“Hoa Lúa” và “Ngọc trong đá”

19/08/2019 | 07:46 GMT+7

5 năm qua, chương trình Hoa Lúa của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang đã giúp rất nhiều em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục con đường học vấn.

Ông Huỳnh Thanh Tạo (giữa), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, trao tặng 2 căn nhà tình thương cho 2 học sinh khó khăn trong chương trình Gala Hoa Lúa.

Những “Hoa Lúa” giàu nghị lực

Nhân vật “Hoa Lúa” đã lấy đi không ít nước mắt và sự cảm thông, chia sẻ của mọi người là em Nguyễn Hoài Văn, sinh viên năm thứ 3, khoa xét nghiệm Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Em được chương trình Hoa Lúa hỗ trợ cách đây hơn 3 năm. Khi đó, em là học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Tâm, huyện Long Mỹ.

Hoàn cảnh em Hoài Văn rất đáng thương. Nhà ở đậu trên đất người ta, nên cha phải đi làm thuê tận Bình Dương để lo miếng ăn cho gia đình, mẹ em làm mướn để lo cho em ăn học. Sớm nhận thức được sự vất vả của cha mẹ, nên ngay từ năm lớp 7, Hoài Văn đã biết đỡ đần cho gia đình, một buổi em đến trường, một buổi em đi cấy lúa mướn cùng mẹ, rồi tranh thủ thời gian rảnh em đan lục bình. Nuốt vội ngụm cơm nguội giữa đồng, đôi tay nhanh nhẹn đan xen từng cọng lục bình yếu ớt thành những chiếc giỏ chắc chắn khi rảnh thời gian càng làm mọi người khâm phục. Em đan những cọng lục bình cũng như đang cố gắng, nỗ lực học tập để thêu dệt tương lai tươi sáng cho bản thân mình bằng con đường học vấn. Hoài Văn chia sẻ: “Em luôn biết ơn những sự quan tâm hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần mà Hoa Lúa đã giúp đỡ em trong thời gian qua. Nhờ sự giúp đỡ ấy mà em đã thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học, với ngành y em yêu thích. Em sẽ nỗ lực học thật giỏi để khi ra trường em có tay nghề vững để cứu chữa được nhiều người, là người có ích cho xã hội, trả món nợ ân tình của xã hội dành cho mình”.

Vui mừng khi thấy con được tiếp tục đến trường nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của mọi người, bà Nguyễn Thị Sen, mẹ của em Hoài Văn, bộc bạch: “Để lo cho con học tiếp đại học, tôi đã đóng cửa nhà ở quê, lên thành phố Cần Thơ giúp việc cho người ta. Hai vợ chồng tôi xác định dù vất vả, khó khăn, cực khổ hơn cũng phải lo cho con học hành đến nơi đến chốn. Vì chỉ có học tương lai của con mới khác vợ chồng tôi. Gia đình tôi rất cảm ơn chương trình Hoa Lúa, nhờ có chương trình con tôi mới được như hiện nay”.

Hay sự nỗ lực vượt khó của cô học trò nghèo nhưng giàu nghị lực, sống giữa xóm đá khô cằn, nắng cháy. Không có tiếng chim hót, không bóng cây mà thay vào đó là âm thanh đinh tai của nghề đục đá, ấy vậy mà em Thị Cẩm Thu ở xã Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, đã nỗ lực học tập hết THPT và là người duy nhất ở “xóm đá” này vào đại học. Em Thu thổ lộ: “Đa số các bạn bè cùng trang lứa em đã lập gia đình, bám với nghề đục đá rất vất vả, cái nghèo cứ đeo bám mãi ở đây. Vì thế, em quyết tâm đi học. Học để lo cho bản thân, gia đình và không trở thành gánh nặng của mọi người”. Để đến trường, mỗi ngày em Thu phải đạp xe hơn 10km. Khó khăn vất vả là vậy nhưng không ngăn được quyết tâm theo đuổi ước mơ thay đổi số phận mình của cô học trò nhỏ. Hiện tại, Thu đã là sinh viên ngành kế toán Trường Đại học Kiên Giang.

