Đồng ruộng thêm xanh nhờ... máy bay phun thuốc

03/02/2021 | 06:08 GMT+7

Cùng với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là nhiều thiết bị hiện đại ra đời như máy bay phun thuốc đã góp phần phục vụ đắc lực cho đồng ruộng.

Nhiều nhà nông rất quan tâm đến thiết bị hiện đại này.

Sáng ngày đầu xuân, tiết trời se lạnh bao trùm trên cánh đồng lớn ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A. Dưới cái lạnh quen thuộc ấy, các thành viên trong Tổ vận hành máy bay phun thuốc, chủ ruộng và vài nông dân hiếu kỳ tụ lại càng khiến cả khu vực sản xuất lúa chất lượng cao thêm nhộn nhịp. Tiếng nói cười rôm rả pha lẫn âm thanh rú rít từ máy bay phun thuốc đã phần nào cho thấy bước tiến mới trong quá trình canh tác nông nghiệp của bà con nơi đây.

Đón đầu hướng canh tác mới

Cầm thiết bị điều khiển trên tay, anh Hồ Trí Cường, thành viên trong Tổ vận hành máy bay phun thuốc có chút đắn đo vì lần đầu tự mình thiết lập độ cao, vận tốc, thời gian bay cũng như khoảng cách giữa các làn bay phù hợp với điều kiện gió, mật độ phun thực tế ngoài đồng. Mặc dù trước đó, anh cùng với thành viên khác trong tổ đã nhanh chóng rảo quanh thửa ruộng để xác định sơ đồ bay thông qua công cụ định vị bắt buộc đi kèm với máy.

“Nhìn máy bay thiết kế gọn nhẹ vậy chứ giá của nó tầm 400 triệu đồng. Mỗi chu kỳ bay kéo dài khoảng 10-12 phút, hoàn toàn tự động và được thiết lập sẵn trên thiết bị điều khiển từ xa”. Chỉ tay lên màn hình điều khiển, anh Cường lý giải tiếp: “Tất cả thông số về hướng di chuyển, độ cao, mức tiêu hao năng lượng, tốc độ phun thuốc… đều hiển thị lên đây hết. Nhờ vậy mà “phi công” có thể kịp thời xử lý, tránh sự cố xảy ra trong suốt quá trình hoạt động ngoài thực địa”.

Trên thực tế, với tốc độ thông thường khi bay phun từ 6-6,5m/giây và được máy duy trì ổn định liên tục, không phụ thuộc vào các điều kiện sức gió hay địa hình nên việc hoàn thành 1ha bay phun đáp ứng theo yêu cầu về mặt thời gian của người điều khiển. Trong quá trình vận hành, máy bay sẽ bơm và rải đủ lượng nước đã xác định cho 1ha bay qua mặt bằng diện tích đã xác định, đảm bảo lượng phun chính xác, không chồng lấn hoặc bỏ sót đường bay.

Bởi máy bay phun thuốc được trang bị bộ vi xử lý, có khả năng tính toán và điều khiển chính xác hoạt động bay và phun thuốc. Cụ thể, “phi công” có thể sử dụng bộ điều khiển cầm tay lập bản đồ trên ruộng lúa cần bay phun, xác định diện tích và ranh giới bay cụ thể; tiếp nhận lượng thuốc cần phun trên 1ha được pha sẵn với 10-12 lít nước. Do đó, anh Cường cảm thấy phấn khích ngay từ lần đầu được trực tiếp “cầm lái” thiết bị hiện đại này.

 Không phấn khích sao được, khi kỳ vọng chuyển giao những kỹ thuật canh tác tiên tiến nhất đối với bà con địa phương vốn đeo bám trong đầu nay thành hiện thực. Đây cũng là nguyên nhân mà anh quyết định tham gia khóa huấn luyện “phi công” cách đó chưa lâu. “Cả 8 học viên tham gia khóa huấn luyện đầu tiên do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đảm trách đều mong muốn đón đầu xu thế mới, sẵn sàng phục vụ rộng rãi cho nhà nông sau này”, anh Cường lý giải.

Là người trực tiếp tham gia đào tạo khóa huấn luyện “phi công”, cũng là Tổ phó Tổ vận hành máy bay phun thuốc, anh Nguyễn Trung Thành thông tin thêm: “Hiện Hậu Giang là một trong số ít tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng bằng máy bay. Khả năng trong tương lai gần, đây không chỉ là xu hướng canh tác tất yếu thời 4.0 mà còn là giải pháp hữu hiệu nhất giúp tiết giảm chi phí, giải phóng sức lao động cho nhà nông”.

Khẳng định hiệu quả vượt trội

Nếu bình xịt máy từng được anh Thành, anh Cường định hướng bà con sử dụng đã góp phần giảm áp lực lao động thủ công thì máy bay phun thuốc giờ đây giúp giải phóng gần như hoàn toàn công sức của nhà nông. Do đó, khi nói về hiệu quả vượt trội của máy bay phun thuốc, anh Hà Minh Triều, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Trung, ở xã Trường Long Tây lại có dịp chia sẻ về những tiện ích của quá trình đưa cơ giới hóa trên đồng thời gian qua.

