Không chạy theo phát triển kinh tế để ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

20/07/2021 | 07:30 GMT+7

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL diễn biến phức tạp, Hậu Giang đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc phỏng vấn ông Trương Cảnh Tuyên (ảnh), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang về vấn đề này.

Thưa ông, hiện nay dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp tại Hậu Giang, tỉnh có những giải pháp gì để giữ vững mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế ?

- Có thể khẳng định công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được toàn hệ thống chính trị vào cuộc, các ngành, các cấp đã tập trung thực hiện quyết liệt, cùng với sự đồng thuận của Nhân dân và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng do biến chủng mới lây nhiễm nhanh, mạnh, khó lường trên diện rộng và rất khó kiểm soát nên tình hình dịch bệnh tại địa phương và các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL ngày càng phức tạp.

Các doanh nghiệp trong tỉnh luôn chú ý đảm bảo an toàn dịch bệnh khi sản xuất.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã ra nhiều quyết định thiết lập vùng cách ly y tế để phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ở các địa phương, vì vậy sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, sinh hoạt của các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, làm sao phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh. Giao cho Ban quản lý các khu công nghiệp làm việc với các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành và Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A. UBND các huyện làm việc với các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn với phương châm 3 tại chỗ, tức là cùng ăn, cùng ở và cùng sản xuất trong doanh nghiệp. Với tinh thần nếu doanh nghiệp nào bố trí thực hiện được 3 tại chỗ này thì tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh. Còn các doanh nghiệp chưa đảm bảo 3 tại chỗ thì phải căn cứ vào tình hình thực tế để có thể điều chỉnh công suất sản xuất hoặc giảm quy mô trong sản xuất kinh doanh để đảm bảo công tác phòng, chống dịch tốt nhất. Bởi sức khỏe của người dân, công nhân lao động là trên hết.

Hậu Giang có những giải pháp gì để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn trong tình hình hiện tại, thưa ông ?

- Căn cứ vào các quy định về hỗ trợ, chính sách cho các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn của tỉnh, Hậu Giang thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, các văn bản quy định. Thứ nhất, theo Nghị định 52 của Chính phủ về việc gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất năm 2021, tỉnh đã triển khai cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho trên 150 doanh nghiệp với số tiền gia hạn khoảng hơn 50 tỉ đồng. Thứ hai, trên cơ sở Nghị quyết 68 của Chính phủ, tỉnh giao các ngành, các cấp đang tiến hành vừa xây dựng kế hoạch thực hiện, vừa rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn để chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến tay người lao động, doanh nghiệp khó khăn trong thời gian sớm nhất.

Riêng đối với lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, vừa qua UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch 136 về việc triển khai thực hiện hỗ trợ với khoảng 20.000 người nhận được hỗ trợ này, mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người/lần. Tổng kinh phí 30 tỉ đồng. Việc chi hỗ trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Hậu Giang đang ưu tiên cao nhất cho việc phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo sức khỏe Nhân dân. Xin ông nói rõ hơn về quan điểm này ?

- Quan điểm xuyên suốt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh là không vì chạy theo phát triển kinh tế mà để ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Với tinh thần quyết liệt này, Hậu Giang sẽ tạo mọi điều kiện, nhất là các phương tiện vận chuyển chở hàng hóa về nguyên vật liệu để phục vụ cho các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất cũng như phục vụ sinh hoạt của người dân trong toàn tỉnh. Có hướng dẫn rõ ràng về công tác tổ chức giao thông bảo đảm vận hành thông suốt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi (tạo luồng xanh) cho các xe chở hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, đời sống thiết yếu; chuyên gia, công nhân. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai thực hiện đúng quy định, đảm bảo phòng, chống dịch. Riêng việc thực hiện 3 tại chỗ ở các doanh nghiệp, tỉnh yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND các huyện làm việc cụ thể với các doanh nghiệp để cùng cam kết với chính quyền địa phương đẩy lùi dịch Covid-19 trên địa bàn của tỉnh Hậu Giang trong thời gian sớm nhất.

Thưa ông, bên cạnh phát triển kinh tế, đảm bảo hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp không bị đứt gãy, việc đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho người dân ra sao ?

- Đối với vấn đề hàng hóa, toàn tỉnh hiện có 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị tổng hợp, 28 cửa hàng Bách Hóa Xanh, các kho của hệ thống Co.opMart, Bách Hóa Xanh và 72 chợ phân bố đều trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố. Hậu Giang đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, khẩu trang vải kháng khuẩn, thiết bị bảo hộ, dung dịch vệ sinh, sát khuẩn... Bằng nguồn vốn tự cân đối, hiện nay đã có 9 đơn vị, doanh nghiệp tham gia công tác bình ổn thị trường, với tổng số lượng hàng hóa là 8.151 tấn, tương đương khoảng 200 tỉ đồng. Tại 8 huyện, thị xã, thành phố cũng triển khai xây dựng các phương án dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân theo 5 cấp độ phòng chống dịch với số lượng hàng hóa là 26.869 tấn tương đương trên 377 tỉ đồng. Hiện tại, một số đơn vị kinh doanh triển khai thực hiện phương thức bán hàng trực tuyến qua điện thoại, giao hàng tận nhà góp phần hạn chế tập trung đông người tại các điểm mua, bán hàng hóa nhằm phòng chống dịch Covid-19.

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện tình trạng khan hiếm, đẩy giá hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi tình huống này có thể xảy ra. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất nông sản. Sở Công thương tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối với các siêu thị để tiêu thụ nông sản cho người dân Hậu Giang. Tỉnh giao Sở Công thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường kiểm tra, quản lý chặt chẽ hàng hóa, nếu phát hiện hành vi găm hàng, nâng giá sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Hậu Giang đã và đang quyết liệt, tập trung các nguồn lực để phòng, chống dịch Covid 19 và đảm bảo sản xuất, không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, để kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ cuộc sống an toàn, lãnh đạo tỉnh kêu gọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hãy cùng hành động, tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế về 5K + vắc-xin và ứng dụng công nghệ, mỗi người dân là một pháo đài chống dịch.

Xin cảm ơn ông !

MỘNG TOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>