Doanh nghiệp với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

07/12/2018 | 07:23 GMT+7

Những năm qua, tình trạng xâm phạm bản quyền đã xuất hiện không ít, nguyên nhân là vì cộng đồng chưa nhận thức đúng đắn về sở hữu trí tuệ. Do đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thường xuyên quan tâm nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ, giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng thực thi đúng quyền và nghĩa vụ, theo kịp đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhờ đăng ký sử dụng chung nhãn hiệu chứng nhận Cá thát lát Hậu Giang, cơ sở sản xuất chế biến cá thát lát Như Thùy đã từng bước xây dựng được thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ trên toàn quốc.

Từ khi thành lập tỉnh đến nay, con số hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp trong tỉnh được bảo hộ khá khiêm tốn. Theo số liệu thống kê hàng năm và tính đến thời điểm cuối năm 2017 thì toàn tỉnh chỉ có 183 văn bằng được cấp bảo hộ độc quyền sản phẩm. Trong khi cả tỉnh Hậu Giang có hơn 6.900 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất/kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể. Riêng trong năm 2018 chỉ có 14 văn bằng được cấp, nhiều nhất là huyện Phụng Hiệp với 6 bằng được cấp. Qua số liệu này cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh đều chưa nhận thấy tầm quan trọng, cũng như việc thực hiện xác lập quyền bảo hộ tài sản vẫn chưa thực sự quan tâm…

Ông Phạm Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, cho rằng: “Hiện nay, để cạnh tranh, doanh nghiệp phải tạo dựng tên tuổi từ nhãn hiệu cho đến thương hiệu, có như vậy mới ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ nên thường vô tình vi phạm. Chính vì lẽ đó, để mọi người có nhận thức đúng đắn, tuân thủ pháp luật và hiểu được tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, sở đã tổ chức nhiều hội thảo để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp”.

Thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2017-2020 (gọi tắt là chương trình 824), từ đầu năm đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, chuyến đi học tập kinh nghiệm về tổ bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp. Qua đây nhằm góp phần cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ cũng như giới thiệu đến các sở, ngành có liên quan, các phòng, ban, đơn vị quản lý nhà nước, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh nội dung Chương trình 824. Qua đó, khuyến khích các hoạt động về sở hữu trí tuệ của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Tham dự buổi tọa đàm về chủ đề “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp”, bà Võ Thị Phương Trang, chủ cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, đã bổ sung được nhiều kiến thức về sở hữu trí tuệ. Bà Trang cho biết: “Cơ sở cũng mong muốn xây dựng thương hiệu và chất lượng uy tín, đem lại sự hài lòng, tin tưởng cho người tiêu dùng. Qua đây, tôi thấy việc đăng ký nhãn hiệu được bảo hộ rất quan trọng. Cho nên, sau buổi tọa đàm, tôi đã liên hệ ngay với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh để làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho cơ sở mình”.

Còn bà Nguyễn Kim Thùy, chủ cơ sở sản xuất cá thát lát Thùy Như, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, góp ý: “Thời gian qua, cơ sở đã sử dụng nhãn hiệu Cá thát lát Hậu Giang dùng chung cho sản phẩm cá thát lát của tỉnh nên cũng khá thuận lợi trong việc quảng bá, phát triển thị trường cho sản phẩm. Tuy nhiên, với tình hình cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhiều cơ sở đã vì lợi nhuận mà làm ảnh hưởng giá trị của cá. Vậy nên, tôi mong muốn ngành chức năng có giải pháp quản lý tốt những cơ sở sử dụng nhãn hiệu dùng chung này để luôn gìn giữ phẩm chất cũng như danh tiếng cho cá thát lát Hậu Giang không bị ảnh hưởng và ngày càng phát triển. Có như vậy, những doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng được bảo vệ quyền lợi về sở hữu trí tuệ, làm ăn lâu bền”.

Cũng quan tâm về vấn đề này, những năm qua, huyện Phụng Hiệp đã thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong địa bàn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện phối hợp với Phòng Sở hữu trí tuệ hướng dẫn các cơ sở đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã hỗ trợ cho hơn 25 lượt doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh trên địa bàn làm hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ. Riêng trong năm 2017, có 13 đơn vị đăng ký và được cấp 4 giấy chứng nhận Sở hữu Công nghiệp. Các doanh nghiệp được hỗ trợ đã đăng ký nhãn hiệu, được bảo hộ độc quyền và dần phát triển nhãn hiệu thành thương hiệu nổi tiếng và mở rộng thị trường ra toàn quốc. Tiêu biểu như sản phẩm đan lát của HTX Đại Phát, xã Phụng Hiệp; Cam xoàn Phương Phú, xã Phương Phú; cơ sở Kỳ Như, ấp Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa, với sản phẩm chả cá nguyên chất, cá thát lát rút xương, cá thát lát muối sả, khô cá sặc một nắng…; Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với nhãn hiệu mật ong rừng.

Ông Trần Trung Nhiệm, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phụng Hiệp, thông tin: Huyện đang trên đà phát triển nên số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mới và HTX chuyên kinh doanh những mặt hàng chủ lực của địa phương như cá thát lát, mãng cầu, cam xoàn... khá nhiều. Vì vậy, là đơn vị chức năng, chúng tôi luôn vận động doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng như HTX nên quan tâm hơn về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Có được nhãn hiệu sẽ là cơ sở để doanh nghiệp, HTX phát triển thương hiệu, góp phần phát triển quy mô sản xuất, làm giàu cho kinh tế gia đình và địa phương.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>