Đưa công nghệ về nông thôn

20/04/2018 | 09:11 GMT+7

Trang bị cho giáo viên cách giảng dạy sáng tạo về môn tin học, hỗ trợ cho học sinh tiếp cận với khoa học máy tính và ngôn ngữ lập trình theo hướng dễ dàng hơn, là những điều Dự án “Con thuyền mơ ước” đã và đang mang lại...

Sau khi được tập huấn về ngôn ngữ lập trình Scratch, các giáo viên đã tạo ra được các sản phẩm ứng dụng phục vụ dạy học.

Hết “ngán” tin học

Tin học từ lâu được xem là môn học khá xa lạ với không ít học sinh ở những vùng nông thôn, nơi mà các em chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với máy tính hoặc trở thành môn học khá nặng nề, với những học sinh mới bắt đầu tiếp cận với ngôn ngữ lập trình. Tuy nhiên, với phương pháp giảng dạy theo ngôn ngữ lập trình Scratch/Kodu, giờ học tin học của học sinh ở các trường đã trở nên hứng thú hơn. Thầy Nguyễn Viết Đức, giáo viên dạy tin học Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy, nói: “Sau khi được các thầy trong Dự án “Con thuyền mơ ước” tập huấn, chúng tôi đã học thêm được ngôn ngữ lập trình mới là Scratch. Ngôn ngữ lập trình này, cũng tương đồng với ngôn ngữ Pascal mà trường đang giảng dạy cho học sinh. Tuy nhiên, khi học theo ngôn ngữ lập trình này, các em sẽ dễ tiếp cận với chương trình học hiện tại hơn vì trong này có trò chơi. Trước đây, đa phần giáo viên thường rất… tham kiến thức, nên dạy kiến thức tin học cho các em rất nhiều, còn hiện nay, sau khi được tập huấn chương trình mới này, tôi đã tự điều chỉnh chương trình giảng dạy để phù hợp với học sinh hơn”.

Với ngôn ngữ lập trình Scratch này, không chỉ bổ trợ cho học sinh ở các trường làm quen và học tốt môn tin học, mà đây còn là điều kiện thuận lợi để những em có năng khiếu ở môn tin học được khám phá nhiều hơn ở lĩnh vực công nghệ thông tin.

Qua quá trình được tìm hiểu về ngôn ngữ lập trình Scratch, đa phần các giáo viên dạy tin học ở các trường đều cho rằng, với ngôn ngữ lập trình này, học sinh sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với chương trình học Pascal hiện thời. Thầy Tạ Văn Út, giáo viên dạy tin học ở Trường THCS Phan Văn Trị, thành phố Vị Thanh, tâm sự: “Ngôn ngữ lập trình này có phần mới mẻ, nhưng có lẽ hợp với học sinh hơn so với ngôn ngữ Pascal hiện thời. Trước đây, để học sinh có thể hoàn thành được một phần mềm dựa trên ngôn ngữ lập trình Pascal, phải mất khoảng 1 năm học mới làm được. Còn nếu dạy bằng ngôn ngữ lập trình Scratch, chỉ cần vài buổi học các em đã có thể tạo được phần mềm đơn giản. Khi được học theo hướng mới này, học sinh không chỉ hứng thú trong giờ học, mà số lượng học sinh đăng ký tham gia thi học sinh giỏi ở môn tin học cũng sẽ nhiều hơn vì trước đây, chương trình Pascal thường các em rất ngán”.

Giúp học sinh phát triển tư duy logic, sáng tạo

Với mục tiêu nâng cao năng lực và gia tăng cơ hội tiếp cận kỹ năng công nghệ thông tin, trang bị kiến thức khoa học máy tính và ngôn ngữ lập trình Scratch/Kodu cho học sinh tại các vùng nông thôn. Trong năm 2018 này, Dự án “Con thuyền mơ ước” tại đồng bằng sông Cửu Long được triển khai ở 3 tỉnh là Vĩnh Long, Tiền Giang và Hậu Giang. Có 35.000 học sinh được cung cấp kiến thức tin học ứng dụng và phổ cập lập trình, trong đó 10.000 em được đào tạo về ngôn ngữ lập trình Scratch/Kodu. Bên cạnh việc phổ cập kiến thức, dự án còn hướng tới tạo môi trường cho các em học sinh phát triển tư duy logic, sáng tạo, tư duy hệ thống và năng lực giải quyết vấn đề xử lý dữ liệu. Nhằm khơi dậy và phát triển niềm đam mê về khoa học máy tính.

Xác định việc đào tạo cho học sinh kiến thức về công nghệ thông tin là đầu tư cho nguồn nhân lực tương lai, từng bước giúp các địa phương có được nguồn nhân lực có kỹ năng kỹ thuật số, ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, cho biết: “Các nước đã phát triển và các nước đang hội nhập khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều đối mặt với những thử thách trong hành trình chuyển đổi số - chuyển đổi kinh tế. Thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng kỹ thuật số là một trong những rào cản lớn. Đây cũng là một cơ hội cho những nước đang hội nhập như Việt Nam rút ngắn khoảng cách bằng việc chú trọng, tăng tốc trong công cuộc giáo dục và đào tạo kỹ năng số cho nguồn nhân lực tương lai. Việc mà chúng ta cần quan tâm là làm sao để mỗi cá nhân, nhất là thế hệ trẻ, được trang bị những kỹ năng cần thiết về công nghệ thông tin cho các công việc của tương lai. Công nghệ thông tin chính là chìa khóa giúp chuyển đổi kinh tế và Microsoft tự hào cùng đối tác của chúng tôi góp phần trang bị những kiến thức và kỹ năng công nghệ cần thiết cho giới trẻ...”.

Dự án “Con thuyền mơ ước” do Microsoft Việt Nam phối hợp cùng Quỹ The Dariu Foundation (Thụy Sĩ) và các đối tác thực hiện. Từ khi triển khai trên địa bàn tỉnh, đã có hơn 110 giáo viên được tiếp cận với ngôn ngữ lập trình Scratch và phương pháp giảng dạy tin học sáng tạo do các chuyên gia giáo dục giảng dạy… Sắp tới, sẽ có khoảng 6.000 học sinh cấp THCS được tiếp cận với khoa học máy tính và ngôn ngữ lập trình.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích