Thiết thực mô hình “Người cha trách nhiệm”

16/01/2020 | 08:44 GMT+7

Để giúp nam cán bộ, hội viên nông dân phát huy trách nhiệm của mình với gia đình, Hội Nông dân thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, vừa ra mắt mô hình “Người cha trách nhiệm”.

Tham gia mô hình, nhiều thành viên nam chủ động hơn trong phụ giúp vợ chăm sóc con.

Đây là mô hình khá mới nói lên việc người cha không chỉ trụ cột về kinh tế trong gia đình mà còn có trách nhiệm cùng vợ chăm sóc, dạy dỗ con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Ngã Sáu, mô hình ra đời nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng mối quan hệ hôn nhân - gia đình bền chặt và có ý nghĩa hơn đối với bạn đời, con cái thông qua sự tham gia của nam giới vào việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Với sự tham gia của 30 thành viên là nam, nữ cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn thị trấn (từ 20-35 tuổi), mô hình đã tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng trẻ có cơ hội học tập, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc.

Theo Hội Nông dân thị trấn, sở dĩ thành viên mô hình chủ yếu là người trẻ là do ở độ tuổi này, đa phần vợ chồng chưa nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc mái ấm; một số ít còn chưa đủ chín chắn kìm nén tức giận nên thường dễ gây ra cãi vã, xung đột hay bạo lực làm ảnh hưởng đến hạnh phúc.

Khi tham gia mô hình, thông qua những lần sinh hoạt, từng thành viên sẽ được tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; nhận biết được các nguyên nhân, hậu quả của bạo lực gia đình. Họ cũng sẽ được trang bị kỹ năng kiềm chế tức giận, kỹ năng kiểm soát và từ chối rượu, bia; kiến thức, kỹ năng để trở thành người chồng, người cha tốt…

Ông Nguyễn Trí Thức, thành viên mô hình “Người cha trách nhiệm”, cho biết: “Mô hình này thành lập rất có ý nghĩa đối với những cặp vợ chồng trẻ như chúng tôi. Thông qua những lần sinh hoạt, chúng tôi được trang bị thêm nhiều kỹ năng bổ ích để làm tốt vai trò người chồng, người cha”.

“Bản thân tôi nhận thấy, là chồng, cha trong gia đình thì không chỉ làm tốt công việc của bản thân mà còn phải dành thời gian phụ vợ chăm sóc con, cùng gánh vác, chia sẻ việc nhà, có như thế mới tạo được sự bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, ông Thức nói thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Ngã Sáu, Chủ nhiệm mô hình, đa phần thành viên tham gia đều nhiệt tình, hiểu biết kiến thức pháp luật, có uy tín và khả năng vận động quần chúng. Do vậy, sau khi tiếp thu kiến thức, kỹ năng, từng thành viên còn có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người thân, cộng đồng để cùng nhau thực hiện tốt trách nhiệm người chồng, người cha.

Qua thời gian hoạt động, mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực; hầu hết thành viên tham gia đều nhận thức được tầm quan trọng trên. Nhiều thành viên có sự chia sẻ, quan tâm vợ con hơn, từ đó giúp củng cố thêm tình cảm gia đình, giữ được không khí vui vẻ, hạnh phúc trong căn nhà.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, tới đây, Ban Chủ nhiệm mô hình sẽ tăng cường hơn nữa tuyên truyền sâu rộng trong hội viên, nông dân về các vấn đề bạo lực gia đình, nguyên nhân và hậu quả của bạo lực gia đình; xử phạt các hành vi bạo lực gia đình; kỹ năng trở thành người cha, người chồng tốt…

Bài, ảnh: QUỲNH LAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>