Sản xuất đạm cá cao cấp bón cho cây trồng

21/06/2018 | 10:32 GMT+7

Phân đạm cá giúp cây trồng tăng khả năng đề kháng, thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất, an toàn cho người dùng... là những đặc tính vượt trội từ giải pháp “Sản xuất đạm cá cao cấp từ phụ phẩm cá sapa”, do thạc sĩ Huỳnh Tấn Vụ, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh, đã làm được mấy năm qua.

Sản phẩm đạm cá cao cấp của thạc sĩ Huỳnh Tấn Vụ.

Để có được giải pháp này, thạc sĩ Huỳnh Tấn Vụ đã dựa trên cách làm truyền thống từ bao đời của nông dân ĐBSCL, đó là tự ủ cá để làm phân bón cho cây trồng. Tuy nhiên, phương pháp ủ cá truyền thống chủ yếu dùng cá tạp, ốc hoặc cá rô phi… vì có chi phí thấp. Phương pháp ủ này cũng có một số hạn chế là có hàm lượng protein đầu vào thấp nên sản phẩm phân cá thu được có hàm lượng đạm tương đối thấp; hệ số chuyển đổi từ nguyên liệu cá đầu vào thành các đạm amin thấp; sản sinh ra nhiều độc tố không có lợi cho cây trồng như S, H2S… Hơn nữa, thời gian ủ cá kéo dài trung bình 4-6 tháng nên số lượng ít, không kịp đáp ứng nhu cầu sử dụng của cây.

Đứng trước những hạn chế đó, thủy phân cá sapa bằng phương pháp vi sinh là biện pháp sẽ khắc phục được các hạn chế trên. Thạc sĩ Huỳnh Tấn Vụ đã chọn cách làm này để sản xuất ra hàng trăm lít chế phẩm từ phế phẩm cá sapa tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong và ngoài tỉnh.

Thạc sĩ Huỳnh Tấn Vụ cho biết: Phụ phẩm cá sapa gồm đầu, ngũ tạng, xương và vây cá sau khi được xay nhuyễn cho vào thùng nhựa trộn đều với vi sinh vật phân hủy protein (với tỷ lệ 10:1) + rỉ đường (tỷ lệ 10:1) được đậy kín nắp. Thường xuyên trộn đều nguyên liệu trên vào thời điểm 7-10 ngày. Công đoạn này giúp cho vi sinh vật được hòa đều với nguyên liệu để sử dụng chúng làm thức ăn, thủy phân cá triệt để. Khoảng 60-70 ngày sau là các quá trình thủy phân này hoàn tất. Khi đó, sản phẩm có mùi mắm, màu đỏ là đạt. Trong thành phẩm này chứa khoảng 20 loại amino acid giúp cây trồng dễ hấp thu. Ngoài ra, còn có khoáng chất như N: 5%, P2O5: 1%, K2O: 1%, pH 7,2-7,7; trung - vi lượng: Mg, Cu, Fe, Zn, I, Br…; các vitamin như B1, B2, B12.

Với 100kg cá sapa ban đầu thu được 70 lít đạm cá bón gốc và 30 lít đạm cá bón lá. Với giá bán sỉ là 50.000 đồng/lít, nếu so với phân bón lá và phân đạm dạng hạt mà nông dân thường tưới và bón cho rau màu, cây ăn trái thì rẻ hơn nhiều và thực tế đã được nhiều nông dân trong tỉnh sử dụng, công nhận. Ông Quảng Văn Ghi, ở khu vực 5, phường V, thành phố Vị Thanh, đã sử dụng phân đạm cá cao cấp phun, tưới cho 2.500m2 rau màu nhà mình hơn 1 năm qua. Ông Ghi cho biết: “Mỗi công rau, tôi pha 400ml phân tưới; một đợt rau khoảng 1 tháng chỉ cần tưới 4 lần, như vậy giá thành chỉ 80.000 đồng tiền phân/công rau. Nếu sử dụng phân hóa học, tôi phải dùng 5kg/công cho 1 đợt tưới và mỗi ký phân ure có giá 12.000 đồng thì 1 vụ rau phải chi 240.000 đồng/công, cao gấp 3 lần. Hơn nữa, tưới phân này làm đất tơi xốp nên trồng vụ rau sau rất dễ dàng. Còn ông Huỳnh Văn Như, ở xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, đã sử dụng phân đạm tưới cho 5 công cam sành của mình hơn 1 năm qua. Ông cho biết đã giảm được 50% lượng phân hóa học so với những năm trước.

Từ những ưu điểm vượt trội đó, giải pháp “Sản xuất đạm cá cao cấp từ phụ phẩm cá sapa” đã đạt giải 3 cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2017 và được Hội đồng Khoa học, sáng kiến tỉnh xét đặc cách công nhận sáng kiến cấp tỉnh năm 2017. Sản phẩm còn được thạc sĩ Huỳnh Tấn Vụ sản xuất ra thành thương phẩm với số lượng hàng trăm lít với giá bán trên thị trường 70.000-80.000 đồng/lít. Sản phẩm được chủ nhiệm cung cấp trên thị trường trong và ngoài tỉnh, xúc tiến thương mại tại các hội chợ trên cả nước.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>