Sân chơi trí tuệ

05/03/2018 | 08:04 GMT+7

Những dự án, đề tài nghiên cứu, mô hình sáng tạo khoa học kỹ thuật của học sinh thể hiện ở các cuộc thi, hội thi sáng tạo các cấp thời gian qua đã minh chứng đây là sân chơi trí tuệ, bổ ích cho các em học sinh. Hoạt động nghiên cứu khoa học đang góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh nhà, cũng là nội dung được nghị quyết đại hội đảng các cấp rất chú trọng thực hiện trong cả nhiệm kỳ.

Thầy Lê Hữu Kỳ Quan (bìa phải), giáo viên Trường THPT chuyên Vị Thanh, cùng học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học.

Bất ngờ với những sáng tạo rất “chất”

Gặp em Huỳnh Hoàng Khánh, học sinh lớp 9A1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam (huyện Châu Thành A), khi đang cùng thầy nâng cấp dự án “Tàu phun thuốc thông minh” để chuẩn bị cho Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia, em Khánh bộc bạch: “Mỗi lần nghiên cứu thành công là em lại cảm thấy vui. Em vui vì công sức mình bỏ ra đã được hoàn thành bằng sản phẩm có lợi cho mọi người. Bên cạnh đó, em càng có động lực để quyết tâm hơn trong việc đưa ra ý tưởng và hình thành sản phẩm. Em thấy nhờ chịu khó nghiên cứu, tìm tòi mà em có thêm nhiều kiến thức bổ ích”. Điểm nhấn đầu tiên đánh dấu thành công trong nghiên cứu khoa học của em Khánh là Dự án “Đập ngăn mặn thông minh” do em làm nhóm trưởng. Dự án đã xuất sắc đoạt giải nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017 và giải ba cấp quốc gia. Với dự án này, các em sẽ hỗ trợ các gia đình 1 hệ thống ngăn mặn thông minh nhờ các cảm biến đo độ mặn. Hiện nay, với Dự án “Tàu phun thuốc thông minh” vừa đoạt giải nhì cấp tỉnh, hứa hẹn sẽ mang về thêm vinh quang cho giáo dục tỉnh nhà ở cuộc thi cấp quốc gia.

Bất ngờ và cảm thấy thú vị trước sản phẩm hữu ích trong trường học, là cảm nhận của Ban Giám khảo Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018 khi nói về Dự án “Hệ thống quản lý xe thông minh bằng mã vạch QR code” của em Lê Ngọc Phúc, học sinh lớp 12T1, Trường THPT Tân Long, huyện Phụng Hiệp. Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục chuyên nghiệp, Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho hay: “Tuy dự án chỉ đoạt giải ba cuộc thi nhưng nếu được nâng cấp hoàn chỉnh, tính ứng dụng rộng rãi sẽ rất cao. Từ dự án này, thành phẩm sẽ là một hệ thống quản lý xe rất tốt trong nhà xe trường học, giúp nhận dạng, tìm xe nhanh, biết chủ xe là ai, hạn chế tình trạng trộm cắp xe và nhất là nâng cao ý thức tự giác của học sinh trong việc sắp xếp, quản lý xe của mình”. “Hệ thống quản lý xe thông minh bằng mã vạch QR code” của em Phúc đã được nhà trường ứng dụng thực tế trong quản lý xe trong trường học. Hiện tại, cô và trò đang tiếp tục nghiên cứu tìm loại giấy phù hợp, chất lượng cao để khi dán lên xe sẽ lưu giữ được lâu, không bong tróc, phai màu. Cô Đỗ Thị Bé Ngoan, giáo viên hướng dẫn em Phúc, chia sẻ: “Tôi mừng vì học sinh của mình có sự sáng tạo và năng động. Em Phúc luôn chủ động nghiên cứu và đưa ra những ý kiến để chỉnh sửa hệ thống quản lý được tốt hơn”.

Nghiên cứu là góp phần đổi mới phương pháp dạy - học

Các em học sinh trên địa bàn liên tiếp cho ra đời những sản phẩm mang tính ứng dụng cao như Dự án “Xe hỗ trợ canh tác lúa đa năng chạy bằng động cơ điện điều khiển từ xa” của nhóm học sinh Trường THPT Vị Thủy; Dự án “Thiết bị báo rò rỉ khí gas qua điện thoại” của học sinh Trường THCS Phú Hữu, huyện Châu Thành; “Thùng rác tự động mini dành cho người khuyết tật” của học sinh Trường THPT Cây Dương, huyện Phụng Hiệp; “Thiết bị hỗ trợ cứu nạn của học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh; sản phẩm “Bắt muỗi hành bằng phương pháp quang học” của nhóm tác giả Trường THCS Phan Văn Trị… Tất cả các sản phẩm, dự án đã cho thấy sự đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học trong trường học của học sinh và giáo viên đang phát triển mạnh mẽ.

Thầy Trần Thanh Nguyên, giáo viên dạy thể dục Trường Tiểu học Trường Long Tây 1, huyện Châu Thành A, cho biết: “Nhờ nghiên cứu khoa học, tôi thấy mình yêu nghề và chủ động đưa ra những phương pháp giảng dạy hấp dẫn học sinh. Dạy học trước nhất là dạy làm người, dạy trẻ kỹ năng sống”. Thầy Nguyên đã thực hiện Mô hình “Cánh cửa thông minh” để giúp tiết kiệm điện trong trường học, an toàn cho học sinh và chống trộm cắp… mô hình đã đoạt giải ba Hội thi sáng tạo xanh cấp tỉnh Hậu Giang lần thứ II năm 2017.

Là một trong những giáo viên giữ vai trò cốt cán, tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi tỉnh, thầy Lê Hữu Kỳ Quan, giáo viên Trường THPT chuyên Vị Thanh cũng vừa hướng dẫn học sinh tham gia nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật và những dự án nghiên cứu của học sinh đều đoạt giải cao trong các cuộc thi tin học trẻ, khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia. Thầy Quan chia sẻ: “Việc đưa hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ kỹ thuật vào trong học sinh không chỉ có ý nghĩa tạo sân chơi bổ ích, mà còn khơi dậy sự đam mê sáng tạo cho các em ngay từ lứa tuổi học trò. Nếu các học sinh được quan tâm, tạo điều kiện, động viên, khuyến khích, cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo thì những ý tưởng sáng tạo của các em sẽ trở thành những sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống”. Sản phẩm “Thiết bị tìm kiếm cứu nạn” của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh, do thầy và 1 giáo viên cùng trường hướng dẫn đã đoạt giải nhất tại Hội thi tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXIII - năm 2017.

Trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là hoạt động không thể thiếu, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ chất lượng giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, đã đề cập.

Phát hiện các tài năng để bồi dưỡng nhân tài cho đất nước

Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Nghiên cứu khoa học (NCKH) đây là sân chơi bổ ích giúp các em áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, học đi đôi với hành, tiếp cận, làm quen với phương pháp, kỹ năng NCKH, tạo đà cho các bậc học tiếp theo. Ngoài ra, NCKH còn tạo sự tự tin, tìm tòi và sáng tạo, rèn luyện cách làm việc tự lực, làm việc nhóm, tính tích cực, chủ động, hứng thú trong học tập và sinh hoạt. Từ đó, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh ở một số môn học có liên quan, phát hiện các tài năng để bồi dưỡng nhân tài cho đất nước”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>