“Chúng ta đang quên việc tạo điều kiện, cơ hội học tập cho người lớn”

11/05/2021 | 09:02 GMT+7

Đây là chia sẻ của giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Doan (ảnh), nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam khi đến thăm và làm việc với tỉnh Hậu Giang. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, bà chia sẻ: Hậu Giang muốn xây dựng một xã hội học tập có chất lượng, phải xây dựng được một hệ thống giáo dục bảo đảm cho mọi công dân đều được học tập suốt đời. Phải quan tâm, tập trung thúc đẩy ý thức học tập của người lớn, dành nhiều suất học bổng trao tặng để tạo thêm động lực, điều kiện cho người lớn tuổi học tập...

Thưa bà, thời gian qua Hậu Giang có nhiều nỗ lực và kết quả trong việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, vậy đâu là điều bà thấy ấn tượng ?

- Tôi đánh giá cao ở Hậu Giang là sự quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, khi địa phương đã sớm có nhiều chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Nhất là trong công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Nhiều mô hình hỗ trợ học sinh khó khăn như: mô hình 1+1, 1+n, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đỡ đầu trường học… Những suất học bổng, những phần quà, trang thiết bị dạy và học được hỗ trợ kịp thời đã giúp ngành giáo dục và đào tạo tỉnh vươn lên thoát “trũng”. Hậu Giang đã cơ bản hoàn thiện được mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục được đầu tư, từ đó chất lượng giáo dục được nâng tầm. Bằng chứng là nhiều giải thưởng sáng tạo đạt giải cao cấp quốc gia đã được thầy trò Hậu Giang mang về. Tỉnh đã đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2...

Trung tâm Học tập cộng đồng thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp.

Tôi thấy mừng khi các em tuy có hoàn cảnh khó khăn nhưng ý chí vượt khó trong học tập lại rất cao. Học sinh đã biết nỗ lực trong học tập, sử dụng đúng các nguồn học bổng hỗ trợ từ lãnh đạo tỉnh, nhà trường các mạnh thường quân nhà hảo tâm để làm giàu tri thức, xây dựng tương lai sáng… Ngoài ra, còn có sự nỗ lực, cái tâm của những người làm công tác khuyến học, khuyến tài.

Riêng với các cấp hội khuyến học từ tỉnh đến cơ sở tại tỉnh, qua báo cáo và làm việc thực tế, bà đánh giá thế nào, thưa bà ?

-  Hội Khuyến học từ tỉnh đến cơ sở ở Hậu Giang đã cơ bản hoàn thành được nhiệm vụ trong công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Chính sự phân công nhiệm vụ và cộng đồng trách nhiệm của những người làm công tác khuyến học khuyến tài là một trong những hạt nhân chính góp phần mang về thành tích của giáo dục Hậu Giang. Đây là một tổ chức hội đặc thù. Hội hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Nói tự nguyện nhưng nó có trách nhiệm, có tinh thần, gắn bó, sự đoàn kết với nhau. Chính sự đoàn kết, sự đa dạng trong phương thức vận động, xây dựng phong trào khuyến học khuyến tài từ tỉnh đến cơ sở là điều tôi trân trọng nhất.

Dù có nhiều khó khăn, các hội viên đều cao tuổi, kinh phí hoạt động hạn hẹp nhưng đã tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa, với việc vận dụng nhiều hình thức đa dạng như vận động việc học tập của người lớn, hỗ trợ học sinh khó khăn đến trường, tham gia cùng với ngành giáo dục và đào tạo thực hiện tốt đánh giá thực tiễn và chất lượng giáo dục, cùng bàn giải pháp đổi mới, cùng tổ chức một số hoạt động, cùng chăm lo đời sống đội ngũ nhà giáo đương chức và nghỉ hưu; phối hợp với các tổ chức, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng…

Tôi ấn tượng là hội khuyến học các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể tổ chức tốt các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, các lớp học nghề, lớp học về bổ túc văn hóa… ở các trung tâm học tập cộng đồng. Hoạt động đáp ứng yêu cầu “cần gì học nấy” của người dân…

Khó khăn hiện nay là kinh phí hoạt động ở các trung tâm học tập cộng đồng vẫn còn hạn hẹp, bà có ý kiến gì về vấn đề này, thưa bà ?

- Việc phát huy hiệu quả của các trung tâm học tập cộng đồng là giải pháp căn cơ nhất để xây dựng thành công xã hội học tập. Theo tôi thì địa phương cần xây dựng tốt hơn quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Giáo dục và Đào tạo để nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn.

Hội Khuyến học tỉnh cần khảo sát và có những đề xuất với lãnh đạo địa phương để nghiên cứu mức khoán kinh phí phù hợp theo tình hình thực tế hiện nay. Phải chọn lựa giáo viên giảng dạy có nhiều kinh nghiệm để có thể giảng dạy phù hợp theo từng đối tượng người học, đa dạng, mới lạ hình thức học tập, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy, tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, các lớp đào tạo nghề… cũng là một cách làm hay.

Thưa bà, đâu là giải pháp trọng tâm để Hậu Giang tập trung xây dựng thành công xã hội học tập ?

- Hậu Giang phải tập trung nâng cao tầm quan trọng của các trung tâm học tập cộng đồng. Khi nào chúng ta đầu tư đúng mức cho các trung tâm học tập cộng đồng, khi chúng ta đã có bản cam kết phát triển trung tâm thì khi đó mới xây dựng và phát triển được cộng đồng học tập. Mà xây dựng thành công cộng đồng học tập sẽ xây dựng thành công xã hội học tập. Bởi cộng đồng học tập là thành tố hạt nhân của xã hội học tập. Để có được các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và cộng đồng cấp xã học tập thì trước hết phải có những công dân học tập. Trong một gia đình, những thành viên nào không là công dân học tập thì gia đình đó không đạt được tiêu chí gia đình học tập. Cũng như vậy, một cơ quan, doanh nghiệp, trường học… mà người lao động làm việc trong đó không tham gia học tập thì ta không thể có đơn vị học tập. Vì vậy, công dân học tập là yếu tố cơ bản để xây dựng xã hội học tập.

Việc học cần phải ở mọi lúc mọi nơi, học tập phải suốt đời, học với nhiều hình thức để mỗi người chúng ta ngày càng hoàn thiện bản thân. Tỉnh cần tập trung phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu cuộc Cách mạng 4.0.

“Thời gian qua, chúng ta đã đầu tư và quan tâm nhiều cho đối tượng cần học tập là học sinh, sinh viên mà chúng ta quên tập trung nhiều cho đối tượng học tập là người lớn. Vì vậy, tỉnh cần dành nhiều hơn nữa các chính sách, quỹ khuyến học, khuyến tài dành riêng các suất học bổng, chương trình đào tạo nghề ngắn hạn… phù hợp, để nâng cao kiến thức, tạo động lực, điều kiện học tập phù hợp cho đối tượng này”.

 

Xin cảm ơn bà !

CAO OANH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích