Hiệu quả từ thuyền phun thuốc đa năng

11/02/2019 | 06:01 GMT+7

Chiếc thuyền phun thuốc đa năng do các em Ngô Nguyễn Hoàng Anh, Võ Thị Xuân Mai, học sinh Trường THPT Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, sáng chế có rất nhiều công dụng. Thuyền có thể tự động phun nước, phun các loại thuốc phòng, trị bệnh cho thủy sản nên đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng tỉnh năm 2018.

Hai em Võ Thị Xuân Mai và Ngô Nguyễn Hoàng Anh (phải) bên sản phẩm “Thuyền phun thuốc đa năng trong nuôi trồng thủy sản”.

Sinh ra trong gia đình có người thân là nông dân, sống bằng nghề nuôi cá nên các em tận mắt chứng kiến và thấu hiểu được cơ cực khi làm nông nghiệp. Nỗi vất vả mỗi lần đi tạt thuốc phòng trừ bệnh cho cá đã trở thành nỗi băn khoăn làm các em luôn phải suy nghĩ. Bởi, đây là công đoạn không ai muốn làm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, rất độc hại. Chính vì thấy được nỗi khổ này nên hai em đã nghĩ ra sản phẩm “Thuyền phun thuốc đa năng trong nuôi trồng thủy sản”. Chiếc thuyền đã tích hợp nhiều chức năng giúp cho công việc nuôi cá của nông dân được dễ dàng, đỡ vất vả hơn. Em Võ Thị Xuân Mai cho biết: “Lúc đầu, em thiết kế thuyền có 2 bình ắc quy chỉ để một bên của thuyền nên thuyền mất cân bằng, bị lật. Sau khi bàn bạc lại, chúng em đã thay thế bình nhỏ hơn, đặt vị trí thích hợp hơn. Sau 3 lần cải tiến, thuyền đã vững vàng, nhẹ nhàng hơn”.

Chỉ với kích thước nhỏ gọn và cân nặng hơn 2kg, nhưng thuyền phun thuốc chứa rất nhiều chức năng như: Theo dõi được nhiệt độ nước trong ao; quan sát cá dưới ao nhờ camera; radio nghe tin tức giải trí; cung cấp điện để sạc điện thoại hoặc sạc dự phòng. Thuyền được điều khiển từ xa nhờ một máy điều khiển cầm tay còn có thể làm đồ chơi cho trẻ em học tập, kích thích sáng tạo. Xuân Mai cho biết thêm: “Cùng với sự trợ giúp của cô giáo hướng dẫn, chúng em vận dụng kiến thức vật lý, công nghệ, hóa học và thực tế để hoàn thiện sản phẩm. Sau nhiều lần sửa chữa, thay đổi cấu tạo, thuyền nhỏ gọn hơn nên có thể di chuyển từ ao này qua ao khác một cách dễ dàng. Ngoài ra, chúng em còn lắp ráp thêm máy theo dõi độ pH, nhiệt độ nước để người nuôi thủy sản nhanh chóng phát hiện và có hướng xử lý kịp thời khi có vấn đề”.

Máy được cấu tạo cũng khá đơn giản với các bộ phận là: Bộ thu Rx, bộ phát Tx và bộ điều tốc ESC; pin năng lượng mặt trời, bộ sạc trữ điện; 2 ắc quy; bộ phận phun thuốc gồm: ống nhựa hút nước, van điều chỉnh, lược nước, khay chứa thuốc, mô-tơ trộn, vòi phun. Bộ phận đo pH, đo nhiệt độ; camera kết nối điện thoại. Nguyên tắc hoạt động được vận hành khá dễ dàng. Khi bật công tắc thì bộ phát Tx sẽ truyền tín hiệu cho bộ thu Rx giải mã tín hiệu và điều khiển thiết bị làm các chức năng như: phun thuốc, rẽ phải, rẽ trái, phát tín hiệu cho bộ điều tốc ESC điều khiển tiến, lui, nhanh, chậm, dừng lại. Khi mô-tơ chạy thì nước sẽ dẫn lên 2 ống dẫn, ống thứ nhất gắn 1 lưới lọc để lọc nước qua bút đo độ pH, đo nhiệt độ, tiếp tục qua ống đồng để làm mát mô-tơ và thải ra ngoài bằng ống cao su. Ống thứ 2 là ống cung cấp nước và lấy thuốc trong khai thông qua các công tắc điều chỉnh thuốc được hút vào mô-tơ trộn, sau đó đẩy các hỗn hợp ra các vòi phun thuốc ra ao.

Thuyền phun thuốc đa năng ra đời đã làm thay đổi khá lớn việc chăn nuôi của người nuôi cá. Điều khiển từ xa, giúp người phun thuốc không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc độc hại và phòng, chữa bệnh kịp thời cho cá nuôi. Sản phẩm có thể phun thuốc xa từ 3-5m nhờ chân vịt quay. Vì vậy, giúp bảo vệ sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường, giảm chi phí mua nguyên liệu thuốc và ngày công lao động. Từng chứng kiến thuyền phun thuốc thử nghiệm trên ao cá của mình, ông Phạm Thanh Hiền, hộ nuôi cá ở huyện Phụng Hiệp, nhận xét: “Với lượng thuốc 4kg thì sử dụng theo cách cũ phải cần 2 nhân công pha thuốc với 200 lít nước phải 10 phút, phun tạt thuốc trong vòng 30 phút. Còn với thuyền phun thuốc đa năng chỉ cần 2 phút pha thuốc và 15 phút để phun thuốc ra ao. Nếu thuê nhân công, tôi phải trả trung bình khoảng 400.000 đồng/tháng, còn với thuyền này sẽ giảm được 1/2 số tiền. Hơn nữa, hộ nuôi cá còn có thể phun bất cứ lúc nào nếu phát hiện hiện tượng lạ, không còn bị động trước tình trạng thiếu nhân công như hiện nay.

Cô giáo hướng dẫn Bùi Thị Ngọc Thúy cho hay: Sản phẩm của hai em khá mới, vì chưa có trên thị trường và được điều khiển tự động hóa từ xa, không cần thùng chứa thuốc đã pha loãng mà có thể có hỗn hợp bằng mô-tơ trộn, hút nước và thuốc vào khay chứa trộn thành hỗn hợp rồi đẩy ra các vòi phun. Thiết bị còn có chốt sạc dự phòng để cung cấp điện cho ắc quy từ nguồn điện gia đình nếu trường hợp ao có diện tích lớn mà điện năng lượng mặt trời không đủ cung. Hơn nữa, giá thành của sản phẩm cũng khá hợp lý với khoảng 2,5 triệu đồng/thuyền, mức giá này phù hợp túi tiền của người nông dân.

Em Xuân Mai cho biết thêm: “Chúng em mong muốn sản phẩm của mình sẽ ngày càng mang lại nhiều tiện ích cho người nuôi cá. Sản phẩm đã được thử nghiệm tại ao cá ở xã Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp và nhận được nhiều ý kiến tốt từ người nuôi. Hướng tới, chúng em sẽ tiếp tục cùng cô giáo cải tiến thành máy phun thuốc bình thường cho ruộng, rẫy để có thể ứng dụng nhiều hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp nhẹ công, giảm chi phí cho người dân mình”.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>