Ngành văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phát triển khá đồng đều các lĩnh vực

01/12/2017 | 09:31 GMT+7

Đánh giá sau gần nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ, ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết, ngành đã thực hiện tốt, phân kỳ thực hiện các chỉ tiêu đề ra, vượt và đạt kế hoạch, động thái rõ nhất là ở lĩnh vực du lịch.

Những điểm nhấn

Hậu Giang hiện có 13/22 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 25/54 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, trên 90% gia đình đạt chuẩn văn hóa. Những năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã có nhiều động thái tích cực, từng bước đi sâu vào đời sống người dân, được dân đồng tình ủng hộ. Từ đó, các mô hình được phát động như Mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu… được nhân rộng, tạo nên sự thay đổi ngoạn mục về cảnh quan môi trường, góp phần tích cực nâng cao nhận thức của người dân lên một bước mới, hướng đến văn minh, hiện đại. Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào, cho biết, đang suy nghĩ một mô hình mới, thiết thực với người dân để cùng dân thực hiện, tạo điểm nhấn mới, tiếp tục nâng cao ý thức của cộng đồng.

Du lịch sinh thái miệt vườn ở Hậu Giang bắt đầu tạo dấu ấn…

Cùng với sự phát triển có trọng tâm, trọng điểm của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, lĩnh vực tuyên truyền cổ động, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách qua hội thi, hội diễn và hệ thống thư viện công cộng cũng được chú trọng. Từ đó, những chủ trương, chính sách mới nhanh chóng đến gần với người dân, tạo mọi điều kiện để văn hóa đọc từng bước phát triển sâu rộng đến người dân. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này luôn được học tập để trau dồi nghiệp vụ, năng lực tuyên truyền để đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật cũng có nhiều thành tựu. Hàng năm, Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh phục vụ nhân dân trong tỉnh gần 100 buổi, xây dựng một chương trình nghệ thuật lớn, đầu tư từ 300-400 triệu đồng và đội ngũ diễn viên, cộng tác viên luôn được tạo điều kiện cọ xát thực tế, học tập chuyên môn để nâng cao trình độ, đảm bảo tính chuyên nghiệp… Trong lĩnh vực này, phải kể đến những sự kiện khu vực được tổ chức thành công ở Hậu Giang, mang lại những dấu ấn trong văn hóa, văn nghệ, điển hình như Liên hoan Âm nhạc khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII - đồng bằng sông Cửu Long lần thứ XXII năm 2017, nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn.

Chuyển biến thuyết phục của du lịch

Có thể nói, từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, du lịch để lại dấu ấn trong ngành, bởi những chuyển biến thuyết phục. Sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự tận tâm của những người làm ở lĩnh vực này đang từng bước khoác lên mình du lịch một chiếc áo mới, tươi sáng hơn. Năm 2014, Tỉnh ủy Hậu Giang có Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển du lịch Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Từ nghị quyết này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện, các huyện, thị, thành phố đang từng bước xây dựng đề án phát triển du lịch… Bức tranh du lịch trở nên rõ ràng hơn, khi cơ sở hạ tầng du lịch được định hình.

Các điểm đến cũng được xây dựng tạo thành những tua riêng. Ngành du lịch đã đào sâu nghiên cứu, tìm kiếm sản phẩm du lịch để xây dựng sản phẩm du lịch, bằng nhiều hình thức làm đề tài nghiên cứu khoa học về xây dựng điểm du lịch cộng đồng, trang bị kiến thức, tổ chức cho người dân vùng quy hoạch du lịch cộng đồng đi học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh trong khu vực như Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp…

Giờ, du lịch Hậu Giang đã bắt đầu có những chuyển động tích cực, một số tua tuyến chính dần định hình và sắp tới đây, sẽ có thêm điểm du lịch tâm linh là Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang đang được khẩn trương xây dựng. Một số doanh nghiệp du lịch cũng đã và đang đầu tư như Khu du lịch sinh thái rừng tràm Việc - Úc, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu - Hậu Giang… Hậu Giang cũng đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án du lịch: Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Hồ Đại Hàn, di tích Tầm Vu… Cùng với đó, dự án khôi phục Chợ nổi Ngã Bảy đang được thực hiện, các sản phẩm du lịch cộng đồng cũng đang bắt đầu thu hút du khách. Hậu Giang vẫn đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù… Tất cả đều hướng đến mục tiêu thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra và đã có kế hoạch phân kỳ thực hiện cụ thể…

***

Dù được đánh giá là thực hiện khá tốt, đạt và vượt các chỉ tiêu trong Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, cũng như của ngành văn hóa, thể thao và du lịch đề ra, nhưng ở một góc độ nào đó, ngành còn vướng mắc khó khăn về kinh phí. Ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ, ngành xây dựng và trình phê duyệt 7 đề án ở các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình với tổng kinh phí khoảng 46 tỉ đồng, nhưng vẫn chưa thể triển khai vì không được phê duyệt kinh phí kèm theo. Ngành sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị có liên quan để có hướng giải quyết, để các đề án được thực hiện đúng kế hoạch, góp phần vào thành tựu chung của ngành trong việc thực Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nói chung, của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói riêng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, góp phần tạo nên thành tựu chung của tỉnh.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>