Triển vọng mô hình trồng rau thủy canh

27/08/2018 | 07:52 GMT+7

Trồng rau thủy canh là mô hình nhằm cung cấp rau sạch cho người tiêu dùng đã xuất hiện tại một số địa phương trong tỉnh. Tuy mới mẻ, nhưng hứa hẹn đem lại thu nhập khá và nguồn thực phẩm an toàn cho người dân.

Mô hình rau thủy canh hồi lưu của ông Khương hướng đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Trần Bá Khương, ở ấp Xáng Mới, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, đã bỏ ra 600 triệu đồng để xây dựng hệ thống nhà lưới và các trang thiết bị trồng rau theo phương pháp thủy canh hồi lưu. Trong diện tích vỏn vẹn 400m2 đất nhưng có hơn chục loại rau được sinh sôi, phát triển mà không một loại côn trùng nào cắn phá, không bị nhiễm thuốc trừ sâu độc hại. Theo ông Khương, trồng trong nhà lưới đã cách ly được toàn bộ các loại côn trùng bên ngoài. Vì vậy, việc chăm sóc rau cũng phải hết sức cẩn thận, nhất là khâu ra vào phải kín cửa, tránh sự xâm nhập của côn trùng.

Trên những chiếc kệ, các loại rau cải xanh, cải ngọt, xà lách, rau húng đang phát triển xanh tốt trên hàng trăm cái ống nhựa. Trong ống nhựa là dòng nước dinh dưỡng được kết nối với thùng chứa nước, vận hành bằng hệ thống hồi lưu, đảm bảo cung cấp đủ nước và dinh dưỡng cho rễ rau hút, phát triển. Ông Tâm, người vận hành hệ thống thủy canh của gia đình ông Khương, cho biết: Hoạt động chính của hệ thống thủy canh hồi lưu sử dụng các bình, thùng chứa dung dịch thủy canh và máy bơm tuần hoàn lên những ống nhựa thủy canh. Dung dịch sẽ được lưu chuyển qua hệ thống đến từng rễ cây và thu lại phần dung dịch dư về thùng chứa ban đầu. Dòng dinh dưỡng được luân chuyển liên tục tạo điều kiện cho rễ hấp thụ dưỡng chất tốt hơn, giúp rau phát triển nhanh, mạnh. Do sử dụng một máy bơm tuần hoàn 2 chiều, chế độ hoạt động tự động và có thể điều chỉnh độ dinh dưỡng khi cây có nhu cầu hoặc tùy vào chế độ mà người sử dụng cài đặt. Thời gian cũng được điều chỉnh bơm theo ý muốn người trồng. Phần dung dịch dinh dưỡng dư sẽ chảy theo hệ thống để hoàn lại về thùng chứa sẽ tiết kiệm được nước, dung dịch một cách tối ưu nhất, mà hiệu quả mang đến cho cây trồng tốt hơn.

Mô hình không chỉ độc đáo ở chỗ vận hành tự động bằng lịch trình mà còn tiết kiệm được nguồn dung dịch dinh dưỡng tối đa. Điều này đã làm cho người trồng đỡ tốn chi phí thuê mướn nhân công chăm sóc. Ngoài ra, mô hình rất an toàn cho người tiêu dùng vì chỉ dùng toàn những sản phẩm sinh học, thân thiện với môi trường. Khi có dấu hiệu bệnh hay có côn trùng vào nhà lưới là chỉ bắt bằng tay hoặc nặng lắm mới xịt thuốc sinh học.

Mặc dù mới xuất hiện từ Tết Nguyên đán 2018 đến nay, nhưng mô hình rau thủy canh của ông Khương đã được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Rau của ông chỉ xuất đi tại các cửa hàng thực phẩm sạch ở thành phố Cần Thơ hay nhà hàng. Mỗi ngày, ông chỉ thu hoạch khoảng 20kg rau đủ loại như xà lách, húng quế, cải ngọt, cải xanh và một số loại rau gia vị khác. Tuy số lượng ít nhưng được thu mua với giá khá cao là 40.000 đồng/kg. Người tiêu thụ chủ yếu là du khách nước ngoài hoặc những gia đình khá giả.

Tuy đến nay, sản lượng tiêu thụ rau của mô hình chưa nhiều, nhưng không vì vậy mà ông Khương nản chí. Hiện nay, ông vẫn duy trì mục tiêu cung cấp sản phẩm rau sạch cho thị trường và từng bước chào hàng tại các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Được biết, ông đang trồng thử nghiệm thêm một vài loại rau phổ biến khác như dưa leo, khổ qua theo hướng an toàn. Với những loại rau này, ông mong muốn sẽ ngày càng đa dạng chủng loại rau ăn sống cho người tiêu dùng.

Cũng thích thú và gắn bó với mô hình rau thủy canh, ở ấp 5, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, bà Nguyễn Thị Bích Tuyền đang sở hữu 50m2 rau. Nhưng khác với ông Khương, bà Tuyền trồng bằng phương pháp thủy canh tĩnh là bơm bổ sung dinh dưỡng khi thấy mực nước giảm. Dù chỉ với diện tích nhỏ nhưng mô hình cũng đem về thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày. Bà Tuyền cho biết: “Mô hình này ở đây chỉ có tôi làm vì cầu kỳ lắm, phải đầu tư bạt lót, ly nhựa ươm cây con, dung dịch dinh dưỡng... Giá thành đầu tư không nhiều, chỉ khoảng 4 triệu đồng nhưng đổi lại có rau sạch, ăn sống không lo vi khuẩn. Với các loại rau cải thông dụng như cải thìa, xà lách, dưa leo nhưng mô hình của bà Tuyền rất được ưa chuộng vì không phun thuốc trừ sâu, an toàn với dung dịch dinh dưỡng được cung cấp theo khuyến cáo của Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ. Tuy giá bán từ 30.000-40.000 đồng/kg nhưng vì mục tiêu sức khỏe, rau sạch của bà Tuyền được nhiều công chức trong thị xã Long Mỹ quan tâm tiêu dùng.

Theo ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trồng rau thủy canh là phương pháp đem lại nhiều lợi ích, đặc biệt là cung cấp thực phẩm an toàn. Tuy hiện nay mô hình chưa phát triển nhiều nhưng nếu có điều kiện, trung tâm vẫn khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật để bà con nhân rộng, nhất là đối với các gia đình sống tại thành thị. Do mức đầu tư không nhiều nên bà con có thể trồng rau theo sở thích. Đáng nói hơn, gia đình có thể tự cung cấp nguồn rau xanh an toàn mà không lo dư lượng thuốc trừ sâu hay ảnh hưởng của thời tiết, mưa bão.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>