Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Xuân Kỷ Mùi đến Xuân Kỷ Dậu

02/02/2019 | 07:38 GMT+7

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Xuân Kỷ Mùi đến Xuân Kỷ Dậu

Năm Kỷ Mùi 1919: Yêu sách của Nhân dân An Nam

Trong hành trình ở nước ngoài, khoảng cuối năm 1917, Bác Hồ - lúc đó tên Nguyễn Tất Thành - trở lại Pháp, ngụ tại thủ đô Paris. Mùa xuân năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp. Khi được hỏi tại sao vào Đảng này, Nguyễn Tất Thành trả lời: “Chỉ vì đây là một tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI” (1).

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc. Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) thắng lợi. Ở Pháp, một hội nghị các nước đế quốc họp ở Versailles, có đại biểu các nước thắng trận và thua trận tham dự. Nhân cơ hội này, các ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành, thay mặt “Nhóm những người yêu nước An Nam”, cùng thảo ra bản Yêu sách của Nhân dân An Nam, bên dưới ký tên Nguyễn Ái Quốc, để gửi đến hội nghị.

Yêu sách của Nhân dân An Nam, bản tiếng Pháp.  Ảnh tư liệu INTERNET

Tám điều yêu sách đó là:

“1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;

2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong Nhân dân An Nam;

3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;

4. Tự do lập hội và hội họp;

5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;

6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;

7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;

8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ” (2).

Yêu sách của Nhân dân An Nam là kết tinh trí tuệ, tài năng và ý chí độc lập dân tộc của ba người: Nguyễn Tất Thành đề ra nội dung; Phan Văn Trường viết bản tiếng Pháp với tựa đề Revendications du Peuple Annamite; Phan Châu Trinh dịch sang chữ Hán với tựa đề An Nam nhân dân thỉnh nguyện thư; Nguyễn Tất Thành dịch sang chữ quốc ngữ theo thể thơ lục bát với tựa đề Việt Nam yêu cầu ca.

Ngày 18-6-1919, Yêu sách của Nhân dân An Nam được Nguyễn Tất Thành gửi trực tiếp đến Tổng thống Pháp và Đoàn đại biểu các nước dự Hội nghị hòa bình Versailles. Cùng ngày, bản Yêu sách cũng được đăng trên báo L’Humanité và báo Journal du peuple. Sau đó, Yêu sách bản chữ Hán cũng được giới thiệu trên báo Yiche Pao (Nghị Xã báo), xuất bản tại Thiên Tân (Trung Quốc). Ngoài ra, Nguyễn Tất Thành tự bỏ tiền ra để in hàng ngàn bản Yêu sách bằng cả ba thứ tiếng Pháp, Hán, Việt để phổ biến rộng rãi tùy theo đối tượng, trong đó có gửi nhiều bản về nước để tuyên truyền. Tất cả bên dưới Yêu sách đều ghi: NGUYỄN ÁI QUỐC.

Yêu sách có ngôn từ, lời lẽ hết sức tế nhị, lịch sự, trân trọng đối với nước Pháp và các nước lớn. Trong nguyên văn tiếng Pháp, tác giả Yêu sách gọi Chính phủ các nước Đồng Minh là “Nobles Gouvernements de L’Entente” (Quý Chính phủ trong Đồng Minh) và gọi Chính phủ Pháp là “L’honorable Gouvernement Français” (Chính phủ Pháp đáng kính); trông cậy vào “chính nghĩa thế giới của tất cả các cường quốc” (la justice mondiale des toutes les Puissances); ca ngợi “nhân dân Pháp đại biểu cho tự do và công lý” (le Peuple Français représente la liberté et la justice); gọi 8 điểm yêu cầu là “những yêu sách khiêm tốn” (les humbles revendications) vì chỉ đòi hỏi một số quyền căn bản, tối thiểu cho người bản xứ chứ chưa phải đòi trao trả độc lập (3). Đó là chưa kể chữ “Revendication(s)” mà bấy lâu nay sách báo đều dịch là “Yêu sách”, trong khi bản dịch tiếng Việt bằng thể thơ lục bát dùng chữ “Yêu cầu” và bản dịch chữ Hán dùng chữ “Thỉnh nguyện”. Chữ nào cũng đúng, nhưng “Yêu cầu”, “Thỉnh nguyện” nghe nhẹ nhàng, thiết tha, dễ chinh phục lòng người, nhất là phù hợp với tinh thần khiêm tốn của Yêu sách hơn!

