Lan tỏa thực hiện Chỉ thị số 05 từ Nhân dân

09/07/2019 | 08:12 GMT+7

Trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Huyện ủy Châu Thành chú trọng xây dựng những mô hình điển hình, gương tốt tiêu biểu là Nhân dân, để lan tỏa ra cộng đồng.

Bà Phượng trong căn nhà lưới trồng rau thủy canh được đầu tư gần 700 triệu đồng.

Tiên phong tạo nên điểm nhấn

Nhờ truyền thông tốt và được gia đình thông tin trên mạng xã hội để mua bán rau sạch hữu cơ, mô hình Trồng rau sạch hữu cơ của gia đình bà Mai Thị Bích Phượng, ở ấp Phú Xuân A, thị trấn Mái Dầm, được rất nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Sản phẩm rau sạch của gia đình bà đã đến với nhiều nhà hàng, khách sạn và người dân ở thành phố Cần Thơ.

Bà Phượng chia sẻ về cơ duyên đến với nghề làm nông “hạng sang” của mình: “Thấy có người mới xịt thuốc chiều hôm trước, hôm sau đã hái dưa leo, rau cải bán, làm vậy ảnh hưởng đến sức khỏe dân mình chứ ai, bản thân tôi cũng là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ở ấp này, nên mình cũng tham gia công tác tuyên truyền ra hội viên và người dân, nhưng nếu nói suông thì không đủ thuyết phục, đang phân vân bỗng con rể nói về mô hình trồng rau sạch, làm nông nghiệp thông minh, dù ban đầu bỡ ngỡ, nhưng thấy thiết thực nên cùng con nó đầu tư làm liền”.

Thực hiện từ cuối năm 2018, đến nay mô hình của gia đình bà Phượng đã cho thấy hiệu quả, nhưng việc nhân rộng đòi hỏi phải có số vốn lớn. Vì 400m2 nhà lưới, cùng hệ thống tưới, truyền dinh dưỡng, các vật dụng để trồng rau thủy canh… đã hơn 680 triệu đồng tiền đầu tư, mỗi tháng tốn 3 triệu đồng tiền điện. Hiện giờ, trong vườn rau của gia đình bà có 7 loại rau quả, mỗi ngày thu hoạch từ rau, dưa leo, các loại cải, cà chua… được hơn triệu đồng, bình quân kiếm được 30 triệu đồng mỗi tháng.

Bà Phượng chia sẻ rằng, nếu hộ dân nào có điều kiện theo mô hình này, với những kinh nghiệm có được, bà sẵn sàng chia sẻ. Bà bày tỏ mong muốn: “Mơ ước của tôi là bà con mình làm nhiều để thành lập được hợp tác xã, làm chuyên nghiệp mô hình này, cùng nhau vươn lên khá giàu ngay trên vùng đất nông nghiệp truyền thống bao đời nay. Lãnh đạo huyện cũng hay xuống đây tham quan và khen ngợi lắm. Gia đình tôi dự kiến triển khai thực hiện thêm 1.000m2 trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá, lâu dài sẽ thêm 1.000m2 nữa, kết hợp làm du lịch miệt vườn luôn”.

Tiên phong làm nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng, thân thiện, cũng là cách thể hiện trách nhiệm với môi trường, dám nghĩ dám làm của gia đình bà Phượng.

Vinh dự khi được khen thưởng về học tập và làm theo Bác

Còn tại ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, gia đình bà Huỳnh Thị Nhanh và ông Mai Hoàng Thông, luôn được địa phương điển hình là gia đình sản xuất kinh doanh giỏi. Chí thú làm ăn từ những ngày mới cưới nhau đến nay. Nhà ông Thông giờ có 6 lồng bè nuôi cá diêu hồng trên sông Hậu, còn vườn khoảng 40 công, với trên 3.000 gốc mít Thái. “Công việc không ngày nào ngơi tay đâu, vườn mít mấy ngàn gốc đó hầu như phải mướn nhân công thuốc men, làm cỏ, chứ mình không làm nổi, đến mùa mít mướn nhiều nhân công hái, tạo được việc làm cho những thanh niên và bà con nào ở quanh đây cần việc”, ông Thông chia sẻ.

Ông Thông được khâm phục vì sự cần mẫn, chịu khó học hỏi.

Hơn 30 năm trước, khi ông Thông về đây với vợ, bản thân là lực điền, trai tráng, nhà có đất, nhưng chưa biết trồng trọt gì để mang lại hiệu quả, sau trồng màu hết vài năm, hết hoa màu đến mận đá, cuộc sống khá lên đôi chút, sau đó đến cam, bưởi và bây giờ là mít. Gắn bó với nghề nông, làm vườn từ những ngày tuổi trẻ, nên ông Thông hiểu thế nào là cực khổ, nhưng ông quyết tâm phải khá giả từ cái công việc mình đã chọn.

Những người nông dân quanh đây ngưỡng mộ ông Thông vì tính chịu khó học hỏi. Cứ thấy cây trái có bệnh lạ, ông lên tới Trường Đại học Cần Thơ, nhờ các chuyên gia xem và tư vấn. Nghe đâu có những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, là ông cố gặp mà học hỏi cách làm… Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình ông Thông giờ đây rất khá giả. Mỗi năm thu hoạch vài chục tấn mít, vài chục tấn cá diêu hồng, thu về hàng trăm triệu đồng. Bà con trong thị trấn ai cần chia sẻ gì đến nhà ông Thông và vợ đều niềm nở đón tiếp. Ông luôn tâm niệm rằng, cuộc sống mình biết chia sẻ thì may mắn sẽ đến với gia đình mình, cho đi là nhận lại…

Nói về việc được khen thưởng trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ Huyện ủy Châu Thành, bà Phượng và ông Thông đều có cùng chia sẻ, qua báo đài, cũng hiểu đây là việc được cấp ủy các cấp quan tâm thực hiện thời gian qua. Trong số hàng ngàn người dân, mình được chọn khen thưởng là điều vinh dự. Mỗi người có cách học Bác, có cách làm theo Bác khác nhau, nhưng quan trọng là mình chăm chút cho gia đình, phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững, vươn lên khá giàu, để quê hương thêm phát triển cũng là học tập và làm theo Bác.

Nói về việc khen thưởng những mô hình điển hình tiêu biểu trong dân, Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành Trần Quốc Tuấn chia sẻ, việc khen thưởng trong Nhân dân sẽ góp phần tạo sức lan tỏa. Trong những điển hình được khen thưởng qua 3 năm sơ kết thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, đều là những điển hình vươn lên làm giàu ngay tại vùng đất mình sinh sống, họ không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn có ý thức cộng đồng rõ nét, khi sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm. Tinh thần vì mọi người là những điểm nhấn đẹp trong các điển hình Nhân dân được khen thưởng. Những người dân này còn góp phần xây dựng quê hương Châu Thành ngày càng giàu đẹp.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>