Hiệu quả từ mô hình cải thiện sinh kế

07/03/2019 | 05:50 GMT+7

Năm mô hình cải thiện sinh kế do Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị Nga, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện qua nghiên cứu “Đánh giá thực trạng và xây dựng các mô hình cải thiện sinh kế nông hộ vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn - biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang” đã đem về nguồn thu nhập khá cho nông dân.

Mô hình bồn bồn - cá đồng giúp hộ bà Nguyễn Thị Vẻ (phải) tăng thu gấp 2-3 lần so với làm lúa.

Đó là các mô hình biogas - cá sặc rằn; biogas - bèo tai tượng - ốc bươu đen - cá sặc rằn; biogas - khổ qua; tôm càng xanh trên ruộng lúa vụ Hè thu; bồn bồn - cá đồng. Mỗi mô hình có 3 hộ tham gia thử nghiệm. Các mô hình này được thực nghiệm trên các địa phương thường xuyên chịu tác động của xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu là huyện Long Mỹ và Vị Thủy. Qua kết quả nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài sẽ có cơ sở đánh giá thực trạng và xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình. Từ đó, tìm hướng đi thích hợp cho nông dân trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn.

Triển khai tại huyện Vị Thủy, chủ nhiệm đề tài đã chọn được 2 hộ làm mô hình: biogas - cá sặc rằn (xây dựng túi biogas sử dụng nước thải nuôi cá sặc rằn); biogas - bèo tai tượng - ốc bươu đen - cá sặc rằn (xây dựng túi biogas sử dụng nước thải nuôi bèo, ốc và cá sặc rằn). Thực tế, thực hiện tại nông hộ cho thấy mô hình biogas - cá dễ áp dụng cho nông hộ có số heo từ 10-50 con; mô hình biogas - bèo - ốc - cá áp dụng cho hộ quy mô nhỏ hơn 20 con heo. Hiệu quả của 2 mô hình là không cần tiêu tốn thức ăn cho cá hoặc ốc. Nguồn thức ăn được tận dụng từ chất thải của heo làm tăng thu nhập thêm từ cá khoảng 395.000 đồng. Hơn nữa, mô hình biogas - cá - ốc có thu nhập tăng thêm từ cá và ốc khoảng 2.415.000 đồng. Đồng thời, cả 2 mô hình còn giúp chủ hộ tiết kiệm được chi phí chất đốt khoảng 900.000 đồng/hộ/năm, mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường do chất thải trong chăn nuôi vì chất thải của heo được đưa vào túi biogas xử lý.

Hiệu quả nhất là mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng cho nguồn thu nhập gấp 2-3 lần sau 7-9 tháng nuôi. Bà Nguyễn Thị Vẻ, ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Tôi có hơn 2,3 công đất, nhưng làm mô hình này tôi thu hoạch khá với ngó bồn bồn và cá đồng. Trong 2 năm qua, trung bình tôi thu hoạch được 60kg bồn bồn/công/tháng. Tổng thu từ cá, bồn bồn hơn 3,4 triệu đồng, lãi gần 1,7 triệu đồng/1.000m2/vụ”. Còn ông Lê Văn Chiến, ở cùng xã, nếu trước kia toàn thua lỗ với nghề trồng lúa trên đất lung, bị nhiễm phèn mặn thì nay đã có nguồn thu nhập khá hơn. Với 3,5 công đất ruộng, ông thu lợi nhuận trên 10 triệu đồng/vụ sản xuất.

Sau 16 tháng, đề tài đã hoàn tất được cơ bản 4 nội dung đề ra ban đầu. Các mô hình đã tạo sinh kế của hộ dân trên địa bàn tỉnh. Theo thạc sĩ Dương Trí Dũng, Trường Đại học Cần Thơ, thành viên Ban chủ nhiệm đề tài thì việc triển khai các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu ngoài việc tăng thu nhập, còn giúp hỗ trợ về kiến thức và vốn cho nông dân. Từ đó, mô hình đã làm cho cộng đồng nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và có những hành động dần thích ứng trong cuộc sống, trong đó có việc lựa chọn sinh kế.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị Nga thì ngoài việc làm mô hình, nhóm chủ nhiệm còn tổ chức 5 lớp tập huấn kiến thức để tư vấn sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, đánh giá việc xây dựng sinh kế ứng phó với biến đổi khí hậu cho người dân trong vùng. Về cơ bản, các kiến thức tập huấn hỗ trợ sinh kế nhằm giúp bà con giảm sự phụ thuộc cũng như tác động tiêu cực lên tài nguyên thiên nhiên và làm giảm tính dễ bị tổn thương trước những sự thay đổi từ bên ngoài. Các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ giúp người dân cải thiện thu nhập một cách bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả hơn.

Qua thực tiễn áp dụng tại các hộ dân ở 2 vùng dự án cho thấy kỹ thuật sản xuất cải tiến nói chung và ứng dụng công nghệ sinh học nói riêng trong chăn nuôi, trồng trọt là một lựa chọn phù hợp, hiệu quả, có tính thích ứng cao và bền vững. Tuy nhiên, trong các sinh kế được tiến hành thực tế không phải sinh kế nào cũng mang lại hiệu quả kinh tế để có thể áp dụng và triển khai trên diện rộng. Trong các mô hình thì mô hình nuôi tôm càng xanh chưa mang lại thành công. Bởi mô hình có hộ bị thua lỗ do ao, ruộng nuôi có cá tạp nhiều. Chính vì vậy, chủ nhiệm đề tài đã khuyến cáo rằng: Nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa ở xã Lương Nghĩa vào vụ Hè thu góp phần giảm rủi ro về kinh tế cho nông hộ trong điều kiện bị xâm nhập mặn và cải thiện chất lượng đất trồng trọt, nhưng để đạt hiệu quả thì nông dân cần lưu ý phải diệt cá trên ruộng triệt để; giữ lúa chét hoặc tạo bó chà giúp tôm trú ẩn khi lột xác. Bên cạnh đó, bổ sung thức ăn địa phương (ốc bươu vàng, khoai mì) khi thấy ruộng nuôi có ít thức ăn.

Từ những lợi ích về mặt kinh tế và môi trường mà dự án mang lại, theo nhiều ý kiến từ ngành khuyến nông, thủy sản và các địa phương đã đề nghị những mô hình này cần tiếp tục được nhân rộng và thay đổi một số sinh kế cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Đây sẽ là nền tảng để các địa phương, ngành nông nghiệp chuyển giao cho nông dân nhằm tăng thêm thu nhập, ứng phó trong tình hình diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu hiện nay.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>