Theo tôi, khi nghiên cứu Yêu sách của Nhân dân An Nam, ngoài việc khẳng định tính đúng đắn, hợp lý của 8 điều yêu sách, cần làm rõ tinh thần lịch sự, khiêm tốn, trân trọng, hợp tình của tác phẩm chính trị lớn này. Ở đây, không có việc “tự làm thấp kém mình” mà là sự thể hiện một trình độ “văn hóa ngoại giao” và nghệ thuật đấu tranh chính trị tuyệt vời của người dân bản xứ đối với “lãnh đạo chóp bu” của thực dân đế quốc: biết khiêm tốn, lịch sự, tế nhị, biết trân trọng, đề cao, đánh thức những giá trị nhân bản vốn tiềm tàng trong mỗi con người với hy vọng họ sẽ nhận biết và làm theo công lý, lẽ phải, tình người. Tinh thần khiêm tốn, lịch sự ấy càng làm nổi bật tính đúng đắn, hợp lý của 8 điểm trong Yêu sách.

Bác Hồ trồng cây đa trên đồi Đồng Váng (Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây).  Ảnh tư liệu INTERNET

Dẫu vậy, thực dân đế quốc đã không đáp ứng được yêu cầu nào trong Yêu sách. Từ thực tiễn này, Nguyễn Tất Thành rút ra bài học lớn cho hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc của mình: Chủ nghĩa Wilson với “Chương trình hòa bình toàn diện” chỉ là một trò bịp lớn; những lời hoa mỹ thốt ra từ cửa miệng của thực dân đế quốc thường chỉ là xảo ngôn mà thôi; muốn được giải phóng, các dân tộc phải dựa vào lực lượng của bản thân mình là chính.

Yêu sách của Nhân dân An Nam là cuộc đấu tranh chính trị trực diện đầu tiên của Nhóm những người An Nam yêu nước ở Pháp mà Nguyễn Ái Quốc là người đứng tên thay mặt. Tên Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên xuất hiện. Từ là một “tên chung”, từ đây về sau, trở thành bút hiệu, tên riêng của Bác Hồ trong suốt hành trình cách mạng của Người. Cũng từ đây (1919), tên Nguyễn Ái Quốc trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên của thực dân Pháp; nhưng là niềm tự hào, tin tưởng và hy vọng của Nhân dân Việt Nam trong đêm dài nô lệ.

Xuân Kỷ Hợi 1959: Ăn tết với cán bộ, thiếu nhi ở Matxcơva

Ngày 1-1-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thơ chúc mừng năm mới đến đồng bào, chiến sĩ cả nước. Thơ đăng trên Báo Nhân dân số 1754 ra ngày 1-1-1959:

“Chúc mừng đồng bào năm mới,

Đoàn kết thi đua tiến tới,

Hoàn thành kế hoạch ba năm,

Thống nhất nước nhà thắng lợi”.

Sáng ngày 20-1-1959, Bác Hồ dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam lên đường đi dự Đại hội lần thứ 21 Đảng Cộng sản Liên Xô. Ngày 29-1-1959, tại phiên họp toàn thể, Người đọc lời chào mừng Đại hội, đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Nhân dân Liên Xô đã đạt được, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ngày 6-2-1959 - tức 29 Tết Kỷ Hợi - Bác Hồ dự bữa cơm tất niên do cán bộ Việt Nam đang công tác ở Liên Xô tổ chức. Người nghe các tiết mục thơ ca mừng Xuân, mừng thọ Bác. Chiều tối, Bác dự họp mặt mừng Xuân cùng các cháu thiếu nhi Việt Nam đang học ở Matxcơva. Người chúc các cháu năm mới mạnh khỏe, chăm ngoan, kính yêu thầy, đoàn kết bạn, cố gắng học tập để sau này phục vụ đất nước, phục vụ Nhân dân.

Ngày 9-2-1959 - tức mùng 2 Tết Kỷ Hợi - Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng ta từ Liên Xô về, ghé Bắc Kinh (Trung Quốc). Tối ngày 10-2-1959, tại Bắc Kinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội đàm với Chủ tịch Mao Trạch Đông, có Phó Chủ tịch Đảng Lưu Thiếu Kỳ và Thủ tướng Chu Ân Lai cùng dự. Ngày 14-2-1959, Bác Hồ và Đoàn đại biểu về đến Hà Nội.

Trọn tháng 7 năm 1959, Bác Hồ có chuyến nghỉ hè trên đất nước Lênin theo lời mời của Đảng và Chính phủ Liên Xô. Ngày 1-8-1959, trên đường từ Liên Xô qua Tân Cương (Trung Quốc), ngồi trên máy bay, xúc cảm trước cảnh đẹp của núi Thiên San hùng vĩ, Bác Hồ sáng tác một bài thơ bằng chữ Hán.

