Nâng cao chất lượng cam xoàn và quýt đường

08/05/2019 | 08:10 GMT+7

Để nâng cao phẩm chất cho cam xoàn Phụng Hiệp và quýt đường Long Trị, tiến sĩ Trần Sỹ Hiếu, Trường Đại học Cần Thơ, đã thực hiện nhiều phương pháp kết hợp trong dự án “Nâng cao năng suất, chất lượng và đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP tại HTX sản xuất cam xoàn Phương Phú và quýt đường Long Trị, tỉnh Hậu Giang”.

Theo đánh giá của HTX Quýt đường Long Trị (bên trái) nhãn hiệu quýt đường sẽ được nâng tầm vì đã tìm được 5 cây đầu dòng chất lượng.

Quản lý tổng hợp

Trước tiên, chủ nhiệm đã xây dựng 3 mô hình áp dụng biện pháp bón phân và phun qua lá. Các mô hình này được thực hiện theo quy trình kỹ thuật bài bản từ khâu làm đất, chọn giống. Đây là mô hình để làm đối chứng với mô hình trồng theo phương pháp truyền thống bên ngoài để cho bà con trồng cam nhận thấy được sự khác biệt và hiệu quả của việc canh tác theo khoa học. Song song đó, chủ nhiệm còn áp dụng biện pháp xử lý cho ra hoa nghịch vụ bằng những kỹ thuật tiên tiến của khoa học. Cùng lúc, chủ nhiệm đã xây dựng mô hình sản xuất 20ha cam xoàn và 20ha quýt đường đạt chuẩn VietGAP. Kết quả, mô hình áp dụng tổng hợp các biện pháp trong kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ đã giúp cải thiện năng suất cam và quýt so với vườn đối chứng bên ngoài. Cụ thể, đối với cam xoàn tăng gấp 2-2,6 lần và quýt đường tăng từ 1,8-1,9 lần. Mô hình đã nâng cao phẩm chất trái và tăng độ ngọt của trái (độ Brix) từ 1,1-1,2 lần so với vườn đối chứng.

Kết quả của mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn đem lại nhiều thành công cho nông dân khu vực nghiên cứu. 2 HTX tham gia mô hình là HTX cam xoàn Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, đã sản xuất được 200 tấn trái/năm với hơn 22ha đạt chuẩn VietGAP; HTX quýt đường Long Trị thì có gần 20ha đất sản xuất quýt đường được công nhận VietGAP và đạt sản lượng 500 tấn/năm. Ngoài ra, tất cả thành viên HTX đều được tập huấn, nâng cao kỹ năng kiến thức trong canh tác cam, quýt theo chuẩn VietGAP. Ông Châu Văn Mía, ở ấp Phương An A, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Tôi tham gia dự án được nhà khoa học hướng dẫn cách canh tác cam xoàn theo kỹ thuật mới và có 2ha cam của tôi được đạt chuẩn VietGAP. Điều đáng mừng là trước tình hình dịch bệnh, chúng tôi đã biết được cách để canh tác cây khỏe mạnh, tăng năng suất và phẩm chất trái”.

Tuyển chọn cây đầu dòng

Một trong các khâu quyết định năng suất cho vườn cây chính là chọn được giống tốt. Tuy nhiên, do nhu cầu mở rộng diện tích 2 loại cây trên của người dân tăng đột biến nên đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung cây giống chất lượng. Vì vậy, dự án đã tính đến bài toán này và thực hiện nội dung bình tuyển cây đầu dòng cho cam xoàn và quýt đường. Các cây đầu dòng được chọn lấy từ các vườn cây lâu năm của những hộ dân tại địa phương. Qua thực nghiệm trồng cây từ cây đầu dòng, sau 3 năm, chủ nhiệm đã tìm ra những ưu điểm về tốc độ sinh trưởng, sâu bệnh và năng suất của cây để so sánh và chọn lọc.

Kết quả, chủ nhiệm dự án đã tìm được 5 cây quýt đường đầu dòng tại ấp 8, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ. Những cây này có đặc tính sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, năng suất và chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu nhân giống. Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh, nhận định: “Có cây đầu dòng sẽ giúp giải quyết được tình trạng khan hàng về giống của loại cây này. Hơn nữa, cây được công nhận sẽ là cây giống sạch bệnh, giúp các cơ sở sản xuất giống cũng như người dân an tâm nhân giống, mở rộng diện tích”.

“Hiện nay, giá của cam xoàn và quýt đường không ổn định nên kết quả nghiên cứu của dự án là một giải pháp tốt cho những hộ dân canh tác 2 loại cây này. Bởi chỉ có canh tác theo hướng chất lượng bền vững thì nhãn hiệu cam xoàn Phương Phú và quýt đường Long Trị mới được giữ vững. Từ đó, thương hiệu mới tiếp tục được xây dựng và phát triển. Đây cũng là mong muốn của chúng tôi khi làm dự án này”, tiến sĩ Trần Sỹ Hiếu chia sẻ.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>