Chuẩn bị chu đáo cho năm học mới

06/09/2019 | 08:00 GMT+7

Các trường học trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu vào chương trình học chính thức năm học mới 2019-2020. Bên cạnh những phấn khởi về trường lớp được xây mới, sửa chữa khang trang, ngành giáo dục đang tích cực tháo gỡ những khó khăn về thiếu giáo viên, cơ sở vật chất...

Bổ sung đội ngũ giáo viên, hoàn thiện cơ sở vật chất là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà.

Gom điểm để học sinh có điều kiện học tập tốt

Xóa được điểm phụ, học nhờ tại Trường Tiểu học Vị Trung 1, thuộc ấp 10, xã Vị Trung, gom 7 học sinh về điểm trường chính trong năm học 2019-2020, là niềm vui lớn của Trường Mẫu giáo Vị Trung, huyện Vị Thủy. Bà Đào Thị Mộng Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vị Trung, chia sẻ: “Điểm phụ do học nhờ nên rất khó tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ, điểm học này cũng có rất ít học sinh, nhưng vẫn phải bố trí giáo viên trên lớp nên việc gom học sinh về điểm chính rất thuận tiện trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Học tại điểm chính, trẻ có thêm nhiều điều kiện về sân chơi, bãi tập, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy và học hiện đại… Nhờ làm tốt công tác vận động tuyên truyền nên phụ huynh đều nhiệt tình đưa con đến điểm trường chính để con trẻ học tập trong điều kiện thuận lợi hơn”. Hiện trường chỉ còn 2 điểm: 1 điểm chính tại ấp 11 và 1 điểm phụ thuộc ấp 12. Khó khăn hiện nay của trường là vẫn còn thiếu 1 giáo viên. Trường đang tranh thủ tìm nguồn giáo sinh hợp đồng để đáp ứng đủ tỷ lệ giáo viên trên lớp học trong năm học mới này. Năm học 2019-2020, trường được giao huy động 205 trẻ với 6 nhóm, lớp.

Trong năm học 2018-2019, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Thủy đã tham mưu thực hiện xóa 6 điểm phụ (2 điểm thuộc trường tiểu học: điểm ấp 10, xã Vị Thắng; điểm ấp 2, xã Vĩnh Trung và 4 điểm thuộc trường mầm non, mẫu giáo: điểm ấp 13 và điểm ấp 9, xã Vị Trung; điểm ấp 10, xã Vị Thắng; điểm ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây). Đến tháng 8-2019, đã xóa 2 điểm phụ: 2 điểm phụ thuộc Trường Mầm non Vĩnh Thuận Tây (điểm ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây) và điểm ấp 10 (Trường Mẫu giáo Vị Trung, xã Vị Trung). Toàn huyện Vị Thủy có 46 trường, với 85 điểm trường (trong đó có 39 điểm phụ).

Năm học mới 2019-2020, điểm phụ Vị Hưng, thuộc Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Vị Thanh, đã được gom về điểm chính để học sinh học tập trong điều kiện tốt nhất. Ông Phạm Duy Minh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Việc gom các lớp 2, 3, 4 điểm phụ Vị Hưng về điểm trường chính đã giúp giáo viên giảng dạy tốt hơn, học sinh có điều kiện học tập các môn học thuận lợi hơn nhất là tiếng Anh và tin học. Để thực hiện được việc gom điểm này, năm học 2018-2019, trường đã không thu học sinh vào lớp 1 ở điểm Vị Hưng”.

Năm học mới này, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đã được bàn giao và đưa vào sử dụng 10 phòng học, phòng chức năng mới, đã giúp nhà trường hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất, hướng đến trường đạt chuẩn quốc gia trong năm học 2019-2020. Em Nguyễn Minh Đắc, học sinh lớp 5A3, chia sẻ: “Năm học này, em thấy rất hào hứng khi được học tập trong phòng, lớp mới. Nhìn dãy phòng lớp mới, chúng em thấy thích lắm. Chúng em đang tích cực cùng nhau trang trí lớp học, phấn đấu học thật giỏi để tạo diện mạo đẹp cho ngôi trường trong ngày khai giảng năm học”.

