Phát hiện bệnh lao chủ động: Nhiều lợi ích cho cộng đồng và người bệnh

23/03/2018 | 08:16 GMT+7

Hàng loạt lợi ích khi phát hiện sớm bệnh lao ở cộng đồng đã được khẳng định, không chỉ giảm lây lan mà còn giúp việc điều trị hiệu quả hơn, giảm di chứng cho bệnh nhân và giảm gánh nặng cho cộng đồng. Kết quả này cũng là góp phần quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, với những chỉ tiêu liên quan đến y tế.

Phát hiện sớm bệnh nhân lao ở cộng đồng là giải pháp hiệu quả giảm tỷ lệ mắc lao/100.000 dân.

Trên 1.300 bệnh nhân được phát hiện bệnh lao

Bệnh lao hiện nay vẫn là bệnh bị kỳ thị, chính vì vậy mà nhiều trường hợp người mắc bệnh lao che giấu căn bệnh của mình. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh lây lan nhiều hơn do không thể biết để phòng tránh. Bên cạnh đó, theo nhận định của những người làm công tác chống lao, ước khoảng 20% bệnh nhân lao chưa được phát hiện ở cộng đồng, thực trạng này khiến nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng cũng rất cao. Khám, tầm soát bệnh chủ động là giải pháp hiệu quả để giảm nguy cơ lây lan bệnh lao trong cộng đồng đã được ngành y tế quan tâm thực hiện thời gian qua. Ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, cho biết: “Nhờ tổ chức tầm soát bệnh chủ động, năm 2017 số trường hợp mắc lao mới tăng hơn năm 2016. Toàn tỉnh phát hiện 1.335 bệnh nhân mắc lao đạt 120% chỉ tiêu năm và tăng trên 15% so với năm 2016. Tỷ lệ bệnh nhân lao của tỉnh tăng lên 160 người mắc/100.000 dân, năm trước chỉ là 145 người mắc/100.000 dân”. Những bệnh nhân mới phát hiện đã được chữa trị, giảm nhiều nguy cơ lây cho người khác. Nếu một bệnh nhân mắc lao chưa phát hiện ở cộng đồng thì nguy cơ có thể lây cho 10-15 người khác trong một năm.

Không chỉ là phát hiện và chữa bệnh lao, hoạt động tầm soát lao chủ động đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh này, từ cách triệu chứng đến cách phòng tránh lây bệnh. Ông Huỳnh Bá Lực, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Năm 2017, huyện tổ chức các đợt tầm soát bệnh lao ở cộng đồng hầu như giáp hết các xã, thị trấn. Công tác tuyên truyền vừa có chiều sâu và rộng. Qua việc tầm soát những người nguy cơ mắc bệnh được lưu ý, hướng dẫn và sau này người dân đã tự mình đi khám, tầm soát bệnh chủ động hơn”. Đây là hoạt động được ông Lực cho rằng đem lại hiệu quả tốt trong phát hiện sớm bệnh lao ở cộng đồng.

Mạng lưới làm công tác phòng, chống lao của tỉnh đã bao phủ đến tận xã, phường, thị trấn nhờ vậy bệnh nhân lao được chăm sóc, hỗ trợ điều trị ở cơ sở y tế gần nhất là trạm y tế. Ông Trần Quốc Tùng, cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống lao, Trạm Y tế xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Bệnh nhân lao được điều trị tại cộng đồng, hàng tuần đến trạm y tế để lấy thuốc. Hiện nay, bệnh nhân được điều trị bệnh theo phác đồ 6 tháng, trạm phụ trách phát thuốc và tư vấn, hỗ trợ trong thời gian bệnh nhân chữa trị. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, đặc biệt là những người thân và người dân xung quanh nơi ở của người mắc bệnh lao cũng được quan tâm nhằm giúp họ phát hiện bệnh sớm nếu có”.

Nỗ lực đạt tỷ lệ 131 người mắc lao/100.000 dân

Đây là mục tiêu được ngành y tế tỉnh đề ra và quyết tâm thực hiện đạt ở năm 2020. Theo đó, nhiều giải pháp cũng được đề ra để tiến tới mục tiêu này. Ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, cho biết thêm: “Các hoạt động tuyên truyền, tầm soát phát hiện bệnh chủ động sẽ được tiếp tục duy trì bên cạnh đẩy mạnh các giải pháp khác như tăng cường hiệu quả phối hợp y tế công - tư trong phòng, chống lao. Phối hợp khoa nhi các bệnh viện để phát hiện lao trẻ em. Song song đó, sẽ triển khai thực hiện các kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh, như: Hệ thống cấy lao nhanh xác định lao kháng thuốc; hệ thống sinh học phân tử xác định các thể lao ngoài phổi; hệ thống cấy lao kháng sinh đồ; kỹ thuật kính hiển vi Huỳnh Quang;… nhằm chẩn đoán nhanh và chính xác các trường hợp mắc bệnh lao”. Mới đây, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh đã điều tra dịch tễ lao ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, với 1.078 người được khám bệnh, góp phần đánh giá dịch tễ lao ở địa phương. Đây sẽ là những tiền đề thuận lợi để tỉnh đạt các mục tiêu chương trình chống lao đến năm 2020.

Ông Trương Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết: “Thực tế qua nhiều năm truyền thông phòng, chống bệnh lao nhận thức người dân đã được nâng lên đáng kể, tuy nhiên, công tác phòng, chống bệnh lao trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Việt Nam có tỷ lệ mắc lao cao và phải chịu gánh nặng bệnh lao kháng thuốc. Thách thức đồng nhiễm lao và HIV/AIDS, lao kháng thuốc, lao trẻ em và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác này còn chưa tương xứng. Cán bộ công tác trong chương trình này chịu thiệt thòi phải đối diện với nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp, khả năng phơi nhiễm với vi trùng lao cao, có nguy cơ lây nhiễm cho gia đình. Đây là những vấn đề đặt ra cần sự cam kết mạnh mẽ của các cấp chính quyền và sự nỗ lực của cán bộ chống lao nhiều hơn nữa”. Cũng theo ông Khanh, hoạt động phòng, chống lao đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, đầu tư trang thiết bị hiện đại và hiện đang đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất. Đây là điều kiện quan trọng để hoàn thành tốt công tác này trong thời gian tới.

Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao của tỉnh hiện nay rất khả quan luôn trên 90% đối với những bệnh nhân lao thường, còn bệnh nhân lao kháng thuốc bước đầu tỷ lệ điều trị khỏi đạt trên 80%. Trong những năm tới, công tác phòng, chống lao sẽ khả quan hơn, theo ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh: “Dự kiến sẽ triển khai thuốc điều trị mới, có vắc-xin mới, phác đồ điều trị thời gian sẽ ngắn hơn”. Đây là những tín hiệu vui cho những bệnh nhân lao.

Góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh

Những kết quả và định hướng trong công tác điều trị, phòng chống bệnh lao trong cộng đồng kể trên cũng là một trong những nỗ lực của ngành y tế Hậu Giang trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII là: “… Nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế gắn với rèn luyện, nâng cao y đức; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh…”.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>