Giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực Hậu Giang ?

28/07/2021 | 09:25 GMT+7

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Đầu tư cho giáo dục là cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bền vững.  (Ảnh chụp trước khi thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ).

Đầu tư cho giáo dục và đào tạo là quốc sách

Thực tiễn cho thấy, muốn có nguồn nhân lực tốt thì phải chăm lo cho giáo dục từ giáo viên đến điều kiện học tập của các em, như xây nhà phải làm từ móng và bắt đầu từ những viên gạch nhỏ...

Nếu như năm học 2003-2004 (khi mới chia tách tỉnh), toàn ngành giáo dục và đào tạo chỉ có 7.072 cán bộ quản lý, giáo viên, trong đó chỉ có 2 thạc sĩ thì đến nay, toàn ngành đã có 262 thạc sĩ, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn tăng cao. Ông Võ Văn Sol, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng dạy và học, không gì khác hơn là mỗi thầy cô giáo chúng tôi phải chủ động học tập, học mọi lúc mọi nơi”. Ông Sol được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn cử đi đào tạo sau đại học (thạc sĩ vật lý). Sau 2 năm hoàn thành khóa học (năm 2015) với nhiệm vụ mới là Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phú, ông đã đề xuất đẩy mạnh nhiều mô hình, hoạt động đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, như phát triển phong trào nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, đạo đức trong học sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh… Nhờ đó, từ 1 trường vùng sâu, chất lượng giáo dục chưa cao, nhiều năm nay Trường THPT Tân Phú luôn là một trong những đơn vị đi đầu trong các phong trào nghiên cứu khoa học, được nhận cờ thi đua dẫn đầu khối trung học phổ thông.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Từ khi thành lập tỉnh đến nay, ngành luôn được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, quan tâm và dành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp, đúng quy định. Thực hiện nhiệm vụ của mình trong đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà, chúng tôi đã chủ động nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo một cách toàn diện. Chúng tôi xác định, đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định thành công của quá trình đổi mới, phát triển giáo dục”.

Ngành đã tham mưu, chỉ đạo chuẩn hóa, nâng cao đội ngũ đạt và vượt chuẩn bằng nhiều giải pháp đồng bộ như bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT; phối hợp các trường sư phạm đào tạo giáo viên theo hệ vừa học vừa làm, tham gia đào tạo từ xa... Nhờ đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng phát triển, hoàn thiện về cơ cấu và chất lượng. Hàng năm, tỉnh dành khoảng 1 tỉ đồng để mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên. Giai đoạn 2015-2020, đã bồi dưỡng cho hơn 2.000 lượt cán bộ, giáo viên, đã tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và phổ thông cho 1.530 người.

Kết quả nổi bật, là tỉnh đã sắp xếp kiện toàn mạng lưới trường lớp, đáp ứng nhu cầu dạy và học, với tổng số 325 trường học từ mầm non đến THPT, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia là 261/325, chiếm tỷ lệ 80,03%. Năm 2020, toàn ngành có 8.390 cán bộ, giáo viên, tỷ lệ đạt chuẩn là 80,13%, trên chuẩn 2,57%, có 262 thạc sĩ, chất lượng giáo dục ở các cấp học đều tăng hàng năm.

“Hiến kế” đột phá để phát triển nguồn nhân lực

PGS.TS Nguyễn Văn Đệ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp, hiến kế: “Công tác tư vấn hướng nghiệp ở các trường không hiệu quả, nguyên nhân do chúng ta chưa đầu tư được đội ngũ giáo viên có chuyên môn và kỹ năng hướng nghiệp chuẩn. Khẩu hiệu đề ra là “học nghề trước, đại học sau”, vì xã hội đang thừa thầy, thiếu thợ. Nhà trường phải làm sao đổi mới chương trình giảng dạy phù hợp, phải gắn kết được với phụ huynh, làm cho phụ huynh thấu hiểu, học sinh không chỉ có một con đường duy nhất là phải vào đại học, phải học trường THPT. Mà có nhiều chọn lựa, học nghề, theo đuổi niềm đam mê các em sẽ có tương lai sáng”.

Chia sẻ thực trạng học sinh, sinh viên đang thiếu kỹ năng sống và đó cũng là một trong những nguyên nhân sau khi rời giảng đường, lực lượng này ít sáng tạo, khó đáp ứng nhu cầu công việc, dẫn đến nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh không nhiều, nhất là ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp ứng dụng cao... Tiến sĩ Nguyễn Văn Nguyện, Viện trưởng Viện Phát triển nguồn lực, Trường Đại học Trà Vinh, chia sẻ: “Tỉnh cần phải có chính sách phù hợp theo tình hình thực tế trong việc thu hút nhân tài, tránh vấn đề chảy chất xám. Tôi đề nghị, cần xây dựng môi trường làm việc tốt, tạo bầu không khí làm việc thoải mái để mỗi cán bộ, công chức, viên chức có điều kiện phát huy tốt năng lực”.   

Nhấn mạnh việc bố trí việc làm đúng với năng lực, chuyên môn sẽ là điều kiện tốt để cán bộ phát huy năng lực, sở trường của mình, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần dựa vào sở trường, tài năng của người được tuyển dụng mà bố trí, bổ nhiệm vị trí việc làm phù hợp, tin tưởng trao cho người được tuyển dụng những vị trí tương xứng với khả năng, phát huy tối đa tài năng”.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá để góp phần đưa Hậu Giang vươn tầm tỉnh khá, từ khi thành lập tỉnh đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết quy định về chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và chính sách thu hút nhân lực trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều quyết định để hướng dẫn thực hiện nghị quyết của HĐND. Đặc biệt, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, đã ban hành Nghị quyết Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Giai đoạn 2020-2025, mục tiêu của tỉnh là tập trung phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số và kiến thiết nền kinh tế tuần hoàn. Thực hiện mục tiêu này, đặt ra yêu cầu tỉnh phải có những giải pháp đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, tạo ra bước chuyển mang tính cách mạng đối với số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, giữ vai trò quyết định đến vị thế kinh tế - xã hội Hậu Giang hiện nay và trong tương lai”.

Hậu Giang đã có 71 tiến sĩ và tương đương

Thời điểm thành lập tỉnh năm 2004, Hậu Giang chỉ có 1 tiến sĩ, 24 thạc sĩ và 3.342 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học. Đến năm 2020, toàn tỉnh hiện có 1.221 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học (trong đó 71 tiến sĩ và tương đương, 887 thạc sĩ và tương đương); trình độ đại học là 12.557 trường hợp, chiếm tỷ lệ 70,7%. 1.475 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao cấp lý luận chính trị; trung cấp lý luận chính trị là 3.664 trường hợp. Trung bình hàng năm tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng gần 28 tỉ đồng. 

 

Phấn đấu đến năm 2025, 100% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên

100% cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu chức danh, chuyên môn phù hợp vị trí việc làm, các chức danh lãnh đạo, quản lý; 100% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, phù hợp vị trí việc làm; 100% cán bộ đạt chuẩn theo quy định. Phấn đấu đến năm 2025 có 8-10% cán bộ, công chức, viên chức các cấp có trình độ sau đại học, tập trung nhóm ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh như công nghệ thông tin, nông nghiệp, công nghiệp, chính sách công, quản lý kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ...

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>