Phát huy hiệu quả phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi

28/07/2020 | 20:10 GMT+7

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững (phong trào) luôn được các cấp hội nông dân huyện Châu Thành phát động sâu rộng. Từ đó, khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo, vươn lên làm giàu chính đáng của hội viên, nông dân.

Cuộc sống vợ chồng ông Hậu ổn định hơn sau khi chuyển sang ương cá chạch lấu giống.

Thực hiện phong trào, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện tích cực động viên, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Nhờ vậy những năm qua, đời sống người dân có bước phát triển rõ nét.

Trước đây, nguồn thu của gia đình ông Đinh Văn Hậu, ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu chủ yếu nhờ vào vườn chôm chôm khoảng 4.000m2. Để có thêm thu nhập chăm lo cho con nhỏ, ông Hậu còn làm thêm nghề thợ hồ. Nhất là sau khi được người quen giới thiệu, ông đã quyết chuyển sang làm nghề ương cá giống. Đến nay, kinh tế gia đình ông Hậu ngày càng khởi sắc.

“Nhờ có người em biết kỹ thuật ép cá và ương cá chạch lấu nên tôi học hỏi và làm nghề này hơn 4 năm qua. Hiện chỗ tôi chuyên ương cá bột thành cá giống để bán. Bình quân mỗi năm gia đình tôi xuất bán ra thị trường từ 300.000-400.000 con cá giống”, ông Hậu cho biết.

Cũng theo ông Hậu, so làm vườn thì ương cá giống cho thu nhập cao hơn nhiều. Bởi bình quân mỗi ao cá khoảng 20.000 con giống, sau xuất bán có thể thu lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng. Do đó, từ một vài bể ương cá giống thử nghiệm ban đầu, qua nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, đến nay gia đình ông đã tích lũy được số vốn kha khá và đã cải tạo hoàn toàn diện tích đất vườn để đào ao ương cá giống kết hợp nuôi cá thương phẩm.

Tâm đắc với phong trào do Hội Nông dân xã phát động, nhiều năm qua, gia đình ông Nguyễn Văn Nghiệp, ở ấp Phú Lễ A, xã Phú Tân đã chủ động tham gia các đợt tham quan học tập kỹ thuật sản xuất từ những mô hình làm ăn hiệu quả trong xã, huyện. Nhờ đó, giúp ông đúc kết thêm kinh nghiệm hay để áp dụng vào quá trình canh tác của gia đình.

Nhờ mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn cũng như chú trọng lựa chọn cây giống tốt nên hiệu quả sản xuất mang lại khá cao. Mỗi năm, với 1,2ha vườn trồng mít Thái, chôm chôm, cóc Thái, gia đình ông Nghiệp thu lợi nhuận hơn 900 triệu đồng.

“Thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục tăng gia sản xuất, cố gắng dành dụm để mua thêm đất canh tác. Đồng thời, dành một phần chi phí để làm công tác từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương”, ông Nghiệp bộc bạch.

Theo ông Đỗ Trung Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào, những năm qua, Hội Nông dân huyện Châu Thành đã cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ để đưa vào nghị quyết hàng năm. Qua đó đã thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển.

Hội còn quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phong trào. Trong đó, chuyển mạnh từ hình thức tuyên truyền, vận động sang hoạt động phối hợp, tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân… Nhờ vậy, giúp họ có thêm điều kiện để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, trong 5 năm qua, Hội đã phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 47.000 lượt nông dân, dạy nghề cho 2.850 người. Các cấp hội cũng tập trung thực hiện tốt chỉ tiêu về tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân, giúp nông dân có thêm vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện hơn 4,4 tỉ đồng và có 414 hộ vay. Huyện hội còn nhận ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội cho 4.148 hộ vay vốn với tổng dư nợ gần 100 tỉ đồng. Bằng nhiều hình thức hỗ trợ kịp thời đó của các cấp hội, đến nay, số hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trên địa bàn huyện đã tăng lên 5.870 hộ, đạt hơn 54,7% số hộ đăng ký. Trong đó, cấp Trung ương có 65 hộ, cấp tỉnh 844 hộ.

Ông Đỗ Trung Nam thông tin thêm, trong quá trình thực hiện phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi sang những mô hình canh tác phù hợp, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn.

“Từ hiệu quả của phong trào mang lại đã cho thấy người dân ngày càng có sự đồng thuận cao với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương phát triển”, ông Nam nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>