Cựu chiến binh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng nấm

23/05/2019 | 17:24 GMT+7

Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ giữa đời thường, ông Phạm Tấn Tài, ấp Hòa Phú, xã Mong Thọ, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đã phát triển mô hình trồng nấm suốt gần hai mươi năm qua, không chỉ ổn định kinh tế gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Đến ấp Hòa Phú, xã Mong Thọ, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang hỏi thăm cựu chiến binh Phạm Tấn Tài ai cũng biết. Bởi ông Tài vốn nổi tiếng là một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, khi chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhiều loại cây trồng, trong đó nổi bật là cây nấm.

Dù đã 74 tuổi, ông Phạm Tấn Tài vẫn rất rắn rỏi, minh mẫn kể lại những ngày đầu ông tham gia kháng chiến chống Pháp vào năm 1952, khi mới 7 tuổi. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc và được nhà nước cho đi học văn hóa, rồi ông thi đỗ Trường Đại học Lâm nghiệp, chuyên ngành Lâm sinh. Sau 1975 trở về miền Nam, ông Tài đã tham gia công tác trong ngành lâm nghiệp, giữ các chức vụ Phó Giám đốc Lâm trường U Minh Thượng, rồi Giám đốc Lâm trường Hà Tiên cho đến nghỉ hưu.

 

Cựu chiến binh Phạm Tấn Tài, ngụ ấp Hòa Phú, xã Mong Thọ, huyện Châu Thành (Kiên Giang) phát triển kinh tế gia đình bằng nghề trồng nấm.

Với những kiến thức đã học và kinh nghiệm tích lũy trong những năm, sau khi nghỉ hưu, ông Tài đã dành thời gian tìm hiểu, trồng nhiều loại cây có giá trị cao ngay tại địa phương như: Phong lan, măng tây, nghệ trắng… Đến đầu những năm 2000, ông Tài trực tiếp đi nhiều nơi để tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại mô hình trồng nấm. Ban đầu, ông Tài chỉ đầu tư khoảng 30 triệu đồng với tiêu chí lấy ngắn, nuôi dài. Đến nay, ông đã nhân rộng lên với quy mô 8 trại nấm với khoảng 7.000 phôi/trại, gồm các loại nấm ăn (bào ngư, hoàng kim, nấm rơm…) và nấm dược liệu (Linh chi Nhật Bản, Linh chi giống nội). Các vườn nấm của ông Tài ước khoảng 1 tỷ đồng.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, ông Tài mạnh dạn đầu tư cả máy sấy, máy cao áp để hoàn thiện quy trình sản xuất nấm, năng lực sản xuất ước tính khoảng 5 tấn/năm. Giá nấm Linh chi trên thị trường hiện dao động 1,5 - 1,8 triệu đồng/kg, trừ chi phí ban đầu khoảng 40%, lợi nhuận hằng năm lên tới vài tỷ đồng. Hiện tại, sản phẩm nấm của ông Tài được giới thiệu và bán tại các cửa hàng, siêu thị thuộc Kiên Giang và các tỉnh lân cận.

Ông Tài chia sẻ: “Trồng nấm không khó, nhưng điều quan trọng là sự kiên trì và đam mê với nó. Tôi chọn nghề trồng nấm ngoài đam mê mà còn nhằm mục đích giải quyết công ăn việc làm cho bà con trong xóm, bởi trồng nấm cần rất nhiều nhân công”.

Làm kinh tế giỏi và say mê với các giống cây trồng, đúng với kiến thức, kinh nghiệm thời còn công tác, cựu chiến binh Phạm Tấn Tài còn được bà con trong vùng yêu quý vì lối sống giản dị và luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người xung quanh từ xây cầu, làm đường giao thông nông thôn, tặng quà cho bà con nghèo, chung tay cùng với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang chăm lo cho các em nhỏ và người già neo đơn…

Ông Lương Văn Đồng, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Hòa Phú, xã Mong Thọ, huyện Châu Thành cho biết: “Ông Tài lập nghiệp bằng nghề trồng nấm và từng bước phát triển kinh tế, có vốn để mở rộng với quy ngày càng quy mô hơn. Ông rất tốt đối với anh em hội viên cựu chiến binh. Ai gặp khó khăn ông cũng giúp, hỗ trợ vốn để làm ăn, hỗ trợ làm nhà, ổn định cuộc sống”

Với những kết quả ấn tượng từ mô hình trồng nấm, cựu chiến binh Phạm Tấn Tài đã nhiều năm liền được UBND tỉnh Kiên Giang trao tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”, “Cựu chiến binh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi”.

Theo HỒNG AN/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>