Soi gương Bác để sống tốt hơn

25/05/2017 | 07:25 GMT+7

Bài 2: Sống phải biết yêu thương, san sẻ

Nhìn lại tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ thấy Bác đã nhiều lần khuyên dạy chúng ta phải hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người. Thực hiện lời dạy đó của Người, nhân dân Hậu Giang đã biết “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Đối với ông Nguyễn Văn Suôl (phải), ở ấp Tân Long, xã Đông Phước A, coi ông Trần Văn Ca (trái), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đông Phước A, là ân nhân của đời mình.

“Ông bụt” của người nghèo

Một lần gặp ông Nguyễn Hoàng Dũng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Châu Thành, được ông giới thiệu về tấm gương hết lòng vì việc thiện của ông Tư Ca (Trần Văn Ca), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đông Phước A, người được xóm giềng gọi là “ông bụt” của người nghèo.

Với cách nói chuyện đầy thuyết phục, đôi lúc hài hước của ông Tư Ca khiến người đối diện nghe hoài không chán. Ông khoe cũng nhờ ăn nói có duyên nên khi mở lời xin tiền, quà làm từ thiện thì nhà hảo tâm dễ ưng bụng. Nghĩ cũng hay, nào là Việt kiều Mỹ, rồi người làm ăn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre,… xa xôi vậy nhưng khi ông xin thì ai cũng cho. Cũng theo ông Tư Ca, chữ tín ở đời là điều quan trọng để giữ chân được nhà hảo tâm…

Do đó, khi vận động và được nhà hảo tâm đồng ý hỗ trợ thì ông xét rất kỹ đối tượng được nhận, trong đó ưu tiên cho người già yếu neo đơn hay các hộ gia đình nghèo “rớt mồng tơi”, tuyệt đối không xét tặng cho người trong dòng họ. “Nhiều nhà hảo tâm khi đến địa phương cho quà hay khen: Ông Tư Ca làm tốt, hỗ trợ quà đúng người, đúng việc, vậy mới có ý nghĩa. Nghe họ nói vậy lòng tôi cũng thấy vui bởi khi nhà hảo tâm tin mình thì sau này vận động họ sẽ dễ dàng hơn”, ông Tư Ca bộc bạch.

Làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đông Phước A từ năm 2001 tới nay, ông Tư Ca không thể nhớ hết số lượng quà do mình vận động để trao tặng cho người nghèo. Ngoài quà, ông còn vận động xã hội hóa để xây dựng một số tuyến đường, cầu trên địa bàn xã. Riêng từ đầu năm đến nay, ông đã vận động hơn 1.500 phần quà và 60 triệu đồng để xây dựng 3 căn nhà tình thương cho dân nghèo. Cho nên, không lấy làm lạ khi nhiều người coi ông như “ông bụt” của đời mình.

Nhìn căn nhà tình thương đang cất, ông Nguyễn Văn Suôl, ở ấp Tân Long, xã Đông Phước A, nói: “Gia đình tôi cảm ơn chú Tư Ca rất nhiều, vì nếu không có chú vận động nhà hảo tâm hỗ trợ 30 triệu đồng thì không biết tới bao giờ gia đình tôi cất được nhà mới”.

Gia đình ông Suôl thuộc diện nghèo do đông con và ít đất sản xuất. Căn nhà cũ xuống cấp trầm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão nhưng không có tiền để cất lại. Thế nên, khó có thể tả hết niềm vui của gia đình này khi sắp được ở nhà mới nhờ tài… vận động của ông Tư Ca.

Thực hiện lời Bác Hồ dạy về tình yêu thương con người, ông Tư Ca cứ mãi rong ruổi không biết mệt mỏi trên “nẻo đường từ thiện” suốt hàng chục năm qua. Bây giờ nhìn lại, ông có thể tự hào vì đã tận tụy phục vụ cho dân, cho nước. Thấy ông lớn tuổi, sức khỏe không còn như trước nên con cháu nhiều lần muốn ông “về hưu”. Dù trân trọng tình cảm của người thân nhưng ông quả quyết: “Tao còn làm được hãy để tao làm, vì xã hội này còn nhiều người cần tao giúp đỡ”.

