Tạo động lực cho phụ nữ khởi nghiệp

11/01/2019 | 07:01 GMT+7

Đó là một trong những yêu cầu đặt ra tại Hội thảo “Phụ nữ Hậu Giang khởi nghiệp - Tự tin, sáng tạo và kết nối” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tỉnh phối hợp với UBND tỉnh tổ chức mới đây.

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp được trưng bày tại hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chị em.

Hội thảo nhằm hỗ trợ phụ nữ đang có ý tưởng khởi nghiệp hoặc đang khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh hiện thực hóa ý tưởng này. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: “Thông qua hội thảo, tỉnh mong muốn tạo điều kiện hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ địa phương. Qua đó, từng bước thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) do phụ nữ quản lý”.

Nhiều hoạt động hỗ trợ

Thời gian qua, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã tích cực triển khai, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó là xúc tiến các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ hội viên, phụ nữ theo tinh thần Kế hoạch số 50 của UBND tỉnh về khởi nghiệp giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn. Nổi bật như Hội LHPN Việt Nam tỉnh đã tổ chức thành công Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” năm 2018.

Các cấp hội LHPN trong tỉnh đã mở nhiều lớp hướng dẫn cách thức xây dựng kế hoạch kinh doanh; bồi dưỡng “Kỹ năng tổ chức quản lý cửa hàng giới thiệu sản phẩm và bán hàng hiện đại” cho các thành viên của tổ hợp tác, HTX. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho phụ nữ yếu thế nhằm hỗ trợ chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế. Phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức 49 buổi hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 830 hội viên, phụ nữ để phát huy hiệu quả các mô hình canh tác tại địa phương...

Bà Thái Thu Xương, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh, cho biết trong năm 2018, Ban Thường vụ Hội LHPN Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bằng nhiều hình thức. Theo đó, hỗ trợ tiếp cận vốn vay thông qua các tổ chức tín dụng; kiến thức, kỹ năng kinh doanh, kết nối tiêu thụ, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm khởi nghiệp từ các hoạt động hội thảo, trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Ngoài ra, còn hỗ trợ đăng ký chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ; phối hợp hỗ trợ thành lập được 12 tổ hợp tác/tổ liên kết, 3 HTX có phụ nữ tham gia thành viên hội đồng quản trị. Tiêu biểu như: HTX “Trà - mứt mãng cầu” xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ; HTX nông nghiệp dịch vụ thương mại SAMAL (Việt Nam - Hàn Quốc), ở ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp...

Ông Lê Thanh Tiền, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hậu Giang, cho rằng những năm qua, nhiều cá nhân là phụ nữ, hộ gia đình đã vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu từ nguồn vốn hỗ trợ cho vay của ngân hàng. Tính đến ngày 30-11-2018, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 1.065 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ bình quân 22,83% trên tổng dư nợ tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ; dư nợ đối với khách hàng cá nhân là nữ đạt 3.459 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ bình quân gần 33% trên tổng dư nợ tín dụng khách hàng cá nhân.

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ, các cấp hội LHPN trong tỉnh còn kịp thời phát hiện và biểu dương nhiều cá nhân tiêu biểu có cách làm hay, sáng tạo, mạnh dạn trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Điển hình như chị Nguyễn Thị Loan, Tổ trưởng Tổ phụ nữ đan lục bình, ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành; chị Lâm Thị Kim Phượng, chủ cơ sở chế biến chanh muối Kim Phượng, ở ấp Tân Thạnh Tây, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A...

Còn không ít thách thức

Theo cơ quan chuyên môn của tỉnh, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Với 2 đề án này đã tạo điều kiện cho các địa phương như Hậu Giang có cơ sở khơi dậy phong trào khởi nghiệp và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ khởi nghiệp thông qua các cơ chế, chính sách, hoạt động hỗ trợ phù hợp.

Tuy nhiên, vấn đề khởi nghiệp nói chung đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Thực tế cho thấy, có nhiều mô hình khởi nghiệp đã tạo ra được sản phẩm khá “tròn trịa” nhưng thiếu nhóm kinh doanh, thiếu nhân sự có đủ năng lực tiếp cận thị trường và kết nối với khách hàng tiềm năng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp hiện đang thiếu hệ thống công nghệ hỗ trợ quản trị thông thường về nhân sự, kế toán, kho hàng…

Về thực trạng khởi nghiệp ở Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, phân tích, phải nhìn nhận khách quan rằng những ý tưởng, mô hình khởi nghiệp có quy mô, tính chất còn nhỏ lẻ, manh mún, thủ công; chưa khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Cùng với đó là chưa ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất cũng như còn khó khăn trong quảng bá, kết nối, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Mặt khác, hoạt động khởi nghiệp của tỉnh còn đơn lẻ, thiếu sự liên kết, chưa có chính sách hỗ trợ đầy đủ, thiếu sự tư vấn, hỗ trợ từ các chuyên gia, cơ quan chuyên môn về khởi nghiệp; chưa vận động và thành lập được quỹ khởi nghiệp. Điều đó xuất phát từ việc hỗ trợ tuy đông đảo nhưng tính chuyên nghiệp và năng lực của cố vấn khởi nghiệp chỉ dừng ở ngưỡng “biết gì làm nấy”, chưa đủ tri thức và quy trình để hỗ trợ tốt, hiệu quả.