Ông Vũ Kỳ kể lại: “Sáng ngày 1 tháng 8, Bác từ giã Liên Xô… Chúng tôi tạm biệt đất nước tươi đẹp này, nhưng lòng vẫn quyến luyến và đầy xúc động… Khi chiếc máy bay bay trên bầu trời Liên Xô, không gian lớn ánh vào tầm nhìn thấu suốt bao la… Dưới kia, trải dài một biển cát, rồi dải núi Thiên San hùng vĩ. Giữa tuyết trắng và rừng xanh, chót vót 7.459m, nhô lên một “mái nhà của trái đất” được các dũng sĩ leo núi đặt tên là “Pích Pơbieda” (tiếng Nga nghĩa là “Đỉnh thắng lợi”). Qua cửa sổ máy bay, hình như đời đẹp đã bay lên “đòi thơ” Bác. Quả nhiên, Bác bảo chúng tôi lấy giấy, bút. Và Bác viết một bài thơ bằng chữ Hán…” (4). Bài thơ chữ Hán đó chính là bài Vọng Thiên San, toàn văn như sau:

Phiên âm:

Vọng Thiên San

Dao vọng Thiên San phong cảnh hảo

Tử hà bạch tuyết bão thanh san

Triêu dương sơ xuất xích như hỏa

Vạn đạo hồng quang chiếu thế gian

Dịch thơ:

Trông Thiên San

Xa ngắm Thiên San phong cảnh đẹp

Ráng đào, tuyết trắng ấp non lam

Mặt trời mới mọc đỏ như lửa

Muôn ánh hồng soi khắp thế gian

(Bản dịch của Khương Hữu Dụng)

Ngồi trong máy bay, bức tranh Thiên San hiện lên trong tầm mắt Bác Hồ với mấy đường nét: Ráng đào, tuyết trắng, núi xanh, mặt trời sáng sớm vừa lên đỏ rực như lửa, ánh hồng quang chiếu muôn nẻo nhân gian, tất cả in trên nền trời đất bao la. Bức tranh nhiều màu: tía, trắng, xanh, đỏ, hồng hòa hợp nhau một cách kỳ diệu; trong đó, màu đỏ như nổi bật hơn cả, bởi trong bốn câu thơ có đến ba chữ chỉ màu đỏ: tử (tử hà), xích (xích như hỏa), hồng (hồng quang). Màu đỏ tượng trưng cho cách mạng, may mắn, phúc lộc, nồng thắm. Rất hay là bản dịch thơ giữ đủ “ba điểm son” này như trong nguyên tác, bởi nếu mất một thì cảnh sẽ giảm bớt nét đẹp riêng của nó. Cảnh đẹp được phối màu như thế tạo nên ấn tượng tươi trẻ, lạc quan, tin tưởng cho người thưởng ngoạn. 

Bài thơ vừa tả cảnh đẹp của núi Thiên San, vừa tỏ bày xúc cảm kết tụ lại trong chuyến nghỉ dưỡng, tham quan, chứng kiến những đổi thay lớn trên đất nước Lênin sau hơn 40 năm do Đảng Cộng sản Liên Xô lãnh đạo. Cách mạng Tháng Mười, đường lối và hiện thực đó như: “Muôn ánh hồng soi khắp thế gian”! 

Xuân Kỷ Dậu 1969: Bài thơ chúc Xuân cuối cùng của Bác Hồ

Ngày 1-1-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Thư chúc mừng năm mới, đăng trên Báo Nhân dân số 5376. Trong thư, Người “nhiệt liệt chúc mừng và cảm ơn các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bầu bạn và Nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, kể cả Nhân dân tiến bộ Mỹ đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam”; “thân ái chúc đồng bào, chiến sĩ, cán bộ và bà con Hoa kiều cả hai miền Nam - Bắc và kiều bào ta ở nước ngoài, năm mới đoàn kết, chiến đấu, thắng lợi”. Cuối Thư là bài thơ nổi tiếng mà Người khiêm tốn gọi là mấy lời mừng Xuân:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang,

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.

Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,

Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!” (5). 

Ngày 15-2-1969 nhằm 30 Tết Kỷ Dậu, Bác gửi tặng lẵng hoa mừng Xuân cho một số cơ quan, đơn vị ở Thủ đô Hà Nội.

