. Một số cá có kích cỡ vượt trội, quá trọng lượng cũng bán không được cao giá vì vậy cũng không có lãi. Chính vì vậy, chỉ có liên kết, tập hợp nông dân cùng làm đồng loạt thì mới có đủ sản lượng cá và kích cỡ đồng nhất”.

Đồng ý với ý kiến này, đại diện Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch VIGI (Công ty VIGI) cũng đã đưa ra kích cỡ thu mua từ 200g đến 1 kg/con. Với kích cỡ này thì thịt cá ngon và khi chế biến sẽ tạo ra được những sản phẩm chất lượng cho thị trường. Ông Phạm Thanh Hải, hộ nuôi cá ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, nhận định: “Chúng tôi cũng biết cá vừa kích cỡ sẽ cho chất lượng thịt đảm bảo chế biến. Chính vì vậy, tôi cũng ủng hộ việc liên kết để chăn nuôi với quy mô lớn, sản lượng nhiều để tạo ra con cá đồng đều hơn cung ứng cho nhà máy chế biến”.

Cần sự trợ lực về vốn

Một vấn đề vướng mắc không nhỏ của các hộ nuôi cá hiện nay là rất cần nguồn vốn khởi nghiệp. Bởi sau những đợt rớt giá, nhiều hộ nuôi cá thát lát đã không còn vốn liếng vì thua lỗ. Ông Đồng Văn Hội, ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, mong mỏi: “Nông dân chúng tôi cũng rất muốn được sản xuất cá sạch, đạt chuẩn cho nhà máy chế biến. Tuy nhiên, nuôi theo chuẩn VietGAP không phải dễ và cần nhiều chi phí. Trong đó, chi phí thức ăn, con giống ngày càng tăng, vì vậy nông dân chúng tôi mong muốn nhà máy hoặc Nhà nước hỗ trợ một phần vốn để người dân tiếp tục bám nghề”.

Giải tỏa nỗi lo cùng nông dân, đại diện phía Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng đồng ý tham gia trợ vốn. Hai ngân hàng sẽ sẵn sàng hỗ trợ khi nông dân xây dựng được phương án sản xuất cụ thể và chăn nuôi trong vùng quy hoạch của tỉnh.

Tuy nhiên, sợi dây liên kết vẫn còn một nút thắt lớn nên giữa nông dân nuôi cá và doanh nghiệp chưa thể tháo gỡ là giá cả bao tiêu cho cá thát lát. Làm sao để cá thát lát vẫn giữ được giá trị kinh tế, làm sao để cho nông dân có lãi và doanh nghiệp có lời khi bao tiêu cá, đó là câu hỏi lớn vẫn chưa có câu trả lời. Chính vì mức giá sàn và giá trần thu mua cá giữa doanh nghiệp (Công ty VIGI) và bà con chưa thống nhất nên đáp án vẫn còn bỏ ngỏ. Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với Công ty VIGI, các hộ nuôi cá tiếp tục bàn và thống nhất giá thu mua hợp lý nhất, đảm bảo lợi nhuận cho bà con. Hơn nữa, với mức giá bao tiêu này cũng không quá chênh lệch với thị trường trong trường hợp giá cá tăng đột biến như hiện nay là gần 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên theo ông Đồng, nếu sợi dây liên kết được thắt chặt, một hợp đồng được ký kết với mức giá thu mua ổn định thì nông dân sẽ có lợi hơn và yên tâm sản xuất, đảm bảo có lời theo kiểu ăn chắc, mặc bền.

Đại diện Công ty VIGI, Giám đốc Lê Đăng Khoa cũng hứa trước mắt công ty sẽ cố gắng thu mua cho tỉnh khoảng 10-15 tấn cá/ngày, sản lượng trung bình 3.000 tấn/năm. Ngoài ra, sẽ cùng nhau thống nhất lại mức giá bao tiêu để đảm bảo cho bà con nuôi cá có lời từ 25% trở lên.

Giá cá thát lát trên thị trường có khi lên cao ngất ngưởng và đôi lúc tụt xuống tận đáy nên người nuôi không an toàn. Sự thăng trầm này khiến cho tâm lý người nuôi cá cũng hoang mang theo. Chính vì vậy, người nông dân cần thực sự sáng suốt hơn nữa và cần có sự thống nhất với doanh nghiệp. Hơn nữa, doanh nghiệp cần tạo lòng tin, sự uy tín để nông dân và doanh nghiệp cùng phát triển, từng bước vực dậy cho thương hiệu cá thát lát Hậu Giang.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>