Tranh thủ bổ sung nguồn giáo viên và cơ sở vật chất

Để đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất trong dạy và học, ngành giáo dục huyện Vị Thủy, đã xây mới 15 phòng học và nâng cấp, sửa chữa, bổ sung các trang thiết bị cho 10 phòng chức năng, nâng cấp, sửa chữa một số công trình phụ trợ khác đang bị xuống cấp cho 9 trường, bao gồm: nhà xe, nhà vệ sinh, sân, hàng rào… với tổng kinh phí gần 17,8 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. Ông Phạm Văn Út, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vị Trung 2, cho biết: “Năm học mới này, chúng tôi rất mừng vì được đầu tư xây dựng mới 10 phòng học, nâng cấp, sửa chữa các phòng chức năng, sân, hàng rào, nhà vệ sinh, nhà xe và trang thiết bị… với sự quan tâm đầu tư này sẽ là nền tảng để nhà trường nỗ lực, quyết tâm hơn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, thực hiện mô hình đột phá nhằm khẳng định thương hiệu cho nhà trường”. Tổng mức đầu tư công trình gần 9 tỉ đồng. Đây là công trình rất có ý nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục xã Vị Trung và cũng giúp xã hoàn thành tiêu chí trường học trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Phạm Thanh Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Thủy, cho biết: “Cùng với việc đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Thủy cũng đang tham mưu xin ý kiến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, UBND huyện lấy quy trình bổ nhiệm mới cán bộ quản lý và hợp đồng thêm giáo viên, nhân viên. Chúng tôi đang nỗ lực đảm bảo đủ giáo viên cho năm học mới”. Hiện ngành giáo dục huyện Vị Thủy còn thiếu khoảng 194 giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý… trong đó, cán bộ quản lý 3 người (mầm non 2 người, tiểu học 1 người); giáo viên 117 người (mầm non 78 người, tiểu học 39 người); nhân viên 77 người (mầm non 38 người, tiểu học 33 người, THCS 6 người).

Ông Phạm Công Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Châu Thành A, cho biết: “Lợi thế của nhà trường là được đầu tư cơ sở vật chất, khang trang hiện đại, trường được bố trí cả phòng máy vi tính cho học sinh học tập môn tin học. Điểm khó của trường là còn thiếu 1 giáo viên giảng dạy môn tin học. Chúng tôi đang tìm nguồn giáo sinh và chờ phòng giáo dục và đào tạo phân công người. Năm học 2019-2020, nhà trường sẽ tiến hành giảng dạy tin học cho học sinh các khối lớp”. 

Qua rà soát, năm học 2019-2020, ngành giáo dục và đào tạo có nhu cầu hợp đồng 1.398 giáo viên, nhân viên, trong đó, cấp mầm non, mẫu giáo là 578 giáo viên, 301 nhân viên; tiểu học thiếu 261 giáo viên, 156 nhân viên; THCS thiếu 40 giáo viên và 62 nhân viên.

Tại buổi làm việc với ngành giáo dục và đào tạo mới đây về thực trạng đội ngũ giáo viên trong năm học mới 2019-2020, ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã nhấn mạnh: Thực trạng giáo viên hiện nay đang thừa thiếu cục bộ. Những nơi đang thừa giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo phải tính toán lại để đảm bảo không còn tình trạng thừa. Riêng về tình trạng thiếu giáo viên, các địa phương phải dựa vào vị trí việc làm đã được phê duyệt xác định lại số lượng thiếu cụ thể, để xem xét bổ sung kịp thời. Việc thực hiện hợp đồng giữa các địa phương cần có sự thống nhất chung trong cách làm, thời gian hợp đồng giáo viên…

Năm học mới đã bắt đầu, ngành giáo dục và đào tạo cần chủ động, rà soát thực hiện tốt các điều kiện về nâng cấp sửa chữa trường lớp, công tác tuyển sinh, quan tâm các lớp đầu cấp, vận động quà hỗ trợ học sinh nghèo… phải đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho công tác dạy và học, để làm nền tảng cho một năm học mới chất lượng.

Dự kiến sẽ gom 25 điểm phụ, sáp nhập 12 trường tiểu học

Toàn tỉnh hiện có 332 trường (giảm 4 trường so với cùng kỳ). Trong đó, mầm non, mẫu giáo có 84 trường, tiểu học có 163 trường, THCS có 62 trường, 23 trường THPT. Toàn ngành có tổng số 10.085 người với 803 cán bộ quản lý, 9.282 chuyên viên, giáo viên và nhân viên trực thuộc các cấp học. Năm học 2019-2020, dự kiến sẽ gom 25 điểm phụ (mầm non, mẫu giáo 13 điểm phụ, tiểu học 12 điểm phụ), sáp nhập 12 trường tiểu học (giảm 6 trường). Ngành giáo dục và đào tạo đã thực hiện sáp nhập 8 trường tiểu học và đang thực hiện quy trình sáp nhập 4 trường còn lại theo kế hoạch.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>