Hướng đến nền nông nghiệp xanh

09/03/2020 | 07:43 GMT+7

Tạo ra sản phẩm sạch để an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường là mục tiêu chính của mô hình nông nghiệp xanh đang được ngành chức năng huyện Phụng Hiệp khuyến cáo người dân thực hiện.

Mô hình trồng khóm MD2 theo hướng nông nghiệp xanh đang tạo ra sức sống mới cho người dân xã Phương Bình.

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như lúa, cây ăn trái và rau màu… Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, nhất là hạn hán và xâm nhập mặn; đồng thời nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu khi thị trường tiêu dùng chú trọng mạnh đến những mặt hàng nông sản sạch. Chính vì vậy, thời gian gần đây, ngành chức năng huyện Phụng Hiệp đã đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích, cũng như nhân rộng nhiều mô hình sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường (mô hình nông nghiệp xanh). Qua đây, góp phần thay đổi ý thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa học mà chuyển sang ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới từ những mô hình sử dụng phân, thuốc hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng.

Một trong những mô hình đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực là sản xuất khóm MD2 theo hướng nông nghiệp xanh tại ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình. Tranh thủ nghỉ tay uống nước khi đang cùng nhân công tuyển những con (chồi) khóm giống trên diện tích 4ha khóm MD2 của gia đình, ông Nguyễn Văn Sĩ, Chủ nhiệm Tổ hợp tác Nông nghiệp Công nghệ cao West Food Bửu Long, ở ấp Phương Thạnh, cho biết: “Nơi đây là vùng đất phèn và ngày trước bà con sống bằng nghề trồng mía. Tuy nhiên, việc canh tác mía những năm gần đây không mang lại kinh tế cao do giá cả bấp bênh. Vì vậy, sau khi thỏa thuận về phương thức làm ăn với Công ty West Food có trụ sở ở thành phố Cần Thơ, gia đình tôi quyết định chuyển toàn bộ 4ha mía sang trồng khóm MD2 theo quy trình sản xuất khóm sạch do công ty đề ra. Sau đó, công ty tiến hành ký hợp đồng bao tiêu để thu mua lại toàn bộ sản phẩm xuất đi tiêu thụ ở thị trường châu Âu”.

Cũng theo ông Sĩ, khóm MD2 sau khi trồng 18 tháng sẽ tiến hành thu hoạch trái đợt đầu, sau đó 12 tháng sau sẽ xắn khóm lần 2. Mới đây, gia đình ông thu hoạch xong 1,3/4ha khóm MD2, với năng suất 70 tấn/ha (trọng lượng mỗi trái từ 0,5-4,2kg, bình quân 1,8kg), giá bán được công ty bao tiêu là 5.700 đồng/kg. Như vậy, sau khi trừ đi chi phí đợt 1, mức lợi nhuận mà gia đình ông Sĩ thu được trong lần xắn khóm vừa qua là 150 triệu đồng/ha. Ngoài thu nhập từ trái khóm, hiện ông Sĩ còn tuyển chọn những con giống khỏe mạnh để giao lại cho công ty, với giá bán là 2.000 đồng/con giống. “Quá trình chăm sóc khóm rất khỏe do toàn bộ phân bón và thuốc sử dụng là vô cơ do công ty cung cấp nên rất an toàn sức khỏe cho người trồng, đồng thời sản phẩm tạo ra cũng an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ tốt môi trường. Đặc biệt, trong tình hình biến đổi khí hậu, nhất là nắng nóng gay gắt khi vào mùa khô như hiện nay thì cây khóm MD2 rất thích hợp. Bởi lẽ, trồng khóm MD2 không cần tưới nhiều nước mà cây vẫn xanh tốt và cho trái to (bình quân chỉ tưới 3 lần nước/tháng). Do đó, đây là cây trồng có thể giải bài toán về việc lo thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất tại những vùng bị xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh”, ông Sĩ cho biết thêm.

Từ hiệu quả của mô hình mang lại, nhiều người dân sống cặp ranh ông Sĩ đã mạnh dạn làm theo, từ đó diện tích trồng khóm MD2 nơi đây ngày càng được mở rộng và dần thành lập tổ hợp tác sản xuất. Hiện tại, tổ hợp tác trồng khóm MD2 do ông Sĩ làm chủ nhiệm có 44 thành viên, với diện tích 57ha, tuổi khóm từ mới trồng đến 2,5 năm. Dự kiến trong năm 2020 này, diện tích khóm MD2 ở đây sẽ mở rộng thêm 7ha.

 Bà Lê Thị Bích, có 7 công khóm MD2 cách nhà ông Sĩ không xa, chia sẻ: “Tôi quyết định bỏ cây mía từ năm rồi để chuyển sang trồng khóm MD2 với mục đích là thay đổi cuộc sống gia đình như nhiều hộ dân nơi đây đang có được. Nhờ học tập kinh nghiệm từ những bà con đi trước mà rẫy khóm hơn 11 tháng tuổi của gia đình đang phát triển tốt nên đặt ra nhiều kỳ vọng trong thời gian tới. Tuy chi phí đầu tư ban đầu từ con giống, phân, thuốc đến việc cải tạo đất hơi cao (khoảng 250 triệu đồng/ha). Thế nhưng, bà con đỡ phần lo là được công ty hỗ trợ hoàn toàn, đến khi thu hoạch khóm đợt 1 sẽ trừ nợ cho công ty 65% tổng chi phí và 35% còn lại sẽ trừ trong lần thu hoạch thứ 2”.

Cùng với khóm MD2 đang thực hiện có hiệu quả tại xã Phương Bình thì mô hình sản xuất hướng đến nông nghiệp xanh của huyện Phụng Hiệp còn được triển khai bước đầu trên nhiều loại cây trồng khác. Cụ thể, huyện Phụng Hiệp đã hình thành được vùng trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn GlobalGAP được 22ha và đang tiếp tục hỗ trợ 45.000 cây giống cho người dân mở rộng diện tích thêm 100ha. Ngoài ra, dự kiến trong năm 2020 này, Phụng Hiệp sẽ vận động người dân chuyển khoảng 165ha từ đất trồng mía kém hiệu quả trên địa bàn huyện sang trồng chanh không hạt theo hình thức như trên, qua đây nhằm đạt mục tiêu là 500ha trồng chanh không hạt theo mô hình nông nghiệp xanh của huyện. Bên cạnh đó, Phụng Hiệp còn có mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà kính với diện tích 1,4ha; trồng rau trong nhà lưới theo hướng an toàn kết hợp với hệ thống tưới phun sương được 1.500m2; sản xuất lúa an toàn tiến đến hữu cơ theo hướng xây dựng cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm được 400ha và sản xuất lúa thông minh được hơn 20ha…

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, thông tin: Không chỉ những hộ sản xuất trong mô hình nông nghiệp xanh mà ngành nông nghiệp huyện còn đang tích cực khuyến cáo người dân trong huyện hạn chế dần việc sử dụng nhiều loại phân, thuốc thuốc hóa học trong sản xuất để tiến dần đến việc sử dụng phân, thuốc hữu cơ. Có thể thấy, tuy mô hình nông nghiệp xanh mới được địa phương triển khai thực hiện nhưng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân bằng những cách làm cụ thể và sự chung tay của doanh nghiệp. Từ những mô hình ban đầu như trên sẽ tạo ra tiền đề và bước đệm quan trọng giúp địa phương nhân rộng mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp thân thiện với môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn huyện ngày càng đi vào chiều sâu, cũng như có hiệu quả hơn trong thời gian tới…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>