An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp

25/11/2019 | 18:01 GMT+7

An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản là yếu tố được quan tâm hàng đầu nhằm hướng đến việc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến là yếu tố được quan tâm hàng đầu.

Thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản

Hiện nay, nhiều sản phẩm nông, thủy sản đã và đang bán tại các thị trường lớn trong nước cũng như xuất khẩu nhưng công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc chưa được triển khai đồng bộ. Trong khi đó, yêu cầu của thị trường ngày càng nghiêm ngặt, an toàn thực phẩm và việc truy xuất nguồn gốc là tiêu chí bắt buộc, nhất là đối với các sản phẩm xuất khẩu và cung ứng cho nhà phân phối lớn.

Tại Hậu Giang, các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của tỉnh đã được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Trong đó, cây khóm được chọn là một trong bốn cây chủ lực của tỉnh với nhãn hiệu “Khóm Cầu Đúc” nổi tiếng được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa và được Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đầu tư nguồn giống, vốn để xây dựng các mô hình sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất khóm Cầu Đúc theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2009-2011, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn cho Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, xây dựng mô hình sản xuất khóm Cầu Đúc theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP là 60ha và sẽ tiến tới thực hiện truy xuất nguồn gốc theo Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Theo ông Lâm Trường Thọ, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Thắng, mặc dù thành viên hợp tác xã cũng còn một số khó khăn trong ghi chép thông tin, chi phí kiểm tra mẫu cũng khá cao. Tuy nhiên, hợp tác xã sẽ triển khai truy xuất nguồn gốc bằng QR code. Theo đó, sẽ chọn thành viên đủ điều kiện để làm trước, sau đó từng bước thực hiện trong toàn hợp tác xã nhằm nâng cao giá trị sản phẩm “Khóm Cầu Đúc”.           

Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ tạo ra chuỗi cung ứng các sản phẩm nông, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp các nhà cung cấp, doanh nghiệp tiếp cận được thị trường có yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm.

Truy xuất nguồn gốc còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tình hình sản xuất, an toàn thực phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong việc thực hiện, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm; giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực trong quản lý, làm tiền đề giúp tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, thiếu an toàn để khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất quy mô lớn, xây dựng thương hiệu, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất văn minh, hiện đại, an toàn.

Hướng đến canh tác bền vững

Ngoài cây khóm, cây lúa là một trong những loại cây trồng chủ lực trên địa bàn thành phố Vị Thanh, chiếm phần lớn diện tích với trên 3.876ha. Để việc canh tác lúa bền vững, người nông dân cần áp dụng nhiều biện pháp để hạ giá thành sản xuất như giảm lượng lúa giống gieo sạ, thuốc bảo vệ thực vật và giảm lượng phân bón, đảm bảo an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng. Thành phố cũng đang tập trung đầu tư hoàn chỉnh vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao và lúa đặc sản xuất khẩu.

Xu hướng canh tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong nông nghiệp ở Hậu Giang dần lan tỏa mạnh. Từ đây, góp phần loại trừ thực phẩm kém chất lượng và tăng cường sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng. Ngoài các mô hình kể trên, yếu tố an toàn thực phẩm còn được ưu tiên hàng đầu trong khâu sản xuất, chế biến.

Ngay từ khi đi vào hoạt động, cơ sở trà mãng cầu Phụng Phát, ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, đã kết nối với các hộ dân đưa ra yêu cầu để có được nguồn nguyên liệu cách ly thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch và sơ chế. Với sự đảm bảo về chất lượng, chủ cơ sở Lê Kim Phụng Em cho biết đang xúc tiến khâu liên kết, quảng bá sản phẩm. Mong muốn của cơ sở là đưa những sản phẩm chất lượng ngon và an toàn đến với người tiêu dùng.

Thông tin từ UBND thành phố Vị Thanh, diện tích sản xuất theo chuỗi an toàn thực phẩm khoảng 1ha, với 9 hộ tham gia canh tác các loại rau: bồ ngót, hẹ, đậu rồng, rau cần, xà lách, tần ô, mồng tơi, cải trời… Các hộ bước đầu đưa sản phẩm rau vào siêu thị Co.opMart với một số loại mặt hàng chủ yếu, như: hẹ, bồ ngót, mồng tơi, xà lách, mướp. Số lượng mỗi loại khoảng 5 kg/ngày; giá cao hơn bán bên ngoài 2.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, các mô hình sản xuất rau màu theo hướng chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm đã bước đầu thành công ở khâu canh tác. Quy trình được đảm bảo, tuy nhiên đầu ra vẫn chưa tương xứng, cần xúc tiến mạnh hơn nữa.

Bà Trần Hoa Phượng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: Trong thời gian tới, thành phố tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn và chất lượng áp dụng công nghệ sinh học. Về trồng trọt, chọn giống chất lượng cao trình diễn và sản xuất bằng việc ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra sản phẩm độc đáo, tinh xảo, đặc sắc, mang tính sáng tạo. Trong chăn nuôi sẽ nuôi vịt siêu thịt - siêu trứng trong mô hình VAC. Về thủy sản thì ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học đối với một số chủng loại cá nước ngọt, như: cá tra, thát lát… Trên cơ sở đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa nhắm vào xuất khẩu và cung cấp dịch vụ nông nghiệp cho các tỉnh trong vùng ĐBSCL.

Theo xu thế phát triển của thị trường hiện nay, bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, người tiêu dùng cũng cần biết thông tin về nguồn gốc xuất xứ, quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển của hàng hóa. Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, việc truy xuất nguồn gốc là một yếu tố bắt buộc và quan trọng trong sản xuất thực phẩm. Còn ở trong nước, từ năm 2016 đã có nhiều địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản, từ thịt gia súc, gia cầm đến rau, quả. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ khâu sản xuất đến đóng gói và xuất xưởng là tiền đề khẳng định thương hiệu sản phẩm từ thị trường trong nước đến thị trường quốc tế.

Từ thực tế đó, ngày 19-1-2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các tỉnh, thành trong cả nước triển khai công tác truy xuất nguồn gốc. Tại Hậu Giang, mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã ban hành Quyết định số 1186 phê duyệt Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>