Khởi bước cho nhân tài

11/11/2016 | 05:37 GMT+7

Số sinh viên/10.000 dân của Hậu Giang ngày một được nâng lên, khi nhiều học sinh được bước chân vào giảng đường đại học. Con số này càng cao thì hành trình nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài của tỉnh càng hiệu quả hơn.

Nâng cao chất lượng giảng dạy là một giải pháp để nâng tỷ lệ sinh viên/10.000 dân. (Ảnh chụp tại Trường THPT chuyên Vị Thanh).

Chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, đến năm 2020 Hậu Giang sẽ có 200 sinh viên/10.000 dân gắn với nhiều cách làm, giải pháp để biến nó thành hiện thực.

Chuyện từ “Xóm đại học”…

Nhiều người kể lại, vào những năm 1995-2000, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, lo miếng ăn đã khó nói chi là việc cho con em được học hành đến nơi đến chốn. Nhà có con học hết lớp 9 đã quý, còn có con, em đậu đại học, cao đẳng được xem là “chuyện xưa nay hiếm”, nhất là ở các xã vùng sâu vùng xa như xã Lương Tâm, xã Lương Nghĩa của huyện Long Mỹ. Thế nhưng, bằng tình yêu của bậc làm cha mẹ, với quyết tâm mang đến một tương lai tươi sáng cho con em sau này bằng chính con đường học vấn mà cái danh “Xóm đại học” ở ấp 5, xã Lương Tâm được biết đến.

Là một trong những người được trưởng thành và có công việc ổn định từ “Xóm đại học”, thầy Phan Quốc Huy, giáo viên dạy môn vật lý của Trường THPT Tây Đô, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Gia đình tôi có đến bảy anh chị em, lúc đó, hoàn cảnh khó khăn lắm, nhà chỉ có vài công ruộng nên các anh chị phải cùng với cha mẹ đi làm thuê làm mướn, bắt ốc, mò cua với cha mẹ để lo cơm áo hàng ngày. Dù khó khăn, nhưng cha mẹ luôn muốn chúng tôi được đi học. Thấu hiểu những lo lắng của cha mẹ, nên tôi quyết tâm phải học giỏi, thi đậu đại học”. Thầy Huy tốt nghiệp ngành sư phạm vật lý, Trường Đại học Cần Thơ vào năm 2006, cũng năm đó, thầy được nhận về công tác tại trường. Ở Trường THPT Tây Đô, có hai giáo viên đều xuất thân từ “Xóm đại học” và cả hai đều là những giáo viên giỏi, nhiệt huyết với nghề, nỗ lực chăm lo cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Xóm đại học ở ấp 5 là một niềm tự hào của bà con nơi đây. Ông Lê Văn Hiện, ở ấp 4, xã Lương Tâm, bộc bạch: “Thấy các gia đình có con em ăn học thành tài, có việc làm ổn định, tôi vui mừng lắm, đó luôn là tấm gương để tôi khuyên dạy con cháu mình cố gắng vượt khó để học giỏi, bây giờ không học biết làm gì đây”.

Đến nhiều mô hình khuyến học

Bây giờ, không chỉ có gia đình chăm lo cho con em mình ăn học, mà cả cộng đồng, xã hội đã và đang góp sức mình để vun bồi cho những ước mơ về một tương lai tốt đẹp bằng con đường học vấn. Từ mô hình “Mỗi thầy, cô giáo nhận đỡ đầu một học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học”, mô hình “Cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp đỡ đầu trường học”, mô hình 1+1, 1+n của hội khuyến học (một cá nhân nhận đỡ đầu 1 học sinh nghèo, hoặc nhiều học sinh nghèo)… đã giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vững bước đến trường. Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Hiệu trưởng Trường THPT Tầm Vu, huyện Châu Thành A, cho biết: “Nhà trường rất biết ơn các nhà hảo tâm, mạnh thường quân và nhất là các cựu học sinh của trường đã quan tâm hỗ trợ cho các em học sinh nghèo thời gian qua. Nếu không có sự quan tâm kịp thời đó, chắc các em học sinh khó khăn của trường không thể bước tiếp vào giảng đường đại học”.

Điển hình sự giúp sức của ông Lê Thanh Phương, cựu học sinh Trường THPT Tầm Vu, nhờ ông nhận đỡ đầu trên 70 học sinh của trường, mà các em được học hành đến nơi đến chốn. Mỗi tháng, các em sẽ được ông Phương hỗ trợ 3 triệu đồng, duy trì đến hết khóa học, để trang trải chi phí học khi đậu vào các trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Để chỉ tiêu thành hiện thực

Cùng với công tác chăm lo học sinh nghèo khó khăn, việc tích cực đầu tư, nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường THPT luôn được đẩy mạnh, để có được lớp học sinh chất lượng, đủ sức bước chân vào giảng đường đại học. Những buổi thao giảng, dự giờ các cuộc hội thảo, hội nghị luôn được tổ chức trên tinh thần đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm.

Là trường có tỷ lệ học sinh đậu nguyện vọng 1 vào các trường đại học cao nhất của tỉnh, với tỷ lệ trên 85%, ông Lưu Văn Lập, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy và học là giải pháp để nhà trường nâng cao chất lượng trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc xây dựng các câu lạc bộ học tập, việc tạo điều kiện để giáo viên được tham quan học hỏi kinh nghiệm của các trường bạn sẽ góp phần nâng chất chất lượng dạy và học của nhà trường”. Em Triệu Hoàng Hồng Đoan, học sinh lớp 12V, Trường THPT chuyên Vị Thanh, tâm sự: “Biết hoàn cảnh gia đình em khó khăn nên những năm học trước, nhà trường đều ưu tiên cho em nhận các suất học bổng để tạo thêm điều kiện để em đến trường. Các thầy, cô đã trích ra một phần kinh phí của mình để giúp cho em và các bạn khó khăn đến trường thông qua mô hình “Vòng tay yêu thương”. Em quyết tâm năm nay mình phải đậu vào ngành sư phạm ngữ văn Trường Đại học Cần Thơ, để sau này có thể dạy học cho các em có hoàn cảnh khó khăn như mình”.Ông Nguyễn Mạnh Cử, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: “Chúng tôi luôn tích cực vận động quỹ để giúp đỡ học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, cùng chung tay với ngành giáo dục trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các cấp hội còn có học bổng đột xuất… kịp thời động viên, hỗ trợ học sinh vươn lên học tốt. Điều đáng mừng là nhiều em trong số đó đã trở thành học sinh, sinh viên xuất sắc, tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định”.

Theo báo cáo từ Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh đã có 154 sinh viên/10.000 dân, về cơ bản đã đạt chỉ tiêu của Nghị quyết phân kỳ thực hiện trong năm 2016 (năm 2016 chỉ tiêu đưa ra là 160/10.000 dân), đạt tỷ lệ 96,25%. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong việc nâng cao tỷ lệ sinh viên/10.000 dân là học sinh vùng sâu, địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội!

Nỗ lực đạt chỉ tiêu đề ra

“Để sớm đạt chỉ tiêu 200 sinh viên/10.000 dân vào năm 2020 theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, quan tâm chăm lo tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được yên tâm đến trường thực hiện ước mơ vươn lên bằng con đường học vấn…”, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nói.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>