Bảo vệ môi trường trong trường học

17/03/2020 | 08:23 GMT+7

Với phương châm “Nói không với rác thải nhựa”, các trường học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình, giải pháp hiệu quả nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong giáo viên, học sinh.

Học sinh Trường THCS Trường Long A, huyện Châu Thành A, thu gom rác thải nhựa trong trường học.

Nhiều mô hình hay, hiệu quả

Mô hình “Cho xin chai” của Trường THPT Tân Phú, thị xã Long Mỹ, với thiết kế 2 chiếc bình, mỗi chiếc cao hơn 1,5m, được gắn kết từ những chai nhựa đã qua sử dụng, gây ấn tượng mạnh với mọi người. Mô hình được thực hiện từ năm học 2018-2019, để thay thế thùng rác lớn đặt tại sân trường. Những chai nhựa sau 1 tuần sẽ được lấy ra gom lại để bán phế liệu, kinh phí góp vào phong trào kế hoạch nhỏ của Đoàn thanh niên trường. Em Nguyễn Vũ Nhật Quang, học sinh lớp 11A2, chia sẻ: “Em thấy đó là một mô hình rất hay và hiệu quả. Làm đẹp cho trường em với thiết kế 2 chiếc bình bắt mắt, nâng cao ý thức học sinh trong bảo vệ môi trường. Cũng từ cách làm mới này, đã giúp em nảy sinh ra ý tưởng thực hiện dự án “Nói không với chất thải nhựa trong lớp học và trên sân trường, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của học sinh Trường THPT Tân Phú”. Dự án đã xuất sắc đạt được giải 3 trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2019-2020”.

Ông Võ Văn Sol, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phú, cho biết: “Để bảo vệ môi trường cũng như thay đổi ý thức, hành động của giáo viên, học sinh trong việc sử dụng các sản phẩm thân thiện trong cuộc sống, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa với môi trường”.

Với đội ngũ giáo viên, nhà trường đề nghị không sử dụng chai nhựa dùng một lần để đựng nước, tuyên truyền, khuyến khích giáo viên, học sinh mang bình đựng nước cá nhân đến trường, hạn chế tối đa việc mang chai nước, ly nhựa dùng một lần vào trường.

Trường THCS Trường Long A, huyện Châu Thành A, cũng đang duy trì thực hiện mô hình 5T: “Tuyên truyền, thu gom, tái chế, tiết kiệm, tươi tốt”, đã phát huy hiệu quả tích cực trong giáo dục ý thức thực hành tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Ông Đỗ Hồng Mến, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Những năm trước, học sinh trong trường có thói quen xả rác mọi nơi mặc dù đã được thầy cô nhắc nhở nhiều lần. Giờ ra chơi, các em thường ăn quà vặt, có em ăn và vứt rác ngay khuôn viên trường… Tuy nhiên, từ khi thực hiện mô hình 5T, ý thức của các em nâng lên, học sinh đã bỏ rác đúng nơi quy định”.

Thực hiện mô hình này, nhà trường đã bố trí 4 thùng rác tái chế (chai nhựa, giấy, ly uống nước...) và 4 thùng rác không tái chế (bọc ni-lông, lá cây...) có nắp đậy lớn để học sinh cho vào thùng. Nhà trường còn lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các môn học phù hợp để nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường trong học sinh.

Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường

Ở Trường Mầm non Sen Hồng, thành phố Vị Thanh, các loại vỏ chai nhựa, giấy báo, bút hết mực, vỏ hộp sữa… được các cô giáo tận dụng làm vật liệu tái chế tạo hình các con vật, đồ chơi cho trẻ, cũng như các đồ trang trí cho lớp học. Cô Nguyễn Thị Thanh Hanh, giáo viên của trường, bộc bạch: “Chúng tôi cố gắng tận dụng để vừa tạo ra sản phẩm bảo vệ môi trường, vừa là cơ hội để cô và trò sáng tạo, thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ, tạo nên sự đa dạng, sinh động về đồ dùng, đồ chơi, đây cũng là nét độc đáo riêng của mỗi lớp học. Việc tận dụng nguyên vật liệu phế thải tạo môi trường, nguyên vật liệu mở cho trẻ hoạt động tích cực”.

Nhờ thực hiện tuyên truyền sâu rộng về bảo vệ môi trường, ý thức của giáo viên, học sinh về tác hại của rác thải nhựa được nâng cao. Với việc bố trí 3 sọt rác cuối mỗi góc lớp, tận dụng chai nhựa làm các vườn hoa di động để học sinh ngắm nhìn của Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông 2, huyện Long Mỹ, là một minh chứng cho điều nói trên. Ông Nguyễn Văn Núi, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Trẻ em mà có ý thức bảo vệ môi trường sẽ là một tuyên truyền viên rất tốt tại mỗi gia đình, xóm ấp, điều quan trọng là làm thế nào để tận dụng rác thải hiệu quả. Quan trọng hơn nữa là rèn cho các em các kỹ năng sống tiết kiệm, biết bảo vệ môi trường, để góp phần định hình lối sống lành mạnh”.

Để hạn chế rác thải nhựa, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đưa nội dung tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức nguy cơ ô nhiễm nhựa vào chương trình giáo dục học đường một cách phù hợp. Giáo viên soạn bài và dạy học theo hướng lồng ghép, tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường “Nói không với rác thải nhựa” trong môn học. Xây dựng các chủ đề dạy học về bảo vệ tài nguyên. Thường xuyên tổ chức các chuyên đề ngoại khóa về giáo dục bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình thu gom và phân loại rác thải trong trường học. Thu gom các sản phẩm từ chai nhựa, chai thủy tinh, hộp lon kim loại, giấy vụn, sách báo đã qua sử dụng, để tái sử dụng hoặc bán phế liệu. Các trường còn thường xuyên tổ chức các đợt ra quân vệ sinh, dọn dẹp rác thải trong nhà trường, địa bàn dân cư…

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>