Mô hình góp phần nâng cao phẩm chất, đạo đức cho học sinh

25/03/2020 | 07:54 GMT+7

Mô hình “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” do ông Trần Văn Ánh, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Long, huyện Phụng Hiệp, thực hiện, đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Các em học sinh hào hứng đóng vai khi kể chuyện yêu thích về Bác Hồ trong buổi sinh hoạt trên lớp.

Xuất phát từ thực tế dạy học

Mô hình đã được UBND tỉnh công nhận sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng trong tỉnh Hậu Giang năm học 2018-2019. Chia sẻ lý do thực hiện mô hình, ông Trần Văn Ánh, Hiệu trưởng trường, cho biết: “Ở huyện, mỗi chi bộ các nhà trường sẽ đăng ký thực hiện 1 mô hình học Bác. Từ thực tế tại trường, tôi đề xuất tập thể thực hiện mô hình “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”, nhằm nâng cao hơn phẩm chất đạo đức cho đội ngũ nhà giáo, học sinh”.

Chi bộ trường cùng Đoàn thanh niên trường đề ra kế hoạch và đưa ra những tiêu chí trong giáo viên, học sinh sao cho thực hiện hiệu quả, thiết thực và đạt chất lượng tối ưu. Vào buổi sinh hoạt chủ nhiệm hàng tuần, các lớp sẽ triển khai một bài học Bác trên lớp, kể chuyện hoặc đóng vai, để thu hút sự tham gia của học sinh, mỗi tháng sẽ có 2 bài học được thực hiện, dưới sự giám sát của giáo viên chủ nhiệm và Đoàn thanh niên trường. Ngày thứ 2 đầu tháng kế tiếp, sẽ tổ chức đố vui những bài học về Bác trong toàn trường. Nhà trường sẽ có nhận xét đánh giá, khen thưởng cho lớp có mô hình hay và trả lời đúng nhất.

Em Nguyễn Thị Diệu Ái, lớp trưởng 12T2, chia sẻ: “Tham gia học tập và làm theo gương Bác em thấy rất ý nghĩa. Không chỉ giúp em hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu, mà còn giúp em tự trau dồi phẩm chất đạo đức, bạn bè gần gũi và đoàn kết, hiểu nhau hơn. Em thích nhất “Câu chuyện về chiếc đồng hồ”. Câu chuyện này đã được em kể và đóng vai tại lớp. Thông qua câu chuyện đã giúp em rút ra được nhiều bài học bổ ích về khái niệm thời gian. Nhất là việc xác định vị trí vai trò của mọi người. Ai cũng quan trọng như ai, như mỗi bộ phận trong chiếc đồng hồ tương ứng với mỗi vị trí, nhiệm vụ của mỗi cá nhân”.

Học Bác thiết thực, phù hợp

Để mô hình lan tỏa, sâu rộng, Đoàn thanh niên trường tổ chức Cuộc thi Tìm hiểu về Bác Hồ theo từng khối lớp và có các câu hỏi kèm theo. Các câu hỏi được soạn và dán tại các lớp học. Học sinh sẽ đọc và nghiên cứu sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”, kết hợp với những câu hỏi đó và tìm câu trả lời. Em Bùi Kim Thu, học sinh lớp 11T1, cho biết: “Chúng em được thầy cô quy định thời gian để tìm hiểu sách là một tháng. Sau đó, tự tìm ra những bài học cho bản thân. Trong buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần của tháng kế tiếp, chúng em sẽ đại diện lớp lên trả lời câu hỏi. Nếu trả lời chưa chính xác, các bạn trong lớp sẽ hỗ trợ. Nhờ đọc sách nhiều, chúng em thích đến thư viện trường và trao đổi bài học với thầy cô, bạn bè nhiều hơn. Cứ như vậy, hàng tháng chúng em có một sân chơi hấp dẫn, bổ ích”.

Cô Lữ Ngọc Trân, Tổ trưởng Tổ xã hội, giáo viên dạy môn ngữ văn, bộc bạch: “Thực hiện mô hình này không chỉ giúp nâng cao phẩm chất, đạo đức của học sinh mà còn giúp giáo viên chúng tôi thêm một lần nữa chủ động trong việc học tập và làm theo Bác”. Từng giáo viên tự xem xét lại bản thân mình, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác ở điểm nào. Từ đó, tự trau dồi bản thân, học tập mọi lúc mọi nơi, phấn đấu trở thành nhà giáo gương mẫu. Giáo viên của trường tùy theo từng môn học, lồng ghép vào những bài học noi theo gương Bác phù hợp.

Mô hình “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” vừa gây sự hứng thú, thu hút học sinh, vừa có thể giúp các em nắm được những kiến thức cơ bản của bài học trên lớp. Minh chứng điều này qua chất lượng học sinh. Nếu như năm học 2017-2018, tỷ lệ học sinh khá giỏi của trường chỉ chiếm trên 49%, thì năm học 2018-2019 chiếm đến trên 63% tăng hơn 14%. Ông Trần Văn Ánh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hơn một năm thực hiện mô hình, nề nếp học tập của học sinh trường luôn được giữ ổn định và có nhiều biến chuyển tích cực. Các em học sinh trong nhà trường hầu hết đều giữ thái độ lễ phép, kính trọng thầy, cô giáo. Ứng xử, giao tiếp một cách văn minh, lịch sự, biết kính trên nhường dưới. Biết tôn trọng, yêu thương ông bà, ba mẹ, luôn hòa đồng với mọi người xung quanh, với bạn bè, năng lực học tập cũng vượt trội”. 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>