Học chữ thời chiến

28/04/2017 | 08:09 GMT+7

“Học hành bây giờ khỏe quá rồi, chứ hồi chiến tranh khổ dữ lắm, nhưng ước mơ được học mãnh liệt lắm mấy cháu, đồng đội khi đó hay nói với nhau học một chữ mừng như giết được một tên giặc Mỹ...”, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Hiền Tài (Tư Tài), nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, đã nói đến chuyện học hành thời chiến bằng mở đầu đầy hình tượng như vậy.

Hai cô giáo thời chiến: Bà Nguyễn Ngọc Chuyên (phải) và bà Huỳnh Thị Nhì ngồi ôn lại kỷ niệm xưa.

Đi gần một tháng mới đến nơi học

Khi chúng tôi hỏi: “Đi học thời chiến vất vả không chú?”.

Ông Tư Tài đáp ngay: “Còn gì vất vả bằng mấy cháu…!”.

Nhấp ngụm trà, đưa ánh mắt nhìn về hàng dừa nước khẽ đung đưa trước cơn gió hiếm hoi trong những ngày nắng gay gắt cuối tháng 4, ông Tư Tài bồi hồi nhớ lại chuyện đi học để theo đuổi ước mơ được chữa bệnh cứu người của mình. Lần thứ nhất là vào năm 1962, ông học lớp y tá 6 tháng ở rừng U Minh Hạ. Lần thứ hai học lớp y sĩ vào năm 1964 và lần thứ ba vào tháng 2-1972 ông tiếp tục được đưa đi học bác sĩ ở rừng U Minh Thượng. Do đường sá thời bấy giờ còn nhiều đồn bót giặc, nên mỗi lần hành quân đi học, ông Tài và nhiều anh em đều phải hành quân bằng bộ hoặc đi bằng xuồng ba lá vào các tháng nước nổi. Thường những đợt hành quân đi học đều phải đi vào ban đêm và đa phần đi gần 1 tháng mới đến nơi.

Ông Tư Tài nhớ lại: “Đường đi khó khăn lại phải đi bộ, lúc vô rừng rồi để dễ dàng đi lại mấy anh em tụi tui phải đốn đước bắc cầu, đốn tràm kiếm lá để dựng lớp học… Lúc đi học là tự túc hết, sau giờ học về mọi người lại chia nhau ra người hái rau, người bắt cá, nhưng được cái là người dân khi đó thương lắm, có con cá, cọng rau họ cũng gửi vào cho. Tôi đã được học giá trị cuộc sống từ trong nhân dân”.

Ký ức học hành xưa mỗi người một câu chuyện. Dù chiến tranh đã qua hơn 40 năm, nhưng ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, vẫn không thể quên một thời đi học để có cái nghề. Xem lại những tấm giấy chứng nhận trong quá trình học tập y tá, y sĩ, ông Bình kể: “Năm 23 tuổi, tôi đã được đưa đi học y tá ở kênh Vịnh Sâu, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, lúc đó gọi là lớp chứ thật ra là học đại ngoài vườn của bà con thôi, bẻ chót lá dừa, lá chuối rồi lót ngồi học thôi, thầy cô thì đứng giảng, học trò thì ngồi kê lên bắp đùi mà viết, khi nào giặc đến là chạy. Một lớp y tá, tôi nhớ có hơn 20 học trò cùng học. Thời đó, học “thô” vậy thôi chứ cũng không có mô hình dụng cụ gì hết, chỉ đến khi thực hành mới được vào bệnh viện, trạm xá này kia để tập chích thuốc”.

Rồi đến tháng 10-1973, ông Bình tiếp tục được cho đi học lớp y sĩ ở rừng U Minh Hạ. Điều kiện học tập cũng rất nhiều khó khăn, thầy dạy chỉ nói trên bảng còn ở dưới học trò cứ viết vào tập, chứ chẳng có quyển sách nào. Đến chiến dịch năm 1974, lớp y sĩ của ông Bình được đi thực tập ở phòng mổ Cả Nứa, vào ngay đợt đó 72 thương binh đến phòng mổ để băng bó vết thương, đó là một cơ hội với những người học như ông Bình. Ngay sau khi học xong, ông Bình được phục vụ chiến trường trên địa bàn huyện Phụng Hiệp.

Khó khăn là vậy, nhưng những lớp học vẫn được gầy dựng và đã có biết bao nhiêu người con ưu tú của quê hương Hậu Giang trưởng thành từ những nơi lớp không ra lớp, trường không ra trường như vậy. Chiến tranh, đôi khi lớp học chỉ là cái chòi giữa rừng, kiến thức nhiều khi đâu có phấn trắng bảng đen để giảng… nhưng đã có biết bao bác sĩ, y sĩ giỏi ra đời và biết bao nhiêu thương binh được cứu chữa nhờ vào bàn tay của những người như ông Tư Tài, ông Thanh Bình…