Ngày 16-2-1969 - tức mùng 1 Tết Kỷ Dậu - buổi sáng, Bác Hồ cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng đi thăm và chúc tết Quân chủng Phòng không Không quân tại sân bay Bạch Mai (Hà Nội). Buổi trưa, Người đến thăm và chúc tết Nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Tại đây, Người trồng một cây đa trên đồi Đồng Váng, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại. Dưới những bóng cây râm mát trên đồi, Người nói với Nhân dân địa phương: “Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới, nhưng các cháu ngày nay chỉ biết chế độ dân chủ cộng hòa. Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”. Cây đa - cây cuối cùng Bác trồng trên đồi Đồng Váng - đến Tết Kỷ Hợi (2019) này tròn 50 tuổi, vẫn sống khỏe và được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2004. Buổi chiều, Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng ăn cơm với nữ anh hùng Tạ Thị Kiều.

Không ngờ Tết Kỷ Dậu (1969) là tết cuối cùng của Bác Hồ. Bài thơ chúc Tết Kỷ Dậu cũng trở thành bài thơ chúc tết cuối cùng với lời huấn thị quan trọng của Người về lộ trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhớ lại, khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, cuộc kháng chiến của Nhân dân ta ngày càng khó khăn, ác liệt. Vậy mà Bác Hồ viết trong Di chúc: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” (6). Một đoạn văn rất ngắn mà Bác sử dụng 4 lần từ “nhất định” thể hiện rõ tinh thần lạc quan, ý chí sắt đá và niềm tin tất thắng của mình. Tư tưởng, niềm tin “đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta” của Bác đã hình thành ngay vào thời điểm đó. Cuối năm 1967, trước khi diễn ra cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968), Bác chỉ thị cho Thượng tướng Trần Văn Trà: “Trong cuộc chiến tranh này, ta không phải tiêu diệt hết quân Mỹ để thắng mà là ta phải đuổi hết Mỹ để thắng. Đó là tinh thần, trí tuệ và sức lực Việt Nam. Ta kiên trì, ta nhất định thắng” (7). Bài thơ mừng Xuân Kỷ Dậu của Bác khẳng định: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Trong lời kêu gọi nhân ngày 20-7-1969, Bác giải thích rõ thêm: “Đế quốc Mỹ thất bại đã rõ ràng, nhưng chúng chưa chịu từ bỏ dã tâm bám lấy miền Nam nước ta. Quân và dân cả nước ta, triệu người như một, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ hy sinh, không sợ gian khổ, quyết kiên trì và đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, quyết chiến quyết thắng, đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch, đánh cho ngụy quân và ngụy quyền sụp đổ hết, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà” (8). Rõ ràng, tư tưởng “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” của Bác Hồ là nhất quán, xuyên suốt, kiên định trong quá trình Người cùng Đảng ta lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

Sau khi Bác qua đời, Đảng ta tiếp tục quán triệt và thực hiện tư tưởng “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, kiên trì và khéo léo đấu tranh trên bàn đàm phán Paris, vươn lên làm chủ chiến trường, đánh thắng trận “Điện Biên Phủ trên không”. Ngày 27-1-1973, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; ngày 29-3-1973, người lính Mỹ cuối cùng cút khỏi nước ta. Hai năm sau, bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 30-4-1975, quân, dân ta đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Lời chúc Xuân của Bác sáu năm trước trở thành hiện thực.

* * *

Một mùa xuân nữa lại về. Trời đất tuần hoàn như vô tận. Mưa, bão, lũ lụt đã qua. Trời trong. Nắng hồng. Gió se mát lạnh. Cây lá đâm chồi nẩy lộc. Ngàn hoa đua nở. Muôn chim ríu rít đón mừng. Con người có thêm sinh lực, trí khôn. Đất nước, đồng bào thêm nhiều thành tựu mới. Dẫu biết rằng vẫn còn biết bao gian lao, vất vả, nhưng vững bước đi lên. Bác Hồ đã đi xa tròn nửa thế kỷ, đọc lại từng lời thơ Bác chúc năm xưa, nghe như tiếng Bác vọng về: Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!

PHẠM MINH KHẢI

------------

(1) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Thanh niên Giải phóng, TP.HCM, 1975, tr. 62

(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 435-436

(3) Những chỗ tiếng Việt đối dịch với bản tiếng Pháp lấy ở Yêu sách của Nhân dân An Nam in trong Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 435-436

(4) Vũ Kỳ: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 211-212

(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12, Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 425-426

(6) Hồ Chí Minh Toàn tập 12, Sdd, tr. 498-499

(7) Ban Khoa học xã hội Thành ủy TP.Hồ Chí Minh: Bác Hồ với miền Nam, miền Nam với Bác Hồ, TP.HCM, 1986, tr. 92

(8) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12, Sdd, tr. 479

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>