Quan tâm nâng chất hoạt động kinh tế hợp tác

16/11/2020 | 10:08 GMT+7

Kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) đang là xu thế phát triển và là thành phần kinh tế quan trọng của địa phương. Vì thế, thời gian qua, HĐND huyện Vị Thủy thường xuyên khảo sát, giám sát, nêu ý kiến tình hình hoạt động đối với tổ hợp tác, HTX trên địa bàn để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. 

HĐND huyện làm việc với các HTX về kết quả khảo sát hoạt động các đơn vị.

“Xác định kinh tế hợp tác đóng vai trò quan trọng đối với địa phương nên HĐND huyện rất quan tâm. Nhằm đánh giá đúng thực trạng hoạt động của các loại hình kinh tế hợp tác trên địa bàn, năm 2019, Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện tổ chức 1 cuộc giám sát về hoạt động này; năm 2020, Ban tiếp tục tổ chức khảo sát lại và có nhiều ý kiến xác đáng”, ông Huỳnh Văn Trắng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Vị Thủy, cho biết.

Khảo sát 9 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở địa bàn các xã Vị Thủy, Vị Thắng và Vĩnh Thuận Tây của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Vị Thủy, đơn vị ghi nhận tổng số thành viên của 9 HTX là 165, vốn điều lệ đăng ký hơn 1,4 tỉ đồng, trong đó vốn đã góp gần 600 triệu đồng. Các HTX hoạt động với nhiều loại hình như: Dịch vụ bơm tưới, cấy lúa bằng máy, cung cấp vật tư nông nghiệp, sản xuất lúa giống, sản xuất dưa hấu theo quy trình VietGAP…

Theo Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện, qua khảo sát cho thấy, đa số HTX hoạt động bơm tưới được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất hiện đang được HTX quản lý, sử dụng có hiệu quả, đã chủ động phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp và phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn cho người dân. HTX sản xuất lúa giống đã sản xuất, cung cấp giống lúa có chất lượng theo hợp đồng cho các công ty với số lượng lớn, tạo thu nhập ổn định cho thành viên. Riêng HTX dưa hấu VietGAP Vĩnh Thuận Tây tiếp tục duy trì thương hiệu gần 10 năm nay, tạo được lòng tin của thị trường, vì vậy sản phẩm sản xuất ra với số lượng lớn đã được các công ty bao tiêu.

Nhìn chung, các HTX nông nghiệp ở huyện hoạt động mang lại hiệu quả về lợi ích và lợi nhuận, tạo được việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người dân nông thôn.

Cùng với đó thì sự quan tâm chỉ đạo của đảng ủy, UBND các xã trong hoạt động của các HTX nông nghiệp cũng đóng vai trò rất quan trọng. Cụ thể, từng địa phương phối hợp tốt với các cơ quan, ban, ngành mở nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý để các HTX hoạt động đảm bảo đúng luật. Phân công cán bộ chuyên môn theo dõi, hỗ trợ giúp cho hoạt động của các HTX từng bước nâng chất.

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hai Huynh, ở ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, được xem là một trong số HTX hoạt động khá hiệu quả tại địa phương. Hiện nay, ngoài hoạt động dịch vụ bơm tưới, HTX còn cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân, sản xuất lúa và ký kết bao tiêu đầu ra với doanh nghiệp. Khoảng 1 năm nay, HTX còn mở rộng thêm loại hình nuôi lươn thương phẩm và cung ứng lươn giống. “Các hình thức hoạt động của HTX đều phát huy hiệu quả nên xét về kinh tế thì thành viên trong HTX đều có nguồn thu ổn định”, ông Trần Văn Huynh, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hai Huynh, chia sẻ.

Theo HĐND huyện, qua thực tế làm việc với các HTX cho thấy, hiện nay đa phần thành viên ban quản lý HTX đều là những nông dân lớn tuổi có kinh nghiệm sản xuất nhưng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong điều hành, quản lý HTX chưa đảm bảo yêu cầu. Do đó, có nhiều HTX hoạt động rất hiệu quả về kinh tế nhưng xét về các tiêu chí trong quản lý, điều hành theo quy đình thì hầu hết đều còn vướng mắc.

 “Qua kết quả khảo sát của HĐND huyện, HTX chúng tôi còn hạn chế trong công tác quản lý, chưa có kế toán riêng nên việc ghi chép sổ sách chưa đúng quy định. Về phương án sản xuất cụ thể hàng năm cũng chưa thực hiện đảm bảo. Chưa thực hiện báo cáo tình hình hoạt động hàng năm của HTX về huyện. Chúng tôi đang cố gắng khắc phục tốt các hạn chế này trong thời gian tới”, ông Trần Văn Huynh nói thêm.

HTX Nông nghiệp Vị Thắng, ở ấp 9, xã Vị Thắng, cũng tương tự. Ông Lê Hữu Tính, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vị Thắng, nhìn nhận: “HTX chủ yếu chỉ thực hiện dịch vụ bơm tưới, chưa đa dạng các loại hình hoạt động để tăng thêm nguồn lợi. Hiện nay, công tác quản lý của HTX còn gặp khó do chưa thuê được kế toán theo quy định; chưa thực hiện tốt công tác báo cáo tình hình hoạt động hàng năm với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện. Do đó ảnh hưởng phần nào đến chất lượng hoạt động HTX”.

Ông Lê Chí Tôn, Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Vị Thủy, thông tin thêm, đa phần các HTX mắc phải hạn chế chung đó là việc góp vốn điều lệ chưa đảm bảo theo đăng ký; một số HTX chưa xây dựng phương án sản xuất hàng năm, việc tổ chức hội nghị thường niên chưa đảm bảo, công tác ghi chép sổ sách còn nhiều bất cập; năng lực quản lý, điều hành của một số HTX chưa đạt yêu cầu.

“Qua các đợt giám sát, khảo sát, ngoài những kiến nghị, đề xuất cụ thể với từng HTX, HĐND còn kiến nghị đến chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình để cùng giúp đỡ, hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX nâng cao chất lượng hoạt động”, ông Trắng nhấn mạnh.

Được biết, kỳ họp HĐND cuối năm sẽ đưa nội dung thảo luận về nâng chất hoạt động của các tổ hợp tác và HTX để đại biểu có ý kiến, từ đó có cơ sở xây dựng nghị quyết, đưa ra các giải pháp trong năm 2021 hoạt động đều hơn, hiệu quả hơn…

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>