Biết cái chữ, đôi khi phải đánh đổi bằng mạng sống

Từng là một trong những giáo viên trực tiếp giảng dạy trong chiến tranh, bà Huỳnh Thị Nhì, sinh năm 1950, ở ấp 1, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, vẫn còn nhớ như in những ngày lội bộ, băng rừng để đi dạy chữ cho bà con. Bà Nhì kể: “Ở đây, tui lội bộ băng rừng ra ấp 2, sau đó, đi tắc qua kênh Phong Điền rồi mới qua được ấp 6 Vuông Tràm để dạy. Mỗi lần qua là ở cả tuần mới về lại bên nhà, khi về mấy đứa học trò nó khóc đâu có cho về. Hồi đó, đi dạy không có lương bổng gì hết, mỗi lần đi dạy tôi đều xách cơm nhà và mang gạo theo để có cái mà ăn. Nhiều khi buổi trưa đi dạy về đói quá không có cơm để ăn, mà thời điểm ấy dừa nước cũng nhiều, nên tôi thường rủ mấy đứa nhỏ đi đốn dừa nước để ăn trừ cơm, chúng tôi dạy bằng sự nhiệt tình của tuổi trẻ”.

Làm cô giáo khi mới học hết lớp 6, nhưng thời đó không quá lạ lẫm. Người biết chữ dạy người chưa biết, phong trào bình dân học vụ nhờ đó mà lan tỏa.

Thời chiến, để có được con chữ, đôi khi phải đổi bằng mạng sống của mình. Bà Nguyễn Ngọc Chuyên, sinh năm 1954, ở ấp 1, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tâm sự: “Hồi đó, tôi mới học được tới lớp 4 thôi rồi về công tác bên Đoàn thanh niên. Bấy giờ, mấy chú ở địa phương mới kêu tôi đi học thêm sư phạm để về đi dạy cho những người không biết chữ. Rồi tôi cũng đi học sư phạm hết 4 tháng trong rừng, sau đó về đi dạy ở điểm ấp 1 và điểm ấp 6 Vuông Tràm, xã Xà Phiên. Năm 1970, lớp tôi dạy được khoảng 20 người, đến năm 1972 ở đây bắt đầu khai hoang, giặc vào càn quét nhiều lần. Thời đó, đi học cực khổ lắm biết đọc, biết viết là may mắn rồi. Có người đánh vần chưa tròn cái chữ đã vĩnh viễn nằm xuống đất mẹ…”.

Nhiều cụ cao niên nhớ lại, lớp học chủ yếu được dạy trong vườn của dân, để tiện tránh bom đạn, máy bay. Ban ngày sẽ dạy cho các cháu, các em nhỏ còn vào ban đêm sẽ dạy cho người lớn tuổi. Mỗi năm, thầy cô và chính quyền địa phương ở đây phải kêu gọi người dân góp lá, xin cây, xin ván để dựng trường lớp tạm. Tập viết cũng không có, nên chủ yếu mọi người dùng than và lá chuối để thay giấy viết. Hòa bình, trong niềm vui tự do, nhưng giặc dốt trở thành nỗi ám ảnh, đất nước lại bước vào cuộc chiến mới, cuộc chiến xóa nạn mù chữ, mà mọi người hay nói với nhau là “diệt giặc dốt”… Khi đó, nhà nhà đi học, người người đi học. Bà Chuyên tâm sự: “Mọi người bảo nhau, biết con chữ để viết lại cuộc đời, để biết viết chữ hòa bình, chữ tự do, chữ biết ơn Bác Hồ cho đẹp…”.

Giờ đây, trên nền đất cũ, ngôi trường ngày đó của bà Chuyên từng dạy đã được thay thế thành ngôi trường kiên cố khang trang nằm nép mình bên dòng sông hiền hòa với tên gọi Trường Tiểu học Xà Phiên 3. Dù đã trải qua 3 lần đổi tên, nhưng bà Chuyên và những cô giáo từng một thời gắn bó với mảnh đất nơi đây, ai cũng cảm thấy vui và hạnh phúc khi nhìn thấy từng lớp học trò được đến trường. Để góp phần cùng địa phương chăm lo cho giáo dục hàng năm, khi vào tựu trường bà Chuyên lại cùng các chị em trong Hội Cựu giáo chức lại tất bật vận động học bổng, tập, sách để hỗ trợ cho học sinh nghèo trên địa bàn…

Một thời gian khó đã qua, sau 42 năm đất nước thống nhất, trường lớp, chuyện học hành đã sang trang mới. Toàn tỉnh hiện có 339 trường từ mầm non đến THPT trong đó, 85 trường mầm non, mẫu giáo (1 trường tư thục); 170 trường tiểu học; 61 trường THCS; 23 trường THPT. Đến nay, đã có 174/339 trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 51,3%. Nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đã xóa xã trắng trường mầm non, mẫu giáo và trong sự đóng góp để có những ngôi trường mới đó, có công sức của những người từng một thời đi học giữa làn bom đạn, từng phải ngủ hầm, ăn cơm vắt, dầm mưa để tìm cái chữ như ông Tư Tài, ông Bình, cô Chuyên, cô Nhì…

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, nói: “Mấy anh chị học ở khóa trước tui vất vả lắm, đi học nhiều lúc phải tự đi tải gạo về ăn, rồi bị giặc phục kích hy sinh trên đường về. Những lúc học khổ quá, nhiều anh ở rừng đước còn phải lấy cây đẽo dầm bán để có tiền mua trà uống nữa”…

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>