Vui khi làm từ thiện

Đến ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành, nhắc tới bà Út Dùng (Lê Thị Dùng) thì nhiều người biết tiếng và ví bà như “bồ tát sống” của dân nghèo. Cách ví von này là có căn cứ vì bà đã có mấy chục năm làm từ thiện, với hàng ngàn phần quà dành tặng những cảnh đời bất hạnh.

“Bác Hồ đã phục vụ trọn cả cuộc đời cho dân, cho nước. Học theo Bác, tôi cũng muốn làm điều gì đó có ích cho quê hương”, bà Út Dùng nói về lý do làm từ thiện của mình.

Xuất thân từ nông dân, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên bà thấu hiểu nỗi cơ cực của cuộc sống nghèo khổ, túng quẫn. Khi kinh tế gia đình tạm ổn, bà nghĩ ngay đến chuyện làm từ thiện. Đầu tiên là vận động người thân hỗ trợ gạo, quần áo, mùng mền cho một số người có hoàn cảnh khó khăn trong xóm, sau đó, vì nhận thấy xã hội còn lắm cảnh đời bất hạnh, khốn khó cần sự giúp đỡ nên bà mạnh dạn vận động bà con gần xa, được bao nhiêu tiền, quà đều dồn hết cho việc thiện.

Bà Út Dùng ăn chay trường đã 40 năm nay nên tiền tiêu xài hàng ngày không nhiều. Tiền con cháu cho nếu xài dư bà dành dụm để làm từ thiện. Rồi mỗi khi thu hoạch xoài, mít, chuối ở vườn nhà mà có lãi là bà lại tính đến chuyện mua quà tặng cho người nghèo. Mỗi lần nghe gia đình thuộc diện hộ nghèo trong xóm có tang là người ta lại thấy bà Út Dùng tự nguyện đem gạo đến cho. Càng trân trọng hơn khi biết nhà bà lúc nào cũng “thủ” sẵn mấy bao gạo, hễ ai có nhu cầu đến xin thì bà sẵn lòng hỗ trợ.

Con cháu bà đều sinh sống ở thành phố Cần Thơ. Thấy bà tuổi cao, sức yếu, nhiều lần họ muốn rước bà về ở chung để sớm hôm phụng dưỡng nhưng bà nhất quyết không chịu. Bởi căn nhà bà đang sinh sống ở ấp Sơn Phú 2A đã trở thành “địa chỉ đỏ” cho những người nghèo. “Nếu dọn lên sống ở thành phố thì khó làm từ thiện lắm”, bà Út Dùng bày tỏ.

Chị Cao Thị Tuyết Nhung, cán bộ văn hóa - xã hội xã Tân Thành, nhận xét: “Cô Út Dùng rất có tấm lòng thương người, luôn sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Cô là tấm gương sáng để mọi người noi theo”.

Điều bà Út Dùng mong muốn nhất hiện nay là được sống thọ để làm từ thiện nhiều hơn nữa. Đối với bà, làm từ thiện đã trở thành niềm vui…

Mỗi nhân vật là mỗi câu chuyện với những tấm lòng thơm thảo như thế này rất nhiều và khó có thể kể hết. Những việc làm của họ tuy nhỏ nhưng ẩn chứa sau đó là một giá trị nhân văn sâu sắc: Sống phải biết yêu thương, san sẻ với mọi người! Và chắc rằng giá trị ấy sẽ ngày càng lan tỏa, bền chặt hơn nữa trên “nền” của Chỉ thị 05.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

----------

Bài 3: Quyết tâm thực hiện có chất lượng Chỉ thị 05

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>