Du lịch Hậu Giang - Nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ

16/12/2016 | 09:21 GMT+7

Du lịch Hậu Giang một thời có những dấu ấn riêng, thu hút du khách, nhưng nay không còn được như trước nữa, để dòng chảy du lịch được khơi thông, vẫn còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Đã có một thời “vàng son”…

 Đã có thời kỳ, Hậu Giang nổi tiếng với du khách trong nước và quốc tế về “Chợ nổi trên sông Ngã Bảy”. Đổ ra từ bảy ngã sông, là hình ảnh của nhiều xuồng ghe đầy ắp hoa trái, rau củ và các mặt hàng nông sản tấp nập, hàng bẹo lủng lẳng trước mũi ghe, tiếng rao hàng, trao đổi, ngã giá mua bán sôi nổi trong những buổi sáng tinh sương trên vàm sông Ngã Bảy, tạo nên bức tranh sinh động, khắc họa chân thực cuộc sống nông nghiệp giản dị, thanh bình của nhân dân vùng sông nước… và hàng trăm năm nay, những hình ảnh thân thương đó đã âm thầm, nhẹ nhàng đi vào tâm thức du khách bốn phương, để lại biết bao tình cảm thiết tha, trìu mến, sâu lắng trong lòng du khách phương xa mỗi khi có dịp ghé qua Ngã Bảy.

Mô hình du lịch cộng đồng tại ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy. Ảnh: THU THỦY

Theo thời gian, điều kiện hạ tầng giao thông, kỹ thuật phát triển, thời vàng son của chợ nổi trên sông cũng dần dần không còn, du lịch sông nước thương hồ trên sông Ngã Bảy cũng vì thế dần lui vào quá khứ… 

Trong những năm gần đây, du lịch Hậu Giang gặp rất nhiều hạn chế, khó khăn tạo ra nhiều “nút thắt” gây “nghẽn mạch” trong khai thác, phát triển, từ đó du khách đến Hậu Giang ngày càng ít đi, đặc biệt, trong năm 2015, du lịch Hậu Giang có dấu hiệu “tụt dốc” trên cả hai phương diện là số lượng khách và doanh thu. Thông tin từ Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hậu Giang năm 2015, tổng lượt khách hơn 182.200 người, trước đó, vào năm 2014 tổng lượt khách hơn 293.000 người. Nếu doanh thu năm 2015 chỉ gần 40,5 tỉ đồng, thì năm 2014 là gần 45 tỉ đồng. Trong giai đoạn từ năm 2009-2014, tổng lượt khách (quốc tế và nội địa), cùng với doanh thu đều tăng…

Phát huy tiềm năng du lịch: Nhiều chuyện phải làm !

Chị Thu Hà, ở Thành phố Hồ Chí Minh, có dịp đến với Hậu Giang, đã chia sẻ rằng: “Tôi biết Hậu Giang có nhiều nơi đến, nhiều di tích ấn tượng, nhưng sao thấy còn rời rạc, chưa có sự liên kết các điểm đến này, nên du khách đi một điểm rồi thôi. Với tôi, như vậy uổng quá”.

Đúng như chị Thu Hà nói, việc tổ chức hoạt động khai thác du lịch nặng tính cá nhân, chưa chú trọng đến yêu cầu tham gia, gắn kết của cộng đồng. Hiện nay, các hoạt động tổ chức đón khách, dịch vụ du lịch, quảng bá sản phẩm… vẫn mang tính chất riêng lẻ, rời rạc, chưa có sự tham gia gắn kết, hợp tác giữa các chủ thể tổ chức với nhân dân và chính quyền địa phương.

Du khách khi đến du lịch ở các điểm du lịch Hậu Giang, họ chưa thể có được “không gian du lịch, thiên nhiên du lịch và văn hóa, con người du lịch”…, nói cách khác, du khách rất khó tiếp cận với không gian thiên nhiên trong lành, lý thú; con người văn hóa, hòa nhã, gần gũi; lịch sử - văn hóa hào hùng, đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc của địa phương, là nơi mà du khách và con cái họ được giao lưu, tìm hiểu thêm về văn hóa, lịch sử và con người Hậu Giang, khác hẳn với khói bụi, ô nhiễm nơi đô thành, khác hẳn với những cạnh tranh khốc liệt trong cuộc mưu sinh hàng ngày...

Đó là chưa kể, công tác tổ chức khai thác du lịch còn nặng tính tự phát. Các dịch vụ phụ trợ cho khai thác du lịch như: quán ăn, nhà hàng, khách sạn lưu trú… chưa được trang bị đáp ứng nhu cầu của du khách. Cũng cần nói đến nguồn vốn đầu tư cho du lịch còn thiếu. Hiện nay, với 10 dự án mời gọi đầu tư vào du lịch đã được phê duyệt, Hậu Giang cần khoảng 40 triệu USD đầu tư mới có thể đi vào hoạt động.

Thiết nghĩ, ngành chức năng cần phải làm nhiều việc hơn nữa, để du lịch Hậu Giang lấy lại “phong độ” của một thời vàng son từng có…

- Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch sông nước miệt vườn”, xây dựng thành khu liên hiệp chợ nổi mua bán, trao đổi, trưng bày, quảng bá sản phẩm. Khi hoàn thành, chắc chắn du lịch Hậu Giang sẽ có nhiều khởi sắc tích cực hơn…

- Du lịch luôn là vấn đề được tỉnh quan tâm, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, đã nêu rõ: “Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch của tỉnh”.

 

HUỲNH THANH HIẾU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>