Vì quyền lợi của giáo viên

27/10/2020 | 09:39 GMT+7

Năm 2020 là đợt xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên cuối cùng trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng theo tiêu chuẩn mới (xét theo vị trí việc làm). Việc tạo điều kiện thuận lợi để các giáo viên đã đạt yêu cầu, đủ tiêu chuẩn và các minh chứng được tập trung thực hiện.

Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp là sự ghi nhận quá trình phấn đấu của giáo viên vì sự tâm huyết với nghề giáo.

Tại sao chỉ tiêu nhiều nhưng số lượng hồ sơ nộp và đạt còn ít ?

Cô Võ Thị Phước Thanh, giáo viên dạy ngữ văn Trường THCS Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Tôi được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II. Vừa hoàn thành đợt chấm các hồ sơ minh chứng, chuẩn bị cho đợt thi sát hạch sắp tới tôi mừng lắm. Nhà trường đã tạo mọi điều kiện để tôi được hoàn chỉnh hồ sơ xét thăng hạng. Mừng nhất là khi nộp hồ sơ lên Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp tỉnh Hậu Giang hướng dẫn rất kỹ nên tôi thấy rất an tâm”.

Ông Võ Văn Thọ, Hiệu trưởng Trường THCS Kinh Cùng, cho biết: “Đợt xét thăng hạng này, trường có 5 giáo viên cơ bản đảm bảo đủ tiêu chuẩn để xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II. Chúng tôi đã thành lập hội đồng, tổ thư ký… để chứng thực các tiêu chuẩn hỗ trợ giáo viên có đầy đủ các minh chứng cho hồ sơ. Trong 5 hồ sơ có 1 hồ sơ giáo viên không đủ năm tháng để xét theo quy định nên nhà trường để lại năm sau. Việc được xét thăng hạng này không chỉ là nguồn động viên về vật chất (giáo viên được nâng bậc lương) và cả tinh thần”.

Năm 2020, tổng chỉ tiêu thăng hạng giáo viên mầm non là 371 chỉ tiêu (hạng III 95 chỉ tiêu, hạng II 276 chỉ tiêu) và đã nhận 257 hồ sơ. Chỉ tiêu thăng hạng giáo viên tiểu học là 293 chỉ tiêu (hạng III là 103 chỉ tiêu, hạng II 190 chỉ tiêu), hồ sơ nhận được là 182. Chỉ tiêu thăng hạng giáo viên THCS hạng II là 168 chỉ tiêu và đã nhận 147 hồ sơ. Chỉ tiêu được giao nhiều nhưng số lượng hồ sơ nộp và đạt còn ít. Nguyên nhân được biết là do một số giáo viên chưa nắm rõ thủ tục để hoàn thiện hồ sơ. Lãnh đạo các trường cũng chưa có sự quan tâm đúng mức, tạo điều kiện để giáo viên đảm bảo các tiêu chuẩn làm hồ sơ xét thăng hạng… Việc xét thăng hạng chính là ghi nhận những đóng góp tích cực của giáo viên các cấp học đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và đóng góp cho sự nghiệp trồng người trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Năm nay lại là cơ hội cuối cùng xét thăng hạng của giáo viên nên chúng tôi đang hỗ trợ hết mình. Tổ thư ký kiểm tra kỹ công đoạn nhận hồ sơ của giáo viên, xem kỹ các văn bằng, các minh chứng… để khi phát hiện giáo viên còn thiếu minh chứng nào bổ sung kịp thời. Chúng tôi làm kỹ, hướng dẫn cụ thể từng hồ sơ, đảm bảo không để hồ sơ nào bị thiếu hay cần hoàn chỉnh nhiều lần”.

Nếu đã đạt các chuẩn phải tạo điều kiện cho làm hồ sơ xét

Ông Phan Hoàng Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, chia sẻ: “Được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, chứng minh được quá trình phấn đấu của giáo viên vì sự tâm huyết với nghề giáo và khẳng định việc chủ động nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của từng giáo viên. Vì thế, việc xét thăng hạng chúng tôi làm kỹ lưỡng, hạn chế tối đa những sơ suất, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho giáo viên...”. 

Việc chấm minh chứng xét thăng hạng giáo viên sẽ gồm: tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ… với tổng số 100 điểm. Trong đó, có từng tiêu chí rất cụ thể: bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên; việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn sáng tạo, có phối hợp cùng đồng nghiệp, phụ huynh trong chăm sóc trẻ, cùng các tài liệu minh chứng khác về khen thưởng, chứng nhận các danh hiệu… Sau khi chấm minh chứng thí sinh sẽ thi sát hạch.

Yêu cầu tại cuộc họp Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp tỉnh Hậu Giang với Đoàn Giám sát xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS năm 2020, ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Rà soát kỹ giáo viên đủ tiêu chuẩn để xét thăng hạng”, ông cũng lưu ý đây là đợt xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên cuối cùng trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng theo tiêu chuẩn mới nên các thành viên trong Hội đồng xét cần tạo điều kiện thuận lợi để các giáo viên đã đạt yêu cầu, đủ tiêu chuẩn và các minh chứng được xét chọn. Hiệu trưởng các trường phải rà soát lực lượng giáo viên đủ tiêu chuẩn để xét thăng hạng, xem đây là trách nhiệm của người đứng đầu các trường. Tất cả vì quyền lợi chính đáng cho giáo viên...

Hiện nay, công tác chấm minh chứng xét thăng hạng giáo viên đã hoàn tất. Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp tỉnh Hậu Giang đang tổ chức thi sát hạch hồ sơ đạt minh chứng. 

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng là được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian 3 năm liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ, có phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền; có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III, hạng II theo quy định... Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cử viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải chịu trách nhiệm về điều kiện, tiêu chuẩn của viên chức được cử đi dự xét. Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét và được cấp có thẩm quyền cử tham dự kỳ xét thăng hạng.

Xét thăng hạng từ hạng IV lên hạng III sẽ thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ. Xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II thông qua việc xét, chấm điểm hồ sơ và sát hạch theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>