Trang nhật ký cảm nhận về Bác

07/11/2018 | 09:51 GMT+7

Mô hình “Viết nhật ký cảm nhận về Bác” của Chi bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A đã góp phần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thiết thực, cụ thể hơn.

Các đảng viên xem lại những trang nhật ký cảm nhận về Bác.

Lật giở từng trang “Nhật ký cảm nhận về Bác”, đảng viên Nguyễn Thị Ngọc Kiều, nhân viên trung tâm vẫn còn nhớ về câu chuyện phong cách nêu gương của Bác do chị viết vào nhật ký. Chị Kiều chia sẻ: “Theo Bác Hồ, nêu gương là bản thân mình phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, thường xuyên khắc phục những hạn chế khuyết điểm của bản thân về mọi mặt, phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” để làm công việc chung. Qua câu chuyện của Bác, tôi rút ra bài học cho bản thân là cán bộ, đảng viên phải nhiệt tình, gương mẫu, trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm lời nói và việc làm của mình. Ngoài ra, bản thân không được tự mãn, mà phải không ngừng học tập, luôn tự kiểm điểm tự phê bình, để phát huy ưu điểm, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa”. Để viết được những trang nhật ký này, chị Kiều đã tìm hiểu đọc nhiều tài liệu và những mẫu chuyện về Bác, từ đó cảm nhận, suy nghĩ rồi cẩn thận viết vào nhật ký.

Mỗi tháng, hai đảng viên ở trung tâm sẽ viết cảm nhận về Bác vào nhật ký. Mỗi trang nhật ký được mọi người ghi chép cẩn thận, nắn nót, để lưu giữ lâu dài những dòng cảm nhận về đạo đức sáng ngời của Bác. Đồng thời, báo công với Người về những việc mà mỗi cán bộ, đảng viên đã học tập, làm theo. Mô hình “Viết nhật ký cảm nhận về Bác” được thực hiện mấy năm nay, qua thời gian, quyển nhật ký ngày một dày thêm, thêm nhiều cảm nhận, nhiều câu chuyện được các đảng viên ghi vào. Đối với các đảng viên, không chỉ riêng câu chuyện của mình, mà mỗi câu chuyện được ghi vào quyển nhật ký cũng giúp họ học hỏi thêm nhiều điều, góp phần hoàn thiện bản thân và ngày càng thực hiện tốt trách nhiệm được giao.

Ông Hồ Thanh Trí, Bí thư Chi bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A, cho biết: “Mô hình “Viết nhật ký cảm nhận về Bác” là cách thể hiện tình cảm của cán bộ, đảng viên đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, cả cuộc đời vì nước, vì dân. Qua cách làm này đã tác động sâu sắc đến nhận thức, tình cảm và hành động của từng cán bộ, đảng viên. Từ đó, mọi người sẽ thường xuyên nhắc nhở nhau phải cố gắng học tập, thường xuyên tu dưỡng đạo đức, lối sống, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày”.

Cùng với viết nhật ký cảm nhận về Bác của đảng viên, học sinh ở trung tâm còn tham gia kể chuyện hay, giàu ý nghĩa về Bác vào buổi sinh hoạt dưới cờ hàng tuần. Thông qua những buổi kể chuyện ấy, giúp học sinh càng kính yêu Bác hơn, từ đó, ra sức học tập, xứng đáng với tình yêu thương và những điều Bác đã dạy. Em Huỳnh Tấn Phước, học sinh lớp 11 ở trung tâm, cho biết: “Vừa rồi khi được tham gia kể chuyện về Bác Hồ trong giờ sinh hoạt dưới cờ, em thấy mình rất vinh dự. Em đã kể câu chuyện về lời dạy của Bác”. Để kể mẫu chuyện về Bác, Phước đã chuẩn bị rất kỹ từ việc tìm sách về Bác để đọc, rồi kể đi kể lại nhiều lần mẫu chuyện định kể, để có thể truyền cảm xúc đến mọi người. Qua mẫu chuyện về Bác, Phước rút ra bài học cho bản thân là phải biết tôn trọng mọi người xung quanh. Trong học tập phải chăm chỉ hơn, trong cuộc sống phải biết gần gũi, yêu thương, giúp đỡ mọi người…

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A có 19 đảng viên. Ông Hồ Thanh Trí, Bí thư Chi bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A, cho biết thêm: “Với mô hình “Viết nhật ký cảm nhận về Bác”, nhiều cán bộ, giáo viên của trung tâm đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc hỗ trợ học sinh trong học tập, người lao động học nghề. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của trung tâm được nâng lên, hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học. Đồng thời, tạo được việc làm cho người lao động sau học nghề”.

Ông Hà Hòa Bình, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Châu Thành A, cho biết: “Mô hình “Viết nhật ký cảm nhận về Bác” của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện không chỉ thể hiện tấm lòng của các đảng viên đối với Bác, mà còn gắn nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi đảng viên đối với sự nghiệp giáo dục. Năm 2019, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này ra đảng ủy các trường THPT, sau đó nhân rộng ra các chi bộ, đảng bộ trên địa bàn huyện.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>