Chủ động thực hiện xã hội học tập

20/03/2019 | 07:46 GMT+7

Xây dựng xã hội học tập là một trong những giải pháp chiến lược giúp nâng chất nguồn nhân lực và mặt bằng dân trí, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Lư Văn Sang, ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, luôn quan tâm đến việc học tập của con cháu.

Nhà nhà, người người học tập

Vui mừng khi gia đình mình vừa được UBND tỉnh trao tặng bằng khen gia đình có mô hình học tập tiêu biểu từ năm 2016-2018, ông Trần Văn Kiệt, ở ấp Trường Hiệp A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Nhà làm nông nên tôi ý thức được giá trị của việc học tập để con cháu sau này có tương lai sáng. Chứ như cha mẹ, tối ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời thì biết bao giờ con cháu mình mới bằng chị, bằng anh”. Gia đình ông Kiệt có 24 thành viên, với 14 con dâu, con rể và 8 cháu nội, ngoại. Hiện tại, các người con của ông đều có công việc ổn định và thu nhập khá. Trong đó, ông có 2 người con đang học cao học, 1 người con đã tốt nghiệp đại học, 1 đang học đại học, 8 cháu nội, ngoại đều ngoan hiền, hiếu thảo, học giỏi. Từ 7 công ruộng cha mẹ cho khi mới ra riêng bằng sự nỗ lực, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhờ những buổi tập huấn tại ấp, xã vào trong nuôi trồng đến nay gia đình ông đã mua thêm được 5 công ruộng. Nhiều năm liền, gia đình ông được công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu, nông dân sản xuất giỏi.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Xây dựng xã hội học tập đòi hỏi sự học tập phải thường xuyên, liên tục, suốt đời. Vì thế khi mỗi gia đình học tập sẽ là cái nôi vững chắc nuôi dưỡng con cái trưởng thành, vươn lên làm chủ tri thức… Chủ động học tập không chỉ tự trang bị kiến thức cho bản thân mà còn là chìa khóa vàng để mỗi gia đình nâng chất lượng cuộc sống”. Được biết, bằng sự quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện mà nhiều năm qua, Hội Khuyến học huyện Châu Thành A đã phối hợp với các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trao hàng ngàn suất học bổng, nhiều em học sinh nghèo khó khăn đã yên tâm đến trường.

Kết quả khả quan

Giai đoạn 2014-2015, tỉnh đã chọn 8 xã gồm: xã Phú An (huyện Châu Thành), thị trấn Bảy Ngàn, thị trấn Rạch Gòi (huyện Châu Thành A), xã Tân Thành (thị xã Ngã Bảy), xã Thạnh Hòa (huyện Phụng Hiệp), xã Vị Đông (huyện Vị Thủy), xã Vĩnh Viễn và Thuận Hưng (huyện Long Mỹ) thực hiện thí điểm Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Từ những hiệu quả của phong trào mang lại, đến năm 2016 tỉnh đã tiến hành nhân rộng đề án, thực hiện đại trà ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Ông Bùi Văn Liễm, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: “Lợi thế của đề án là được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, đoàn thể, mặt trận các cấp nên đề án sau 3 năm triển khai đại trà đã mang lại hiệu quả tích cực. Tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập. Điểm quan trọng là từ những gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập đã tạo nên sự chuyển biến rõ nét trong ý thức, chủ động học tập của mọi người”.

Ông Lư Văn Sang, 66 tuổi, ở khu vực 4, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, bộc bạch: “Lúc trước nhà tôi nghèo nên con gái lớn phải nghỉ học cùng cha mẹ làm ruộng. Mỗi khi thấy con vất vả tôi lại thấy mình chưa làm tròn nghĩa vụ làm cha. Từ đó, tôi quyết chí với lòng, dù nghèo, dù bán hết ruộng đất, dù khó khăn hơn nữa cũng phải lo cho 4 đứa con còn lại học đến nơi đến chốn. Bởi vì, chỉ có học các con mới thay đổi được cuộc sống”. Thấu hiểu những lo lắng, những hy sinh của cha mẹ nên 4 người con đều học rất giỏi và lần lượt thi đậu và tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ. Anh Lư Trọng Bảo, con trai út của ông Sang, chia sẻ: “Cha mẹ luôn là tấm gương sáng để chúng tôi học theo và cố gắng sống tốt hơn dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Sau 3 năm thưc hiện đề án (từ năm 2016-2018), đến nay toàn tỉnh có 98.375 gia đình đạt gia đình học tập, đạt 55,1% đã tăng hơn 63.310 gia đình so với năm 2016), 368 dòng họ học tập, đạt 53,26% (tăng 128 dòng họ học tập so với năm 2016); 480 cộng đồng học tập, đạt hơn 89% ấp, khu vực (tăng 338 cộng đồng học tập so với năm 2016) và 302 đơn vị học tập, đạt 66,52% (tăng 140 đơn vị học tập so với năm 2016). 3 năm qua, hội khuyến học các cấp đã tổ chức và phối hợp với các ban, ngành thực hiện 92 cuộc hội nghị triển khai, tập huấn, hướng dẫn với trên 2.500 cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở tham gia. 76/76 trung tâm văn hóa, học tập cộng đồng đã mở được hơn 15.700 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nuôi trồng cây, con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phương pháp nghiên cứu học tập, mở lớp học tình thương… với hơn 420.760 người tham gia học tập...

Xây dựng xã hội học tập là mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước đang được Nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng. Hiệu quả mang lại của đề án sau 3 năm, là đã tạo điều kiện, cơ hội để Nhân dân trên địa bàn được học tập thường xuyên, liên tục, nâng cao dân trí, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Để mọi người dân học tập với nhiều hình thức

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Xây dựng xã hội học tập là phải làm sao tất cả mọi người dân cùng tham gia. Để thực hiện tốt mục tiêu đó, cần tiếp tục kiện toàn lại Ban chỉ đạo đề án các cấp, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là nâng cao vai trò hội khuyến học trong công tác vận động, tuyên truyền mọi người tham gia học tập suốt đời; có giải pháp để cán bộ, công chức tự học để nâng cao trình độ ngoại ngữ… Đặc biệt, phải phát huy hiệu quả hoạt động của các  trung tâm văn hóa, học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn để đáp ứng tốt nhu cầu “cần gì học nấy” của Nhân dân…

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>