Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ

13/09/2019 | 07:53 GMT+7

Đề tài “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” do Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Ngọc Thạch, Liên hiệp Khoa học Kinh tế - Đô thị Nam bộ làm chủ nhiệm đã cơ bản hoạch định được bức tranh toàn cảnh của Hậu Giang.

Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Hậu Giang phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp và đô thị.

Qua nghiên cứu, đề tài đã phân tích, đánh giá được thực trạng số lượng, chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh giai đoạn 2004-2016 trong các ngành khoa học công nghệ; kinh tế; hành chính sự nghiệp; doanh nghiệp, các tổ chức trên địa bàn tỉnh; các tổ chức khoa học công nghệ công lập và ngoài công lập; các trường, trung tâm đóng trong tỉnh. Chủ nhiệm còn phân tích, đánh giá những yếu tố tác động đến hiệu quả sử dụng và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN). Những phân tích kỳ công này đã được thành viên Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh đánh giá cao. Bởi các phân tích được thực hiện bằng mô hình SWOT nên đạt được kết quả rất chính xác và đáng tin cậy. Ngoài ra, với phương pháp lập mô hình và phương pháp dự báo cung - cầu nguồn nhân lực, chủ nhiệm đã đề ra được cơ sở phù hợp với thực tế của tỉnh.

Chủ nhiệm đề tài Đinh Ngọc Thạch chia sẻ: Tỉnh Hậu Giang tính từ năm 2018 có 745 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học; khoảng 11.300 cán bộ, công chức viên chức có trình độ đại học; gần 5.300 cán bộ, công chức, viên chức trình độ cao đẳng, trung cấp. Ngoài ra, tỉnh còn có thêm nguồn lực KH&CN trong các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, viện, trường, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn. Đây là lực lượng tiềm năng tham gia vào các hoạt động KH&CN tỉnh trong tương lai. Tuy nhiên, qua điều tra, khảo sát, phân tích, kết quả nghiên cứu của chủ nhiệm đã nhận thấy rằng tiềm năng nguồn nhân lực của tỉnh có nhưng ở mức phân hóa không đồng đều. Nguồn nhân lực KH&CN tập trung vào các ngành có ưu thế như nông nghiệp và đô thị. Tỉnh Hậu Giang cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực KH&CN. Đó là nguồn ngân sách đầu tư chưa đáp ứng theo nhu cầu; chưa huy động được nguồn lực đầu tư từ xã hội. Các hoạt động KH&CN diễn ra đều dưới sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, chưa có một doanh nghiêp hay tổ chức nào để khai thác và phát triển trên lĩnh vực này của tỉnh.

Song song đó, bất cập lớn nhất là hệ thống giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được nguồn lực KH&CN chất lượng cao. Đặc biệt là đối với các lĩnh vực mà KH&CN ưu tiên phát triển như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học; việc đãi ngộ, trọng dụng cán bộ KH&CN còn nhiều bất cập; phân bố nguồn nhân lực KH&CN chưa hợp lý… Ngoài ra, khó khăn cơ bản của tỉnh là nguồn nhân lực lao động qua đào tạo còn ít, chỉ đạt 17,7% năm 2010 và chưa đến 30% trong năm 2017. Tuy nhiên, mắt xích quan trọng nhất chính là hoạt động bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, nhất là ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Đa số nhân lực có trình độ cao đều tập trung ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chiếm 30% tỷ lệ lao động trình độ cao của cả tỉnh. Mặt khác, công tác huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội chưa được chú trọng và nguồn ngân sách còn hạn hẹp. Vậy nên, với số lượng lớn cán bộ, công chức, công nhân viên thì ngân sách nhà nước khó có thể đáp ứng hết theo nhu cầu.

Nhận ra được những tồn tại, khó khăn, chủ nhiệm đề tài đã nêu ra 6 nhóm giải pháp nhằm một phần khắc phục. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Ngọc Thạch cho biết thêm: “6 nhóm giải pháp của chúng tôi đưa ra để giải quyết vấn đề chủ yếu dựa trên nền tảng những tồn tại. Các giải pháp về: nâng cao nhận thức, tuyên truyền; về cơ chế chính sách; đầu tư cơ sở vật chất; giáo dục và đào tạo; tăng cường liên kết, hợp tác trong quá trình phát triển nguồn lực KH&CN; giải pháp tổng hợp và dự báo. Trong đó, chúng tôi kiến nghị tỉnh quan tâm là hướng tới giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực mới, nguồn lực tại chỗ. Cùng với đó, vận dụng linh hoạt những kỹ năng mềm, chính sách đãi ngộ, chủ trương của tỉnh, Chính phủ thì kết quả thu hút, giữ chân nguồn lực KH&CN sẽ càng cao”.

Đầu tư cho giáo dục và đào tạo là giải pháp đầu tư căn bản, lâu dài nhất, đảm bảo bổ sung nguồn nhân lực được thường xuyên, thông suốt. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Ngọc Thạch, tỉnh Hậu Giang ngoài tăng cơ chế thu hút, đãi ngộ, giữ chân nguồn nhân lực thì cần tuyển dụng số lao động có trình độ chuyên môn, được đào tạo qua trường lớp cơ bản. Việc đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cũng rất cần thiết để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đào tạo phải gắn địa chỉ và có chất lượng theo hướng thực hành nhiều hơn học lý thuyết. Định hướng cho giai đoạn 2020-2025 và quy hoạch vùng kinh tế, khu dân cư, đào tạo những nhân lực cho ngành nghề bức xúc như nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật sau thu hoạch, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã được chú trọng đầu tư, bồi dưỡng bài bản nhưng vẫn còn thiếu và khuyết ở khâu chế biến hàng nông sản, bảo quản sau thu hoạch. Cùng với đó, đào tạo nghề gắn với vay vốn phát triển sản xuất để người thợ, người kỹ sư có được nguồn vốn phát triển ngành nghề đã được học, đem đến những giá trị đúng nghĩa.

Thật vậy, đào tạo luôn cần thiết, là cái nôi để tạo nguồn nhân lực. Để nguồn nhân lực được đào tạo tiếp thu và phát triển được thì phải phù hợp với xu thế hiện đại của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Đề tài đã đánh giá được những nét cơ bản về nguồn nhân lực KH&CN tỉnh; sử dụng mô hình dự báo nguồn cung, cầu và đề ra cơ sở phù hợp so với thực tiễn của tỉnh. Hy vọng những giải pháp đề xuất của đề tài sẽ là cơ sở để tỉnh hoạch định kế hoạch có tầm nhìn. Từ đây, nguồn nhân lực KH&CN tỉnh Hậu Giang sẽ được đào tạo theo chiều hướng chất lượng, tạo ra những sáng kiến giúp đưa các lĩnh vực, ngành nghề của tỉnh lên một nấc thang mới.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>