Nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông - thủy lợi

20/04/2018 | 09:29 GMT+7

Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nhiệm vụ được tỉnh quan tâm thực hiện qua nhiều năm qua.

Hệ thống hạ tầng giao thông ở Hậu Giang đang được đầu tư ngày càng hoàn thiện.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, trong những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải rất quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Hậu Giang. Nhiều dự án trọng điểm đi qua địa bàn tỉnh mang tính kết nối giao thương, phát triển liên vùng như Quốc lộ 61, Quốc lộ 61B, Quốc lộ 61C, Quốc lộ Nam Sông Hậu..., cùng với nhiều tuyến tỉnh lộ kết nối các huyện, thị xã, thành phố. Tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, hiện nay Hậu Giang tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn với các dự án sắp triển khai như Đường tỉnh 931, Đường tỉnh 927C. Trong đó, dự án Đường tỉnh 927C được xem là dự án giao thông trọng điểm, hứa hẹn sau khi hoàn thành sẽ giúp phát huy tối đa tiềm năng khu vực Châu Thành - Ngã Bảy. Đồng thời, góp phần kết nối giao thông tỉnh Hậu Giang với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, thành phố Cần Thơ… thông qua tuyến Quốc lộ 1A, tuyến Quản lộ Phụng Hiệp và Nam Sông Hậu. Góp phần quan trọng trong mục tiêu hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Điển hình là Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây xanh mà Hậu Giang thực hiện từ nhiều năm nay đã tạo được chuyển biến rõ nét ở vùng nông thôn. Nhiều con đường mới được mở ra, diện mạo thôn quê khởi sắc, thôn xóm liền lạc, đời sống dân sinh được nâng lên… Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây xanh hàng năm nhận được sự ủng hộ rất cao từ người dân, bởi hiệu quả mang lại. Trong điều kiện kinh phí khó khăn, công tác xã hội hóa trong phong trào xây dựng giao thông nông thôn được phát huy, để từ đó nhiều công trình dân sinh được xây dựng phục vụ lợi ích cộng đồng. Đặc biệt là phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” cũng được thực hiện dựa trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện của người dân. Các công trình trong chiến dịch giao thông, thủy lợi hàng năm còn mang ý nghĩa là kết tinh của sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và người dân cùng hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh phát triển.

Đầu năm 2018, tuyến đường kênh Tây, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, đưa vào sử dụng với mặt cứng phẳng phiu rộng thoáng, hai bên đường người dân bắt đầu trồng hoa để tạo cảnh quan. Bà Nguyễn Thị Phi, ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, cho hay: “Ngày trước, khi vào mùa mưa ai cũng rầu. Bọn trẻ trong xóm không đi ra đầu tuyến được nên phải đưa sang bên kia sông rồi men theo con lộ bê tông bên đó đến trường. Sau bao năm mong đợi, rồi khi thấy chính quyền địa phương vận động Nhân dân cùng tham gia xây lộ, nhà tôi ủng hộ hết mình, xóm này ai cũng phấn khởi và đồng tình cao”.

Ngoài lĩnh vực giao thông, các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh được thực hiện. Trong đó, phải kể đến công trình trọng điểm mang dấu ấn của tỉnh trong năm qua  là Trung tâm hội nghị tỉnh Hậu Giang. Công trình này hoàn thành kịp thời phục vụ sự kiện lớn của tỉnh là Hội nghị Xúc tiến đầu tư Hậu Giang 2017 diễn ra thành công tốt đẹp. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sự phát triển trên lĩnh vực nông nghiệp cũng được tỉnh quan tâm đầu tư. Nhiều công trình cống, đập, đê, kè được triển khai bảo vệ diện tích canh tác của nông dân trước tác động biến đổi khí hậu, mà cụ thể là xâm nhập mặn hàng năm. Một số dự án đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua như: Hệ thống đê bao chống lũ phía Bắc Xà No, đê bao ngăn mặn Nam Xà No; đê bao Long Mỹ - Vị Thanh; đê bao sông Cái Lớn từ Hóc Hỏa đến kênh Năm; hệ thống cống nội đồng xã Hỏa Tiến, xã Tân Tiến và xã Vị Tân… Ngoài ra, còn có nhiều công trình cống, đập, nạo vét kênh trữ nước do các huyện, thị xã, thành phố đầu tư phục vụ sản xuất của người dân.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, nhận định: Hệ thống cống ngăn mặn do tỉnh đầu tư trong thời gian qua đa số phục vụ kịp thời cho công tác ngăn mặn. Trong đó, có nhiều dạng cống cải tiến rất tốt như cống Hóc Hỏa, cống Hậu Giang 3 ứng dụng khoa học kỹ thuật rất tốt, đóng mở nhanh… bảo vệ sản xuất trước mùa hạn mặn.

Với sự nỗ lực, quan tâm đầu tư, hệ thống cơ sở hạ tầng đã phục vụ tốt đời sống Nhân dân, góp phần khơi thông tiềm năng phát triển của tỉnh Hậu Giang. Cơ sở hạ tầng trên các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, dân dụng và công nghiệp được đầu tư ngày càng hoàn thiện còn là lợi thế cho tỉnh trong thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, UBND tỉnh cũng đã xây dựng Chương trình Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Theo đó, sẽ huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn làm động lực cho phát triển kinh tế với tốc độ hợp lý, bền vững, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 

Bài, ảnh: NGUYÊN ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>