Giai cấp công nhân Hậu Giang luôn có lý tưởng sống cao đẹp, sống vì mọi người

28/04/2017 | 07:03 GMT+7

Lịch sử ngày Quốc tế Lao động 1-5 là lịch sử đẫm máu và vô cùng oanh liệt của giai cấp công nhân thế giới đã nêu cao tấm gương sáng chói, bất khuất, kiên cường; là ngày biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân, ngày đoàn kết quốc tế của những người lao động, ngày đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới... Nhân sự kiện này, bà Lê Thị Thanh Lam (ảnh), Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang.

Thưa bà, ngày 1-5 của 131 năm trước có ý nghĩa như thế nào đối với giai cấp công nhân ?

- Ngày 1-5-1886 là thời điểm lịch sử, là ngày hội của những người lao động yêu chuộng hòa bình. Trong những năm của thập kỷ 80 thế kỷ XIX, tình trạng bóc lột giá trị thặng dư của tư sản đối với người lao động ngày càng lộ liễu, trắng trợn. Giai cấp tư sản họ không từ bỏ bất kỳ thủ đoạn nào như: tăng giờ làm, giảm phúc lợi xã hội, giảm tiền lương,… nhằm mục đích thu lợi nhuận tối đa, trong khi đó, đời sống, phúc lợi của người lao động thì không được quan tâm. Bởi vậy, đấu tranh giữa giới tư bản và giai cấp công nhân lao động về thời gian lao động rất gay gắt. Ngày ấy, công nhân toàn thành phố Chicago (Mỹ) tiến hành bãi công, 40.000 người không đến nhà máy. Họ tổ chức mít-tinh, biểu tình với biểu ngữ: “Từ hôm nay, không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập”.

Đặc biệt, năm 1920, dưới sự phê chuẩn của Lênin, Liên Xô (cũ) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào ngày Quốc tế Lao động 1-5. Sáng kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới tán thành.

Công nhân Hậu Giang luôn có lý tưởng và biết cống hiến. Ảnh: LÝ ANH LAM

Riêng đối với Việt Nam, cuộc đấu tranh ngày 1-5-1930 là một bước ngoặt của cao trào cách mạng 1930-1931, từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc đến Nam, nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mít-tinh, tuần hành; lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, hướng dẫn, vận động của Công hội, công nhân ta biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5 đấu tranh đòi quyền lợi, đoàn kết với công nhân lao động thế giới chống áp bức, bóc lột của bọn thực dân, đế quốc. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước nhà độc lập, ngày 2-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh quy định công nhân, lao động được hưởng lương trong ngày nghỉ Quốc tế Lao động 1-5 hàng năm.

Cũng từ đó, ngày 1-5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức hàng năm của Nhà nước ta, vừa là điểm hẹn vừa là điểm xuất phát của nhiều phong trào thi đua lao động, là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội.

Giai cấp công nhân hiện nay được hiểu như thế nào cho đúng nghĩa, thưa bà ?

- Cần hiểu rằng, giai cấp công nhân là lực lượng sản xuất cơ bản, nắm giữ những lĩnh vực then chốt và các phương tiện hiện đại của nền sản xuất; là lực lượng có vai trò quyết định đến phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, lao động cần cù, sáng tạo, đi đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực, quan trọng vào việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất đời sống xã hội...

Bà nhận thấy giai cấp công nhân Hậu Giang có lý tưởng, lòng yêu nước, sự cống hiến thời gian qua ra sao ?

- Thời gian qua, giai cấp công nhân Hậu Giang luôn có lý tưởng sống cao đẹp, sống vì mọi người, biết cảm thông và chia sẻ, sống và làm việc vì quê hương, đất nước, vì sự phát triển bền vững của Hậu Giang và luôn thể hiện lòng yêu nước của mình qua những việc làm cụ thể. Kiên quyết đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, kẻ xấu lợi dụng để kích động, lôi kéo dẫn đến các cuộc đình công, lãng công; chung tay giữ gìn cơ quan, doanh nghiệp an ninh, an toàn, giữ vững nền quốc phòng toàn dân và xây dựng nông thôn mới, góp thêm cho quê hương Hậu Giang ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Công đoàn Hậu Giang dưới sự lãnh đạo của cấp ủy luôn sát cánh cùng đoàn viên và người lao động, đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động, giải quyết tranh chấp lao động; tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, động viên công nhân viên chức lao động không ngừng phát huy vai trò của mình và có những đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững.

Giai cấp công nhân Hậu Giang luôn quan tâm phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, ra sức thi đua yêu nước, hăng say lao động sản xuất, học tập và vận động cùng nhau đem bàn tay, khối óc, đem sức lực và trí tuệ của mình chung sức bồi đắp, xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương Hậu Giang anh hùng.

Phải tiếp tục nâng chất về nhận thức và hành động của giai cấp công nhân Hậu Giang như thế nào cho tiêu biểu hơn, thưa bà ?

- Để tiếp tục nâng chất về nhận thức và hành động của giai cấp công nhân Hậu Giang, tổ chức công đoàn sẽ tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, Tổng Liên đoàn Lao động và phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp tìm ra giải pháp tháo gỡ, sắp xếp lại sản xuất, tạo việc làm ổn định và thu nhập cho người lao động; tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách của công nhân viên chức lao động, nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng của công nhân.

Tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động, Luật Công đoàn tại doanh nghiệp nhằm phát hiện sớm các vi phạm, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý vi phạm, kịp thời giải quyết vướng mắc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho đoàn viên công đoàn và người lao động, đặc biệt là công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, mất việc làm.

Phát động và tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động hơn nữa; đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, tập trung rà soát những đơn vị, doanh nghiệp sử dụng nhiều công nhân, lao động chưa có tổ chức công đoàn, nhất là các doanh nghiệp có từ 30 lao động trở lên để làm cơ sở xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở...

Xin cảm ơn bà !

K.L thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>