“Hiến kế” cho Hậu Giang phát triển bền vững

05/04/2021 | 18:18 GMT+7

Cuộc gặp gỡ, đối thoại của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh với các chuyên gia, nhà khoa học, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên mới đây, đội ngũ trí thức đã có nhiều “hiến kế” hay cho Hậu Giang.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là đòn bẩy giúp Hậu Giang phát huy thế mạnh nông sản địa phương.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Khoa nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ (Khu Hòa An), chia sẻ: “Để tỉnh phát triển bền vững và vươn tầm hơn thì tôi nghĩ cần tập trung phát triển nông nghiệp chế biến sau thu hoạch, tập trung vào phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh. Việc trồng, sản xuất cây con gì thích ứng với biến đổi khí hậu, đào tạo con người có chuyên môn, trình độ giỏi để ứng dụng các thành tựu khoa học vào trong sản xuất nông nghiệp, phải hình thành được một số vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao… Đây chính là những nấc thang quan trọng, cần thiết để Hậu Giang vươn tầm cùng các tỉnh, thành trong khu vực”.

Phong trào nghiên cứu khoa học trong nhà trường ngày càng phát triển đã khơi nguồn cho nhiều ý tưởng khởi nghiệp trong các bạn trẻ.

Điểm nhấn của Hậu Giang thời gian qua là đã chọn giải pháp đột phá đúng hướng trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều chương trình, đề án phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp phát huy hiệu quả tốt, như: đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; đề án nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác xã, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2015-2020…

Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết: “Tỉnh nhận diện tiềm năng lợi thế là nông nghiệp. Chúng tôi xác định làm nông nghiệp nông dân vẫn sẽ giàu, quan trọng là ở cách làm. Tỉnh ưu tiên phát triển nông nghiệp chế biến. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung vào phát triển kinh tế tập thể, phát huy lợi thế tiềm năng của các hợp tác xã để đảm bảo vùng nguyên liệu cung cấp trong sản xuất. Địa phương sẵn sàng khai tử các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả, xây dựng các hợp tác xã mới…”. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Tỉnh không nuôi trồng phân tán nhỏ lẻ, tự phát, mà phải có quy hoạch cụ thể rõ ràng để sản xuất theo dây chuyền, phát triển nông nghiệp phải gắn khoa học công nghệ theo hướng phát triển bền vững”.

Hậu Giang luôn tạo được ấn tượng với các địa phương bởi cách làm, cách sáng tạo và nhiều chính sách phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Cần hiến kế: “Thực trạng hiện nay là lực lượng lao động nông thôn ở tỉnh đang thiếu hụt, nhất là lực lượng lao động trẻ. Họ đã tìm đến các khu, cụm công nghiệp ở thành phố để làm việc, không thích làm ruộng. Bên cạnh đó, các ngành liên quan đến nông nghiệp tại Trường Đại học Cần Thơ đã rất ít sinh viên theo học, trong khi Hậu Giang là tỉnh nông nghiệp. Vì vậy tỉnh cần phải đổi mới mạnh mẽ trong phương pháp dạy và học ở trường phổ thông, phải đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa. Trong đó, tăng cường gắn kết các buổi học thực hành thực tế tại đồng ruộng, vườn cây, nông trại, hợp tác xã… để học sinh có sự hứng thú, tò mò. Thầy cô giáo phải làm sao để các em phát huy được sự sáng tạo, đổi mới tư duy học, để các học sinh, sinh viên ngay khi ngồi trên ghế nhà trường đã phải trăn trở, tìm cách làm kinh tế, để các em yêu thích mảnh đất quê hương mình. Nhà trường đừng quá chú trọng vào lý thuyết mà phải tập trung vào thực hành, để phát huy năng lực của học sinh, sinh viên”.

Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chính là “chìa khóa vàng” để Hậu Giang tự tin phát triển trong thời gian tới, phó giáo sư, tiến sĩ Bạch Long Giang, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhấn mạnh: “Thời gian qua tỉnh đã có nhiều đột phá trong việc đổi mới và phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ. Đây là điều kiện cần và đủ, tạo cơ hội thời cơ cho lực lượng trí thức có cơ hội thể hiện năng lực bản thân, nhưng có cơ hội sẽ kèm theo nhiều thách thức. Tôi kiến nghị địa phương cần xây dựng chương trình và định hướng rõ ràng hơn cho thanh niên phong trào khởi nghiệp”. Ông Giang chia sẻ: Để phong trào khởi nghiệp phát huy tốt cần phải gắn kết được với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, phải làm sao tạo được môi trường thuận lợi để đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh thực hành, từ trong môi trường làm việc có ý tưởng và tự tin, mạnh dạn phát triển ý tưởng của mình để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Phải lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cũng là những góp ý thẳng thắn mà chuyên gia, nhà khoa học, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên chia sẻ. Ông Nguyễn Quốc Việt, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Đông Phước, huyện Châu Thành, cho biết: “Hầu hết thanh niên khởi nghiệp gặp khó khăn do thiếu nguồn vốn nên quy mô thường rất nhỏ, hiệu quả mang lại không cao. Vì thế chúng tôi nghĩ cần có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp hơn. Huyện đoàn, Tỉnh đoàn tiếp tục lựa chọn những mô hình, dự án khởi nghiệp khả thi để thanh niên tiếp cận kịp thời với nguồn vốn, phối hợp với các ngành có liên quan để giúp các đoàn viên, thanh niên xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp”.

Với ước mơ biến dự án “Hệ thống hỗ trợ ao nuôi thủy sản thông minh” của học sinh mình thành thương phẩm, ông Nguyễn Minh Tường, giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Châu Thành A, bộc bạch: “Nhiều dự án của học sinh đã được hình thành, có nhiều dự án có thể gọi là khởi nghiệp đã được các em thực hiện. Chẳng hạn dự án: “Hệ thống hỗ trợ ao nuôi thủy sản thông minh” không chỉ giúp các em kiếm thêm thu nhập phục vụ cho việc học mà dự án đã góp phần giúp cho người nuôi cá trên quê hương Châu Thành A đỡ vất vả, giảm chi phí nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất”.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Phong trào khởi nghiệp của tỉnh Hậu Giang đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, nhất là vào năm 2019, năm đầu tiên tỉnh tổ chức cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Cuộc thi không chỉ khuyến khích sự sáng tạo, tinh thần lập thân lập nghiệp mà đây là cơ hội, mở ra cho nhiều bạn trẻ cái nhìn mới về những sản phẩm thế mạnh sẵn có của địa phương nơi mình sinh sống. Chúng tôi rất mừng tại các buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp ghi nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ, các góp ý, “hiến kế” này là chìa khóa quý báu để tỉnh Hậu Giang hoạch định và thực hiện nhiều chương trình, dự án chất lượng, hiệu quả hơn trong thời gian tới”.

Dự kiến sẽ thành lập doanh nghiệp công nghệ tại Hậu Giang

Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh: “Tỉnh sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp hơn để thu hút đội ngũ nhân tài, không chỉ là con em quê hương Hậu Giang về công tác tại tỉnh mà cả các chuyên gia, nhà khoa học ở các tỉnh, thành khu vực về hỗ trợ để Hậu Giang phát triển vươn tầm trong thời gian tới. Tỉnh cũng đang phối hợp với Viettel Hậu Giang thực hiện dự án “Vườn ươm công nghệ”, tại dự án này sẽ mời các doanh nghiệp đến để cùng trao đổi kinh nghiệm. Đây cũng sẽ là nơi đào tạo, bồi dưỡng, thực hành và làm việc tại chỗ cho những bạn trẻ yêu thích công nghệ...

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>