Hành động xin cái nắm tay nhẹ nhàng của MC chương trình dành cho em Thu tại đêm Gala Hoa Lúa 2019 vừa qua, với chủ đề “Ngọc trong đá” đã chạm đến trái tim của người xem. Có những dòng cảm xúc đã nghẹn ngào khi nhìn bàn tay nhỏ nhắn, chai cứng vì hàng ngày phải đục đá nhưng lại rất đẹp vì từ bàn tay này, em đang dệt ước mơ cho chính mình.

Hoa Lúa - Nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái

Đó cũng chính là lời chia sẻ tận ruột gan mà ông Bùi Duy Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Sài Gòn, dành cho các em học sinh vượt khó học giỏi. Ông Chính xúc động: “Tôi ấn tượng nhiều nhất ở các em học sinh, sinh viên trong chương trình Hoa Lúa là nghị lực theo đuổi ước mơ đến trường của các em. Ngày xưa, chúng tôi cũng nghèo, cũng phải học như các em thôi, nên so ra, xem lại tôi thấy mình cần có nhiều bổn phận với các em. Ở các em, tôi thấy rõ sự trong sáng nghĩa tình, chung thủy và có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Vì sao chúng ta có điều kiện, lại không tiếp thêm niềm tin, sự hỗ trợ để những hoa lúa, những viên ngọc này có thể tỏa sáng bằng chính sức học”. Ông Bùi Duy Chính đã đồng hành cùng với chương trình Hoa Lúa ngay từ năm 2014 đến nay, trong một lần tình cờ xem truyền hình Hậu Giang. Từ lúc đó, mỗi kỳ phát sóng, ông và những người bạn của mình đều ủng hộ 5 triệu đồng. Hiện tại, ông đang nhận đỡ đầu em Nguyễn Ngọc Linh, sinh viên năm thứ 5, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh.

Ra đời vào năm 2014, qua hơn 5 năm phát sóng, Hoa Lúa do Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang thực hiện đã luôn quan tâm, tìm và hỗ trợ kịp thời những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đã kịp thời san sẻ và giúp cho nhiều số phận kém may mắn hoàn thành ước mơ bình dị ngày hai buổi được cắp sách đến trường… Nếu cuộc đời là một cái duyên thì Hoa Lúa là cái duyên hội tụ những tấm lòng nhân ái.

5 năm qua, chương trình đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm, từ doanh nhân, cán bộ về hưu, đến đồng bào đang sinh sống ở nước ngoài... Như tấm lòng quan tâm, yêu thương của ông Nguyễn Hoàng Nam, một cán bộ hưu trí xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, dành mỗi tháng 500.000 đồng tiền hưu để hỗ trợ học sinh nghèo khó khăn của chương trình... Đồng hành cùng học sinh nghèo, những tấm lòng thơm thảo không chỉ đồng cảm mà còn bị chinh phục bởi ý chí và nghị lực vượt khó của các em.

Nhìn lại hành trình vượt lên số phận, trong hơn 5 năm qua đã có 130 học sinh, sinh viên thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ, tổng kinh phí hỗ trợ sau 5 năm là 3,3 tỉ đồng. Riêng trong giai đoạn từ tháng 7-2017 đến nay, có 47 học sinh được trao học bổng, với gần 1,5 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần khử trùng VFC đã tài trợ đến cuối năm 2018 và Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh Hậu Giang là nhà tài trợ chương trình từ đầu năm 2019 đến nay.

Mỗi nhân vật “hoa lúa” là mỗi câu chuyện rất riêng về sự khó khăn theo đuổi con chữ nhưng các em đều có một điểm chung là ý chí, nghị lực vượt khó, phấn đấu hết mình vì tương lai tươi sáng. Các em như những viên ngọc thô và sẽ tỏa sáng khi nhận được sự san sẻ yêu thương của mọi người.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh:

Nhân văn và đầy ý nghĩa với Hoa Lúa

 “Hoa Lúa là chương trình nhân văn và rất ý nghĩa vì đã viết tiếp ước mơ đèn sách cho các em học sinh. Từ chương trình những em học sinh, sinh viên không chỉ của tỉnh nhà mà các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có hoàn cảnh đăc biệt khó khăn đã được quan tâm kịp thời, tạo điều kiện để các em vươn đến ước mơ tốt đẹp. Chính ý chí và nghị lực của các em đã làm mọi người xúc động và cảm phục. Các em đã tiếp thêm niềm tin, mang đến cho xã hội sự tin tưởng về thế hệ tương lai của đất nước có phấn đấu, có trách nhiệm và nghĩa tình”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>