Đồng Bằng Sông Cửu Long: Tăng tốc xuống giống lúa Đông xuân

09/12/2019 | 20:17 GMT+7

Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT vừa yêu cầu các tỉnh ĐBSCL đẩy nhanh tiến độ xuống giống lúa Đông xuân năm 2019-2020 nhằm né hạn, mặn. Cố gắng đến cuối tháng 12-2019, các tỉnh trong vùng xuống giống xong 1,55 triệu héc-ta lúa Đông xuân...

Gieo mạ cấy lúa sẽ giảm đáng kể lượng lúa giống. Ảnh: H.THU

Gieo sạ theo lịch thời vụ

Bà Võ Thị Hồng Thủy, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang, cho biết do năm nay lũ thấp nên thời gian qua nông dân các huyện Hòn Đất, Gò Quao, Giồng Riềng, Tân Hiệp… tranh thủ xuống giống lúa Đông xuân 2019-2020 của đợt 1. Theo kế hoạch từ nay đến cuối tháng 12-2019 sẽ vào cao điểm xuống giống; qua đó hoàn thành tổng diện tích sản xuất lúa Đông xuân của cả tỉnh là 289.000ha. Cùng với việc tranh thủ gieo sạ thì điều lo ngại hiện nay là có hơn 1.800ha lúa Đông xuân bị nhiễm bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, sâu cuốn lá; hơn 171ha lúa bị nhiễm ốc bươu vàng; đặc biệt là hơn 318ha lúa ở huyện An Biên và An Minh bị nhiễm mặn, do nông dân sản xuất trên nền đất nuôi tôm nhưng chưa được rửa mặn tốt.

Nông dân Hậu Giang đang đẩy mạnh đưa máy và cấy lúa Đông xuân. Ảnh: H.THU

Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết dự báo mặn về sớm và nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ lúa Đông xuân 2019-2020. Vì vậy, ngành thủy lợi đã và đang tiến hành đóng hàng chục cống ngăn mặn ở các khu vực ven biển như Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành, thành phố Rạch Giá… Các cống ngăn mặn này được đóng sớm hơn so với những năm trước. Bên cạnh đó, tăng cường nạo vét thủy lợi, tích trữ nước ngọt nội đồng nhằm phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Ở các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… cũng đang khẩn trương xuống giống lúa Đông xuân 2019-2020, nhằm phòng tránh hạn, mặn. Ông Trần Văn Sáu, ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai (thành phố Cần Thơ), cho biết: “Sau khi nắm thông tin dự báo về hạn, mặn có thể đến sớm nên nông dân vùng này đã tranh thủ gieo sạ sớm lúa Đông xuân nhằm tránh nguy cơ bị ảnh hưởng.

Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết theo kế hoạch trong tháng 12 này, nông dân ở huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy, thành phố Vị Thanh và thị xã Long Mỹ gieo sạ đợt 3 kết thúc đợt xuống giống vụ lúa Đông xuân và đạt diện tích 78.000ha của cả vụ. Các giống lúa sử dụng là OM 5451, OM 4900, OM 2517, Jasmine 85, RVT, OM 4218, OM 18… thực hiện theo hình thức sạ thưa, sạ hàng hoặc cấy với lượng giống gieo sạ dưới 100 kg/ha. Ngành cũng khuyến cáo nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng theo lịch “né rầy” để hạn chế bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xảy ra. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các quy trình canh tác lúa tiên tiến như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, ứng dụng công nghệ sinh thái trong quản lý dịch hại tổng hợp, ứng dụng chế phẩm nấm xanh trong phòng trừ rầy nâu... Đối với các loại dịch hại như ốc bươu vàng, chuột, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá là các đối tượng có khả năng gây hại mạnh vào đầu vụ cần theo dõi, quản lý phù hợp và kịp thời. Sau khi gieo sạ, nếu rầy di trú vào ruộng thì nông dân đưa nước vào ngập “chảng ba” cây lúa để hạn chế rầy nâu chích hút và đẻ trứng. Hạn chế phun thuốc trừ sâu đối với trà lúa dưới 40 ngày sau sạ để bảo tồn thiên địch, tránh dịch hại bộc phát ở giai đoạn sau. Hiện nay, tình hình thời tiết, thủy văn và rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá diễn biến rất phức tạp, bà con nông dân nên tuân thủ lịch xuống giống của địa phương.

