Giúp đoàn viên, hội viên thoát nghèo

03/04/2020 | 08:39 GMT+7

Hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên, hội viên thoát nghèo là nhiệm vụ được Mặt trận, các đoàn thể trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhờ được hỗ trợ nuôi ba ba mà gia đình ông Võ Tấn Kiệt thoát nghèo.

Khi ra riêng, vợ chồng anh Lê Trường Hận, đoàn viên ở khu vực 1, phường IV, thành phố Vị Thanh, được gia đình cho cái nền nhà nhỏ. Không có tiền nên họ cất tạm căn nhà bằng cây lá che mưa nắng. Hai đứa con lần lượt ra đời khiến cuộc sống gia đình càng khốn khó và mọi chi phí sinh hoạt chủ yếu dựa vào số tiền làm thuê ít ỏi của anh Hận.

Thấy vậy, chị Võ Bích Hạnh, Bí thư Đoàn cơ sở phường IV, báo cáo lên Đảng ủy, UBND phường vận động đảng viên sinh hoạt nơi cư trú trên địa bàn đóng hơn 20 triệu đồng để giúp anh Hận cất nhà mới. Bản thân chị Hạnh còn vận động thêm tôn để hỗ trợ thêm. Cuối năm 2016, căn nhà được đưa vào sử dụng.

Có nhà mới, anh Hận như nhẹ gánh. Hai vợ chồng chăm chỉ làm thuê và kiếm được vài trăm ngàn mỗi ngày. Họ còn nuôi thêm gà, vịt bán để kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống đỡ vất vả nên thoát nghèo vào cuối năm 2018.

Anh Hận chia sẻ: “Căn nhà do phường vận động hỗ trợ thực sự tạo ra bước ngoặt cho cuộc sống gia đình tôi. Không lo nhà cửa xập xệ nên vợ chồng cảm thấy nhẹ nhõm và có thêm động lực để kiếm tiền lo con nhỏ. Cuộc sống của chúng tôi giờ đây dù chưa bằng ai nhưng đã đỡ vất vả hơn trước rất nhiều”.

Còn hộ ông Võ Tấn Kiệt, hội viên nông dân ở ấp Bàu Môn, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, có 5 công đất nhưng do bị nhiễm phèn nên việc trồng lúa không đạt năng suất cao, lại lo cho con nhỏ nên cuộc sống trước đây nghèo túng.

Thấy nhiều người nuôi ba ba cho hiệu quả kinh tế cao nên ông bàn với vợ vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua ba ba về nuôi. Được Hội Nông dân xã tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nên ông áp dụng có hiệu quả ở mô hình mình.

Lúc đầu, ông thả nuôi 1.000 ba ba con, hơn một năm chăm sóc, ông bán thu lời kha khá. Nhận thấy đây là mô hình phù hợp, có thể cải thiện kinh tế gia đình nên dần dần ông mở rộng thêm diện tích, đến nay được 9.000m2. Do giá bán ba ba trên thị trường khá ổn định nên gia đình ông Kiệt thu lợi nhuận vài chục triệu đồng mỗi năm và chính thức thoát nghèo vào cuối năm 2018.

“Hội Nông dân xã luôn tạo điều kiện cho hội viên tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Ai cần vốn cũng được Hội liên kết với ngân hàng hỗ trợ vốn vay để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế như gia đình tôi”, ông Kiệt chia sẻ.

Không riêng gia đình ông Hận, ông Kiệt mà nhiều đoàn viên, hội viên đã được các cấp hội quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ thoát nghèo. Cụ thể là từ năm 2015 đến nay đã có 7.665 đoàn viên, hội viên thoát nghèo, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn; riêng năm 2019, các cấp hội giúp cho 351 hộ thoát nghèo…

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thông tin, đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp, thời gian qua, đoàn thanh niên các cấp luôn duy trì và phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, mô hình làm ăn kinh tế có hiệu quả; củng cố các tổ hùn vốn tự giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống cho đoàn viên, thanh niên. Các cấp bộ đoàn còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là tuyên truyền chương trình tín dụng cho vay hộ mới thoát nghèo đến đoàn viên, thanh niên. Đồng thời tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm của Trung ương Đoàn để phát triển các mô hình, phát triển sản xuất kinh doanh. Trong năm 2019, Đoàn bộ có 166 mô hình thanh niên làm kinh tế có hiệu quả và 156 câu lạc bộ, 38 tổ hợp tác với 1.590 thành viên tham gia.

Riêng Hội Nông dân tỉnh, được biết trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân tỉnh đề ra chỉ tiêu “Mỗi cơ sở hội giúp một chi hội thoát nghèo bền vững toàn diện”. Đến nay, tất cả các cơ sở hội trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn, đăng ký ấp thoát nghèo bền vững và có xây dựng lộ trình giúp hộ hội viên thoát nghèo theo từng năm.

Theo ông Châu Minh Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, để thực hiện tốt chỉ tiêu này, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo cho các cấp hội tích cực phối hợp với ngành chức năng có liên quan tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cũng như các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân…

Được hỗ trợ nhà ở giúp cuộc sống gia đình anh Lê Trường Hận, đỡ vất vả hơn trước.

Trong khi đó, thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, Mặt trận các cấp chọn tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo làm công tác trọng tâm trong các kế hoạch hoạt động, nhất là tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo. Cụ thể như trong năm 2019 đã tạo điều kiện cho hơn 55 hộ cận nghèo và hộ nghèo có điều kiện sản xuất bằng hình thức cho mượn vốn xoay vòng, với số tiền 545 triệu đồng. Kết quả, có 15 hộ thoát nghèo bền vững.

Bà Thái Thu Xương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết, thời gian qua, hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở luôn làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về giảm nghèo, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của chính quyền các cấp.

Mặt trận và các đoàn thể còn phát động sâu rộng việc vận động Quỹ vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội, từ đó thu hút nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia đóng góp. Kết quả là từ cuối năm 2015 đến nay, đã vận động được hơn 1.088 tỉ đồng. Nhờ nguồn vận động này mà nhiều phần quà đã được trao, nhiều nhà tình thương, nhà đại đoàn kết đã được xây dựng giúp cho nhiều hộ đoàn viên, hội viên có điều kiện vươn lên.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>