Kỳ vọng gạo Việt trên thương trường

17/01/2019 | 08:47 GMT+7

Bước sang năm 2019, ngành lúa gạo Việt Nam tạo được dấu ấn khi Bộ NN&PTNT sau nhiều năm ấp ủ đã công bố logo thương hiệu gạo. Đây được xem là kỳ vọng góp phần tạo được chỗ đứng xứng tầm cho hạt gạo Việt trên thương trường quốc tế.

ĐBSCL đang hình thành các cánh đồng lớn sản xuất tập trung các giống lúa chất lượng cao.

Gạo Việt khẳng định vị thế 

Năm 2018 khép lại xuất khẩu gạo việt Nam tăng trưởng 4,6% (số lượng xuất khẩu đạt 6,09 triệu tấn). Xuất khẩu gạo Việt Nam hiện chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Đặc biệt đã có sự chuyển đổi về giá xuất khẩu và tỷ trọng gạo chất lượng cao một cách tích cực.

Trong năm 2018, Việt Nam thắng thầu 50.000 tấn gạo phẩm cấp cao với giá khoảng 700 USD/tấn tại Hàn Quốc được xem là dấu mốc khẳng định hướng đi đúng đắn vào phân khúc gạo thơm, gạo phẩm cấp cao. Theo Bộ Công thương, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng khá. Giá xuất khẩu gạo cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan từ 50-100 USD/tấn. Giá xuất khẩu bình quân năm 2018 đạt 504,4 USD/tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2017. Có thể nói đây là một thay đổi đáng ghi nhận từ sự nỗ lực của nông dân và doanh nghiệp Việt Nam: chuyển xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp sang gạo chất lượng cao, gạo thơm. Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy: “Năm 2012, gạo thơm chỉ chiếm 7,57% trong cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam và tỷ lệ được nâng dần lên từ 5-7%/năm; đến năm 2018 đạt gần 38% trong cơ cấu xuất khẩu gạo Việt Nam”. Đây là “đòn bẩy” chính để cải thiện giá xuất khẩu của gạo Việt trên thương trường.

Cùng thời điểm công bố logo gạo Việt, Tập đoàn Phoenix (Dubai) đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời (Việt Nam) phát triển sản xuất lúa gạo bền vững, giảm thiểu những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, sâu bệnh, thiên tai... Dự án sẽ hỗ trợ 10.000 nông hộ nhỏ Việt Nam mở rộng canh tác lúa gạo bền vững với hơn 10.000ha đất trồng lúa. Qua chương trình, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong việc cung cấp gạo chất lượng cao, với khả năng truy xuất nguồn gốc hoàn toàn và giảm dư lượng hóa chất, nhằm tăng thu nhập của nông dân. Thông qua hợp tác, gạo Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tốt nhất để kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ, gia nhập nhanh hơn vào mạng lưới thương mại gạo quốc tế.

Chờ bứt phá từ điều kiện “đủ”!

Có thể nói việc Bộ NN&PTNT công bố logo gạo Việt là điều kiện “cần” nhưng để có thêm điều kiện “đủ”, Việt Nam phải nhắm đến và xác định các dòng lúa gạo chiến lược mang tầm thương hiệu quốc gia. Lâu nay, các chuyên gia lúa gạo đã chỉ ra: Muốn xuất khẩu gạo ổn định bền vững thì nông dân và doanh nghiệp Việt Nam phải tạo được uy tín cũng như thương hiệu cho gạo Việt. Khi đã tạo được uy tín - thương hiệu như gạo Thái Lan thì vị thế của gạo Việt sẽ vững chân trên thị trường. Thời gian qua, gạo Thái Lan cũng có lúc lên xuống thất thường nhưng vẫn xoay quanh trục giá an toàn, có lợi cho nông dân của họ. Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: “Lâu nay, chúng ta còn  “Tư duy sản xuất” lấy sản lượng là mục tiêu, nhưng trong kinh tế học thì sản lượng không đồng nhất với lợi nhuận. “Tư duy sản xuất” bán nông sản thô; nông sản trên đồng, “bán cái chúng ta làm ra - cái chúng ta có”... Còn “tư duy kinh tế” lấy giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng làm mục tiêu; tạo ra nhiều dòng sản phẩm chế biến từ một loại nông sản nào đó; bán hàng thông qua thương mại điện tử, công nghệ số, bán “cái thị trường cần”. Làm sao tư duy kinh tế đó đến được xã hội, đến được người nông dân ít nhiều đang bị biệt lập với những điều hàn lâm đó”!

Chính vì vậy, cần thay đổi chiến dịch kinh doanh hạt gạo một cách bài bản hơn. ĐBSCL bắt đầu có mô hình tích cực như đầu tư cánh đồng mẫu lớn, doanh nghiệp đầu tư giống, cán bộ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hiệu quả của những mô hình này là hạt gạo sẽ có giá cả ổn định và thương hiệu cũng rõ ràng hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cảnh báo: Thị trường châu Âu không chấp nhận những sản phẩm gạo thơm vì họ sợ có mùi đồng nghĩa với bị tạp nhiễm. Thị trường này chủ yếu là tiêu thụ gạo hạt dài cao cấp, với giá rất cao: khoảng 700-800 USD/tấn. Tuy nhiên tiêu thụ rất khó khăn. Ngay thương hiệu gạo Basmati nổi tiếng của Ấn Độ cũng là do một công ty phân phối của Anh nhập về phân phối lại trên toàn thế giới. Theo GSTS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam: “Với Việt Nam, ngay cả những giống gạo thơm nổi tiếng như Nàng Thơm Chợ Đào hay Tám Thơm cũng có những nhược điểm là rất kén đất, khó để phát triển mạnh. Nên chúng ta vẫn có thể làm để cạnh tranh nhưng đây không phải là thế mạnh. Cần quyết định chọn giống lúa nào đi vào thị trường nào cần nhất, có số lượng lớn nhất và phù hợp với thế mạnh của mình”. Chính vì vậy, mà các chuyên gia khuyến khích doanh nghiệp cần đa dạng hóa các giống lúa chủ lực: gạo thơm nhắm vào thị trường châu Á, gạo hạt dài phẩm cấp cao nhắm vào các siêu thị châu Âu…

Sau khi công bố logo gạo Việt xong, Bộ NN&PTNT đang khẩn trương đăng ký với tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế và chờ sự đồng thuận của nhiều nước về hiện diện logo thương hiệu gạo Việt Nam. Nhiều người đang mong chờ và kỳ vọng vào sự phối hợp của các bộ, ngành và hiệp hội cùng nhau hoàn thiện quy chế, hướng đến xuất khẩu gạo chất lượng, nhất là thị trường chính ngạch để đưa gạo Việt Nam tiến thêm một bước trên thương trường.

Theo GSTS Võ Tòng Xuân, Hiệu trường Trường Đại học Nam Cần Thơ: Cần phải gắn kết người nông dân với doanh nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất. Điều kiện cần cho sản xuất theo chuỗi giá trị để giành thị trường bền vững: Xây dựng cụm nông nghiệp kỹ thuật cao với đầy đủ thiết bị hiện đại chiếm lòng tin của khách hàng. Doanh nhân điều khiển cụm công nghiệp phải được đào tạo một cách cơ bản, có thực tâm vì nông nghiệp và nông dân, uy tín quốc gia, có trách nhiệm xã hội.

 

Bài, ảnh: CAO PHONG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>