Hạn, mặn sẽ gay gắt

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) lưu ý, do năm nay đỉnh lũ thấp nên khả năng xuất hiện mặn sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 1-2 tháng. Dự báo, từ tháng 12-2019, ranh mặn 4 g/lít xâm nhập vào đất liền 20-30km; sang tháng 1 và tháng 2-2020, ranh mặn 4 g/lít lấn sâu vào đất liền từ 40-67km, cao hơn 15km so với trung bình nhiều năm. Đây là phạm vi ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi. Đến tháng 3-2020, tùy thuộc vào lượng nước điều tiết từ các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mekong, trường hợp nguồn nước tăng như một số năm gần đây thì xâm nhập mặn sẽ giảm; trường hợp nguồn nước không tăng, xâm nhập mặn tiếp tục ở mức như tháng 1 và tháng 2-2020.

Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, khả năng tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 Hậu Giang sẽ đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Theo đó, nhiều khả năng trong tháng 12 này nước mặn với nồng độ 4‰ từ các cửa Biển Tây sẽ xâm nhập vào nội đồng với bán kính từ 30-60km, sang tháng 1-2020 sẽ tăng bán kính lên từ 40-75km, tăng từ 10-15km so với cùng kỳ. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã yêu cầu các địa phương, nhất là thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ thường xuyên đo kiểm tra độ mặn tại các điểm chính, khi phát hiện độ mặn vượt mức ngưỡng cho phép thì tiến hành đóng các cống ngăn mặn lại và thông báo cho người dân biết để chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó, có giải pháp thực hiện công trình và phi công trình ngăn mặn, cũng như xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống xâm nhập mặn nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất và giảm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh ĐBSCL đẩy nhanh tiến độ xuống giống lúa Đông xuân 2019-2020. Cụ thể, đến hết tháng 12-2019, toàn vùng cần gieo sạ xong khoảng 1,55 triệu héc-ta lúa Đông xuân. Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương sử dụng giống lúa chống chịu được mặn, hạn, phèn ở những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn vào cuối vụ, nhằm tránh những thiệt hại có thể xảy ra. Việc chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển sẽ đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa. Ngoài ra, đề phòng khô hạn cục bộ tại một số địa bàn thuộc vùng phù sa ngọt…

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất. Khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước.

Phía Cục Bảo vệ thực vật lưu ý: Trong tình hình các dịch bệnh bùng phát, Cục Bảo vệ thực vật đã cử nhiều đoàn phối hợp với lãnh đạo các địa phương thống kê đánh giá và tổ chức hội nghị tìm các giải pháp quản lý hiệu quả với sự tham gia của các cơ quan Trung ương, các ban, ngành địa phương. Kịp thời nắm tình hình sinh vật gây hại, đặc biệt là rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, sâu năn trên lúa… trong thời gian qua. Dự báo, sâu năn có khả năng phát sinh, phát triển mạnh trên các trà lúa gieo sạ từ cuối tháng 12-2019 đến tháng 2-2020, gây hại phổ biến cho các diện tích lúa ở giai đoạn đẻ nhánh trong điều kiện thời tiết âm u, sáng sớm có sương mù, kết hợp với mưa. Diện tích nhiễm rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hiện nay đã giảm và tỷ lệ rầy nâu mang vi-rút thấp, tuy nhiên các tỉnh không nên chủ quan mà cần theo dõi sát các đợt rầy di trú để xây dựng lịch gieo sạ “né rầy” cho vụ Đông xuân 2019-2020 theo từng vùng, từng tiểu vùng nhằm hạn chế thấp nhất rầy nâu mang vi-rút vàng lùn - lùn xoắn lá truyền bệnh cho cây lúa non và là cầu nối của dịch bệnh sang các vụ tiếp theo.

Từ tháng 12-2019 đến tháng 2-2020 thời tiết chuyển lạnh, xuất hiện sương mù, bên cạnh đó các giống lúa gieo trồng trong vụ Đông xuân hầu hết nhiễm bệnh đạo ôn và cây lúa tập trung ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ. Ngoài ra, trong điều kiện lũ nhỏ, ốc bươu vàng sẽ tích lũy tại chỗ và lây lan qua nguồn nước tưới ở đầu vụ lúa Đông xuân 2019-2020 gây hại cây lúa. Do đó, các địa phương cần nhanh chóng có kế hoạch phòng tránh dịch bệnh…

H.TÂN - H.THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>