Bài toán thu hút đầu tư vào nông nghiệp

17/02/2017 | 08:03 GMT+7

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được biết đến là vùng có thế mạnh về nông nghiệp, thế nhưng số doanh nghiệp cũng như nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho lĩnh vực này hiện tại chỉ chiếm khoảng 6% trên tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế. Theo các chuyên gia, lời giải cho bài toán này là cần phải có những thay đổi tư duy, chính sách và phải đầu tư mạnh về hạ tầng cơ sở.

Phải thay đổi nhận thức

Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã thực hiện chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp từ năm 1991. Song đến nay, thu hút vào nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Số liệu thống kê từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ cho thấy, tính đến cuối năm 2016, toàn vùng ĐBSCL thu hút hơn 130 dự án FDI, tổng vốn đăng ký hơn 1.200 tỉ USD. Số dự án này còn khá khiêm tốn và phân bổ không đồng đều ở các địa phương.

Ứng dụng dây chuyền chế biến tiên tiến nhằm tiết giảm thời gian, công sức và chi phí cho doanh nghiệp.

Trong buổi tiếp xúc tại Cần Thơ gần đây, ông Sasaki Horiyuki, Tổng Giám đốc Tập đoàn Brainworks Asia (Nhật Bản) có đề cập đến vấn đề đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại ĐBSCL. Song, theo ông Sasaki Horiyuki, ĐBSCL là một vùng đất đầy tiềm năng và theo thống kê có hơn 70% số doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp e ngại chính là chúng ta vẫn chưa có chính sách tạo quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho các công đoạn sau thu hoạch như phơi sấy, chế biến, kho chứa.

Ngoài nguồn đất, một thực tế cần nhìn nhận là chúng ta chưa giải quyết được bài toán lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài và người nông dân. Ngoài ra, việc vận chuyển những mặt hàng nông sản từ thu hoạch đến nơi tiêu thụ còn gặp khó vì cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ. Thêm vào đó là thủ tục rườm rà, phức tạp. Doanh nghiệp muốn thuê đất sản xuất phải chịu chi phí trung gian và chi phí quản lý lớn do ký hợp đồng với nhiều hộ nhỏ lẻ và chưa kể đến tình trạng trả tiền thuê đất lần thứ 2 cho cùng một diện tích.

Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc ĐBSCL phải đổi mới chính sách, trước tiên là đối với đất đai và chính sách thu hút đầu tư. Để có được nguồn đất sạch, ngay từ bây giờ phải xác định mặt hàng nào cần phải giảm đi, quy hoạch vùng trồng trọt cụ thể. Ngoài ra, Nhà nước nên hạn chế tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp, nhằm phát huy tính chủ động của doanh nghiệp và nông dân khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Qua nhiều chuyến công tác tại một số nước như Indonesia, Trung Quốc hay Ấn Độ... chúng tôi nhận thấy nhu cầu mua sản phẩm nông nghiệp ở những nước này tăng mạnh so với trước. Bởi, ĐBSCL là vùng có nguồn nguyên liệu dồi dào và ngược lại họ có thể bán máy móc, thiết bị. Tôi cho rằng, khi kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, bên cạnh giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, để những nhà kinh doanh quan tâm nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn, chúng ta phải chứng minh và giới thiệu để họ thấy đầu tư vào nông nghiệp không chỉ trồng lúa và trái cây nữa, mà là một chuỗi sản phẩm, có thể khai thác hết được từ nguyên liệu ban đầu đến sản phẩm cuối cùng”.

Để làm được điều này, nông nghiệp phải tái cơ cấu, thay đổi cách thức và đổi mới, hướng đến nền nông nghiệp cạnh tranh quốc tế. Nông nghiệp vừa phải đảm bảo an ninh lương thực, vừa là ngành hàng để nâng cao thu nhập của người dân. Một nhân tố quyết định cho sự thắng, bại của cuộc “cách mạng” mang tính chiến lược trong thu hút FDI chính là con người. Vì thế, Nhà nước cần phải có chiến lược kêu gọi đầu tư, riêng nông dân phải là người tiên phong trong thay đổi tư duy, nhận thức, từng bước tiến tới làm chủ công nghệ. Phải đưa khoa học vào trong canh tác chứ không thể dựa vào kinh nghiệm như trước.

Mạnh dạn đầu tư

Thời gian qua, các địa phương đã nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Song, để thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, ĐBSCL cần xác định trọng tâm trong phát triển của vùng là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến hội nhập tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp toàn cầu để có kế hoạch thu hút đầu tư một cách bài bản, hệ thống. PGS, TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: “Để thu hút FDI nông nghiệp thì phải nâng cấp kết cấu hạ tầng để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô, đầu tư mới, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, cần tạo sự bình đẳng giữa nhà đầu tư FDI và nhà đầu tư trong nước”.

Thực tế vấn đề quan trọng nhất vẫn là cơ sở hạ tầng, bởi liên quan trực tiếp đến thời gian và chi phí. Vì vậy, muốn thu hút FDI bắt buộc hạ tầng phải được cải thiện. Bên cạnh đầu tư đường bộ, hàng không... còn phải có đô thị, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí... Liên quan vấn đề này, trong 2 ngày làm việc tại thành phố Cần Thơ mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với nhau có kế hoạch phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp chủ lực của vùng. Phải xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ tối đa, tăng cường trao đổi, đối thoại với các nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ định Bộ Giao thông Vận tải và các ngân hàng tích cực nghiên cứu việc triển khai các dự án Quốc lộ 60, tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, đường tránh thành phố Cà Mau, tiến hành đưa dự án đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Cà Mau vào danh mục ưu tiên đầu tư bổ sung; tài trợ bổ sung cho dự án cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI vào các tỉnh, thành như Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang...

Đề xuất giải pháp thu hút FDI nông nghiệp, ông Sasaki Horiyuki, Tổng Giám đốc Tập đoàn Brainworks Asia (Nhật Bản), cho rằng: “Doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam đầu tư và sở dĩ chọn các tỉnh, thành vùng ĐBSCL là vì nơi đây giá nhân công rẻ hơn Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng lao động rất năng động. Thế nên về lâu dài, ĐBSCL nên mạnh dạn đầu tư, phối hợp với các nước có thế mạnh về giáo dục để đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, ĐBSCL nên đầu tư mở rộng chuyến bay quốc tế như đi Hồng Kông, Thái Lan... Trong dài hạn nên tập trung đầu tư cảng cạn, trung tâm phân phối tại thành phố Cần Thơ để hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh về đây rồi phân phối đi các tỉnh và ngược lại.

Bài, ảnh: THÚY AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>