Góp phần giải “bài toán” gắn kết giữa doanh nghiệp với thị trường và người tiêu dùng, Sở Công thương đề xuất phải có giải pháp hỗ trợ, kết nối mở rộng thị trường cho các sản phẩm của tỉnh nói chung và sản phẩm khởi nghiệp phụ nữ nói riêng. Bởi muốn thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa của tỉnh ngày càng ổn định và bền vững hơn cần có công tác kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Hoa Vinh, Chánh Thanh tra Sở Công thương, cho rằng các mô hình khởi nghiệp phụ nữ trong tỉnh cần quan tâm xây dựng mối liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng nên tích cực tham gia, đồng hành cùng các tổ chức trong công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm của đơn vị để nắm bắt kịp thời thông tin thị trường, thị hiếu người tiêu dùng...

Phát huy vai trò các cấp hội

Đúc kết kinh nghiệm khởi nghiệp thành công hơn 20 năm qua, chị Trương Thị Oanh, chủ Doanh nghiệp tư nhân Trương Lâm, chuyên kinh doanh, xay xát và chế biến lương thực ở phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, chia sẻ, người khởi nghiệp đầu tiên phải có lòng say mê nghề nghiệp và có tính kiên nhẫn, quyết không bỏ cuộc; mạnh dạn đầu tư khi thấy nhu cầu đó là thực sự cần thiết. Luôn giữ chữ tín, trách nhiệm với khách hàng và trong chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, HTX nuôi ba ba Thạnh Lợi, ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, là một trong nhiều mô hình kinh tế tập thể điển hình “Phụ nữ Hậu Giang khởi nghiệp” và mang tính đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, lợi nhuận bình quân hàng năm khoảng 1 tỉ đồng, giúp 20 xã viên nhanh chóng ổn định cuộc sống và vươn lên khá giàu nhờ bán con giống và thịt ba ba, cua đinh ra thị trường trong và ngoài nước.

Bà Trương Thị Ánh Nguyệt, Giám đốc HTX nuôi ba ba Thạnh Lợi, thừa nhận bước đầu thành lập HTX (năm 2009) cũng đối mặt với không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ chú trọng nâng cao chất lượng bộ máy điều hành, quản lý và xây dựng phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp đã giúp HTX ngày càng phát triển. Trong đó đẩy mạnh ứng dụng quy trình, kỹ thuật thả nuôi ba ba, cua đinh theo hướng an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng có thể tiết giảm tối đa chi phí đầu tư; quan tâm quảng bá sản phẩm, nhiệt tình hỗ trợ khách hàng…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo “Phụ nữ Hậu Giang khởi nghiệp - Tự tin, sáng tạo và kết nối”, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Trưởng Ban công tác Phụ nữ phía Nam - Hội LHPN Việt Nam, ghi nhận và đánh giá cao hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh thời gian qua. Đồng thời mong muốn hội LHPN các cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chị em phát huy ý tưởng khởi nghiệp của mình, đoàn kết hỗ trợ phụ nữ thực hiện ý tưởng khởi nghiệp.

Trưởng Ban công tác Phụ nữ phía Nam còn đề nghị hội LHPN các cấp trong tỉnh quan tâm các ý tưởng mới, chất lượng sản phẩm làm ra hướng đến chủ đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Thể hiện vai trò trong kết nối sản phẩm với các doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các ngành thực hiện tốt các hoạt động của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên: Tỉnh đã ban hành Kế hoạch khởi nghiệp giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành, phát triển các loại hình doanh nghiệp, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời tỉnh đã tổ chức Hội thi khởi nghiệp để tạo điều kiện hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể, đặc biệt là doanh nghiệp, HTX mới thành lập do nữ quản lý.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 4.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số hơn 42.000 lao động đăng ký làm việc, trong đó có khoảng 944 nữ là chủ công ty, doanh nghiệp. Nhiều công ty, doanh nhiệp do nữ điều hành, quản lý đã hoạt động rất hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển tỉnh nhà như: Công ty TNHH Thanh Khôi, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu may mặc Ánh Minh, Công ty TNHH Phú Thạnh, Công ty TNHH bao bì Đông Âu…

           

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>