Anh Triều nói: “Sự hiếu kỳ của một số bà con đến xem máy bay phun thuốc ngừa bệnh trên trà lúa Đông xuân sớm càng khiến tôi nhớ lại những ngày đầu đưa máy gặt đập liên hợp xuống đồng. Lúc đó, hầu hết bà con đều e dè, hoài nghi về tính hiệu quả của nó. Đến thời điểm nguồn lao động nông thôn khan hiếm, nhất là phải xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy theo khuyến cáo thì họ mới ngộ ra rằng máy gặt đập liên hợp như một cứu tinh vào mỗi khi bước vào giai đoạn thu hoạch rộ”.

Tương tự như máy gặt đập liên hợp trước đây, anh Triều là một trong số ít nông dân của tỉnh đã tiên phong trong việc thuê máy bay phun thuốc cho ruộng lúa kể từ vụ Thu đông năm 2020. Ngoài anh ra, trên cánh đồng lớn của xã Trường Long Tây hiện có 6-7 nhà nông khác cũng đang thuê dịch vụ này, với tổng diện tích lên đến hàng chục héc-ta. Anh Triều tâm đắc: “Phun thuốc bằng máy bay hiệu quả từ bằng đến cao hơn so máy xịt thuốc thông thường”.

Tiếp lời, anh Lê Minh Tân, Tổ trưởng Tổ vận hành máy bay phun thuốc, thừa nhận, lúc đầu, một số nông dân “chính hiệu” như anh Triều cũng chưa mấy tin vào phương pháp phun thuốc bằng máy bay, vì nghĩ lượng nước pha thuốc giảm hơn 90% so với máy xịt thông thường. Sau thời gian thực hiện đã khẳng định hiệu quả vượt trội nên nhiều nhà nông trong và ngoài tỉnh, nhất là những nông hộ có diện tích đất canh tác lớn đã tin tưởng, mạnh dạn thuê tổ bay phun thuốc cho suốt vụ lúa Đông xuân này.

“Với độ chính xác cao, lực xoáy từ những cánh quạt giúp thuốc tới đất nhanh, hạt thuốc mịn thấm đều, sâu hơn; còn thời gian thực hiện nhanh nên thiết bị này có khả năng dập dịch cao. Trong khi hiệu quả trị bệnh tối ưu, giảm lượng thuốc sử dụng, tránh tồn dư hóa chất trên sản phẩm sau thu hoạch, không thất thoát lúa do giẫm đạp trong quá trình phun và hạn chế việc ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động vì không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất”, anh Tân chia sẻ.

Cũng nhờ công suất hoạt động lớn, có thể phun từ 20ha/ngày trở lên nên giúp giải được bài toán thiếu nhân công, góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên do lượng thuốc không bị thừa thải xuống hệ thống kênh, mương nội đồng. “Hiện lao động trong nông nghiệp ngày càng khan hiếm, giá nhân công tăng cao, nhất là trong khâu phun thuốc bảo vệ thực vật một số nơi thiếu hụt trầm trọng nên đây là giải pháp hữu hiệu nhất giúp bảo vệ đồng ruộng thêm xanh”, anh Tân ví von.

Gần đứng trưa, nhiệt độ trên đồng tăng dần theo sức nắng nhưng không quá oi bức. Lúc này, công việc của các thành viên trong Tổ vận hành máy bay phun thuốc cũng đã hoàn thành. Tranh thủ thời gian dọn dẹp “đồ nghề” chuẩn bị ra về, họ vẫn không quên nhắc chủ ruộng phải thường xuyên thăm đồng để kịp thời phun thuốc phòng trừ dịch bệnh gây hại, góp phần giúp cho vụ lúa quan trọng nhất trong năm được mùa bội thu như khát vọng đầu xuân...

Sẵn sàng phục vụ khi nhà nông có nhu cầu

Tổ vận hành máy bay phun thuốc, thuộc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, hiện có 20 thành viên, phần lớn là viên chức khuyến nông xã, thị trấn; trong đó có 10 “phi công” được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, trước thực trạng lao động nông nghiệp ngày càng khan hiếm, tổ sẽ tiếp tục mở lớp huấn luyện “phi công” cho các thành viên còn lại và xã viên hợp tác xã trong tỉnh khi có nhu cầu nhằm phục vụ tốt nhất cho bà con gần xa.

“Ngoài cây lúa, tổ còn thực hiện dịch vụ phun thuốc cho vườn cây ăn trái. Hiện giá dịch vụ máy bay phun thuốc trung bình mỗi lần phun trên cây lúa là 200.000 đồng/ha; cây ăn trái là 500.000 đồng/ha. Tùy theo điều kiện đi lại, diện tích phun mà giá trên có thể thay đổi theo thỏa thuận. Địa điểm đi lại càng dễ dàng, diện tích đăng ký phun tập trung và lớn sẽ nhận được giá ưu đãi hơn”, anh Lê Minh Tân, Tổ trưởng Tổ vận hành máy bay phun thuốc, thông tin thêm.

 

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích