Cơ sở giáo dục ngoài công lập: Gặp khó trong mùa dịch

15/04/2020 | 07:49 GMT+7

Học sinh nghỉ kéo dài, cơ sở giữ trẻ ngoài công lập không có nguồn thu, giáo viên không có việc làm... là khó khăn chung ở các nhóm trẻ và trường mầm non tư thục trong thời gian tạm nghỉ do bệnh Covid-19. Tuy nhiên, các cơ sở cho rằng nghỉ học để phòng dịch là điều cần thiết và rất ủng hộ.

Các cơ sở giữ trẻ ngoài công lập chưa thể xác định thời gian sẽ hoạt động lại khi chưa có chỉ đạo từ ngành chức năng của tỉnh.

Giáo viên đề nghị không nhận lương

Các phòng học được sát khuẩn, dọn dẹp sạch sẽ và bên ngoài được khóa trái cẩn thận… hình ảnh dễ bắt gặp ở các trường trong thời điểm dịch bệnh hiện nay. Gần 3 tháng không hoạt động, các cơ sở giữ trẻ ngoài công lập đang gặp rất nhiều khó khăn, do không có nguồn thu nhưng vẫn phải chi cả chục triệu hàng tháng. Bà Võ Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tư thục Mai Thy, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tâm sự: “Hồi mới bắt đầu nghỉ, thực hiện theo chỉ đạo tưởng chỉ nghỉ 1-2 tuần, nên dù không có thu nhập nhưng tháng đó, tôi vẫn phải chi trả lương đầy đủ cho tất cả giáo viên và nhân viên. Nhưng đến giờ, tôi không còn bù lỗ phần lương cho các cô nổi nữa, thật sự thương các cô, nhưng biết sao giờ, tôi đã hỗ trợ hết khả năng rồi”.

Trường Mầm non tư thục Mai Thy là một trong những trường tư thục có số lượng trẻ gửi khá đông trên địa bàn huyện, trước mùa dịch trung bình mỗi ngày nơi đây giữ hơn 100 trẻ. Để duy trì tốt hoạt động dạy và học, nhà trường phải hợp đồng thêm 14 giáo viên, nhân viên với mức lương dao động của mỗi cô từ 3-5 triệu đồng/tháng. “Thấy trường không có nguồn thu, nên từ tháng 3 đến nay, các cô đều chủ động đề xuất không nhận lương nữa. Một số cô đã xin đi làm thêm như phụ bán quán, làm tiếp thị cho siêu thị hoặc ở nhà buôn bán online”, bà Kim Chi chia sẻ thêm.

Còn ở nhóm trẻ Hoa Phượng, thuộc xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, không có nguồn thu từ học sinh, đồng nghĩa với việc giáo viên cũng không có lương. Do mức lương được trả cho các cô nơi đây, dựa vào số trẻ mỗi ngày. Bà Lê Kim Phượng, Trưởng nhóm bộc bạch: “Để hỗ trợ phần nào giúp các cô vượt qua khó khăn, trong thời gian nghỉ do dịch bệnh, hiện mỗi tháng tôi vẫn hỗ trợ mỗi cô 500.000 đồng và một phần nhu yếu phẩm. Tuy không nhiều, nhưng mong có thể giữ chân các cô để khi hết dịch bệnh nhóm trẻ hoạt động lại các cô sẽ tiếp tục gắn bó với mình. Giờ tôi chỉ mong, các cấp, các ngành có phần nào đó hỗ trợ cho giáo viên ở các nhóm trẻ để giúp các cô có thể ổn định cuộc sống thôi”. Từ khi nhóm trẻ ngưng hoạt động, để kiếm thêm thu nhập hỗ trợ giáo viên, bà Phượng cũng chủ động mở quầy hàng buôn bán nhỏ tại nhà mình.

Lo thiếu giáo viên khi hoạt động trở lại

Dịch bệnh xảy ra có lẽ là điều không ai mong muốn, tuy nhiên thực tế qua thời gian nghỉ học của học sinh kéo dài đã khiến cho cả phụ huynh, nhà trường và giáo viên đều rất khó khăn. Bà Bùi Thị Lan Phương, Trưởng nhóm trẻ Sơn Ca, ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, cho biết: “Dịch bệnh nhóm trẻ phải ngừng hoạt động, kéo theo đó là tình trạng giáo viên không có việc làm, còn riêng phụ huynh lại không có chỗ gửi con. Tháng đầu tiên phải nghỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh, tôi còn chi trả cho mỗi cô nửa tháng lương, chứ giờ chỉ còn hỗ trợ được các cô vài trăm thôi. Cũng muốn hỗ trợ nhiều, nhưng do không có khả năng, bản thân tôi hiện cũng phải giặt, sửa quần áo thuê và buôn bán thêm để có thu nhập”. Trung bình mỗi ngày nhóm trẻ Sơn Ca giữ khoảng 70 trẻ, để đảm bảo việc chăm sóc cho các bé nơi đây phải hợp đồng thêm 5 giáo viên. Do đặc thù nằm trong khu công nghiệp, nên thời gian qua, nhóm trẻ Sơn Ca góp phần rất lớn trong việc giữ con cho công nhân trong các công ty. Hiện nhóm trẻ không hoạt động, bắt buộc nhiều phụ huynh là công nhân phải nghỉ việc ở nhà giữ con.

Không chỉ khó khăn trong việc chi trả lương cho giáo viên, mà ở một số nhóm trẻ dù ngưng hoạt động nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng hàng tháng. Chị N., trưởng một nhóm trẻ trên địa bàn phường III, thành phố Vị Thanh, tâm sự: “Nghỉ gần 3 tháng, nhưng hiện tôi vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng 2 triệu đồng/tháng. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, không chỉ không còn khả năng chi trả tiền mặt bằng, mà tôi còn sợ các giáo viên sẽ bỏ nghề để tìm việc khác. Do hiện khó khăn, nên tôi không thể trả lương cho các cô như trước đây. Tuy nhiên, phải chấp nhận để vì mục tiêu phòng dịch”.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2 trường mầm non tư thục và 66 nhóm, lớp tư thục. Các cơ sở giữ trẻ ngoài công lập hiện nay không chỉ đang gồng mình vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn có một nỗi lo chung là thiếu đội ngũ giáo viên giảng dạy khi hoạt động trở lại…

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>