Mô hình mang ý nghĩa kép

08/10/2018 | 09:18 GMT+7

Từ ý nghĩa thiết thực, mô hình “Gian hàng đồng giá 2.000 đồng”, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, đã giúp đỡ cho nhiều học sinh nghèo.

Mô hình mang lại niềm vui cho người nghèo.

Chị Huỳnh Thị Vi Thư, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Đông Thạnh, chia sẻ, đầu năm, khi đăng ký mô hình Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chị và chị em ở các chi hội ấp bàn nhau xây dựng mô hình “Gian hàng đồng giá 2.000 đồng”, để giúp đỡ cho những người nghèo. Mỗi hội viên sẽ cùng nhau vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương đóng góp sách vở, quần, áo, giày, dép cũ cùng các vật dụng khác đã qua sử dụng. Mỗi người đến đây sẽ được mua với giá 2.000 đồng/món hàng.

Công việc này sẽ không thành công nếu không tìm được người nhiệt tâm đảm trách, làm bằng tấm lòng. Chị Lư Diệu Hằng, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Đông Thuận, hăng hái đảm nhận vai trò này. Sẵn nhà có quán nước nhỏ, chị dọn dẹp sạch sẽ để kệ treo quần áo, nơi để đồ của mạnh thường quân cho… “Lúc đầu đồ ít, nhưng người ta cho ngày càng nhiều, tôi đang tính sửa lại để không gian để đồ thoáng hơn”, chị hồ hởi. Hỏi về việc làm của chị, chị cho biết, chị là người thích giúp đỡ người khác. Thấy mô hình này mang lại niềm vui cho mọi người nên chị làm liền. Lúc đầu, dự kiến chỉ mở cửa vào sáng chủ nhật, nhưng thấy nhu cầu của người nghèo nhiều, nên chị mở cửa suốt, cả buổi tối. Những món quà có khi với người này bình thường, nhưng với người khác thì vô cùng quý. Nhất là những vật dụng gần gũi như: dép, bình thủy, giỏ, quần, áo…

Ý nghĩa của mô hình này không dừng lại ở đây. Số tiền bán được sau gần 3 tháng ra mắt hơn 4 triệu đồng. Hội phụ nữ xã cân đối và trao 10 suất học bổng cho học sinh nghèo trong xã, mỗi suất 200.000 đồng. Công việc ý nghĩa này sẽ được tiếp tục và sẽ còn có những hoàn cảnh khó khăn được mua những món hàng rẻ, những em học sinh nhận những phần tiền quý giá để phục vụ cho việc học tập, giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Thạnh, cho biết: “Trong các mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy đây là mô hình hay, ý nghĩa. Đúng như dự đoán, khi triển khai đã đạt những hiệu quả tốt. Chúng tôi dự tính sẽ nhân rộng trong thời gian tới”.

Giờ, người cho đồ cũng nhiều, mà khách đến cũng đông, nên hễ rảnh là các chị em trong xóm tới phụ sắp xếp tiếp. Chị Lư Diệu Hằng chia sẻ thêm: Tôi thấy nhu cầu người nghèo cần mua nhiều. Mà người cho cũng đã nhiều hơn. Tôi đang bàn với mọi người sẽ chọn một số điểm, rồi chở đồ đến bán lưu động, góp thêm chút niềm vui cho người nghèo”. Không cần rầm rộ, cũng chẳng cần hô hào bằng những khẩu hiệu, mô hình này xuất phát từ nhu cầu muốn mang lại niềm vui cho mọi người. Như phương châm ban đầu mà đặt ra là “Đến với gian hàng, mang về nụ cười hạnh phúc”, mô hình mang ý nghĩa nhân văn, phát huy tinh thần tương thân, tương ái. Những người đến mua cũng cảm thấy hài lòng, vì được mua rẻ, mà còn góp chút công sức giúp những học sinh nghèo ở quê mình - điều mà họ chưa bao giờ nghĩ tới vì cuộc sống vẫn quá khó khăn. Đó là ý nghĩa kép từ mô hình ý nghĩa này.

Bài, ảnh: THU THỦY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>