Đời sống đồng bào dân tộc Khmer ngày càng khởi sắc

16/09/2019 | 18:47 GMT+7

Đó là thành quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24 ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc...

Nhờ được hỗ trợ nhà tình thương mà ông Lý Thanh (trái), ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, thoát được nghèo.

Đời sống nâng lên

Cuộc sống gia đình ông Lý Thanh, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành, từng có thời điểm rất khó khăn do ông bị tai biến mà gia đình không có đất canh tác. Cái nghèo cứ thế đeo đẳng, khổ nhất là căn nhà xiêu vẹo không có tiền xây lại.

Năm 2018, tin vui đến với gia đình này khi được hỗ trợ căn nhà tình thương trị giá 32 triệu đồng. Không còn lo chuyện nhà cửa, cuộc sống cũng đỡ vất vả nhờ số tiền làm thuê của vợ ông và mấy người con, đến cuối năm, gia đình ông Lý Thanh tự nguyện đăng ký thoát nghèo.

Gia đình ông Lý Thanh là 1 trong 5 hộ gia đình đồng bào dân tộc Khmer ở thị trấn Bảy Ngàn được hỗ trợ thoát nghèo. Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thị trấn Bảy Ngàn Nguyễn Thanh Phương cho biết, địa phương rất quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc, nhất là những hộ thuộc diện hộ nghèo thông qua hỗ trợ nhà tình thương, vốn vay, cây, con giống sản xuất...

Đặc biệt, các chương trình, chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp xây dựng nhiều công trình cầu, đường ở địa phương, giúp đồng bào dân tộc Khmer cất nhà, chuộc lại đất... Nhờ vậy, chất lượng đời sống đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn nâng lên thấy rõ.

Nếu như trước đây từng có thời điểm 32% hộ đồng bào Khmer của thị trấn là hộ nghèo thì nay con số ấy giảm còn dưới 11%. Năm nay, chỉ tiêu mà thị trấn đề ra là giúp cho 7 hộ đồng bào dân tộc Khmer thoát nghèo. Và các biện pháp chăm lo, hỗ trợ cho các hộ này đang được thị trấn triển khai tích cực.

Những năm trước, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy tương đối cao thì thời gian gần đây, nhờ vận dụng tốt chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới mà hộ nghèo ở xã này đã giảm, hộ khá, giàu tăng lên.

Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy Nguyễn Sử Luận cho biết, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer luôn được xã quan tâm thực hiện. Theo đó, ngoài tranh thủ tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn phát triển sản xuất, xã còn vận động bà con nhân rộng một số mô hình làm ăn hiệu quả phù hợp với địa phương.

Xã Vị Thủy còn tập trung vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và đất đai, thổ nhưỡng; tổ chức tham quan một số mô hình hay, hiệu quả trong việc phát triển kinh tế, thoát nghèo trong và ngoài địa bàn xã, như: mô hình nuôi ba ba, trồng nấm rơm, hoa màu…

Trước đây, do nhiều năm làm ăn thua lỗ, gia đình ông Danh Hưởng, ở ấp 6, xã Vị Thủy, phải cầm cố 5 công đất ruộng để có tiền trả nợ. Vào năm 2013, nhờ thụ hưởng chương trình chuộc đất sản xuất dành cho đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ mà gia đình ông Hưởng được hỗ trợ 30 triệu đồng để chuộc lại đất sản xuất.

Có đất sản xuất, gia đình ông Hưởng chí thú làm ăn, chắt chiu trong chi tiêu hàng ngày, nhờ vậy mà còn có tiền để xây lại ngôi nhà mới khang trang trị giá gần 200 triệu đồng. “Sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã làm thay đổi cuộc sống gia đình tôi”, ông Hưởng bộc bạch.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy Nguyễn Sử Luận, từ sự quan tâm hỗ trợ kịp thời đã giúp cho đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào dân tộc không ngừng nâng lên. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer trên 20% thì hiện nay giảm còn hơn 10%. Hầu hết hộ Khmer trong xã đều được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh.

Có thể nói, nhờ thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước đã nâng cao về mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, nhất là việc phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm. Nếu như trước đây tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer khá cao với trên 41% (năm 2004) thì đến cuối năm 2018 chỉ còn 18,83%.

Diện mạo nông thôn khởi sắc

Không chỉ đời sống đồng bào dân tộc Khmer được nâng lên mà diện mạo vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều khởi sắc nhờ sự đầu tư của Đảng, Nhà nước.

Xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Nhờ thụ hưởng Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi) mà cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm nơi đây được xây dựng khang trang, thông thoáng, giao thương thuận lợi.

Bà Thị Năm, ở ấp 5, xã Xà Phiên, bộc bạch: “Từ khi tuyến đường của ấp được xây dựng đã tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, hàng hóa vận chuyển thông thương, nhiều hộ đồng bào Khmer nơi đây xây được nhà tường khang trang”.

Theo UBND xã Xà Phiên, từ năm 2010 đến nay, xã được hỗ trợ xây dựng trên 11.000m đường giao thông với kinh phí hơn 5 tỉ đồng. Từ đó, bộ mặt giao thông nông thôn của xã trở nên khang trang, đồng bộ, giúp bà con đi lại thuận tiện, việc kinh danh, mua bán cũng phát triển hơn trước.

Nhìn chung, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương đã giúp cho cơ sở hạ tầng ở những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống ngày càng hoàn thiện. Theo đó, số lượng công trình đã thực hiện là 50, tổng số vốn được hỗ trợ hơn 52,5 tỉ đồng. Nhờ vậy có 94,92% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 96,5% hộ gia đình sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 100% xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, có internet các ấp…

Hàng năm, người dân tộc Khmer có 3 lễ hội lớn gồm: Chol Chnam Thmay, Sen Dolta và Ok Om Bok. Vào dịp lễ hội, những nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống vang lên tiếng nhạc truyền thống; bà con tất bật ngược xuôi đến chợ mua sắm, đón tết trong niềm vui tươi, phấn khởi vì kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên.

Diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống ngày càng được nâng lên khiến đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh cảm thấy phấn khởi và ngày càng tin tưởng, hưởng ứng các phong trào do cấp ủy, chính quyền các cấp phát động.

Cùng với chăm lo đời sống vật chất thì đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer cũng ngày càng được quan tâm nâng chất.

Với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, các chùa Khmer trong tỉnh đã đóng mới 4 chiếc ghe ngo, số tiền 960 triệu đồng; thành lập nhiều đội văn nghệ nghiệp dư phục vụ vào các dịp lễ hội; xây dựng 9 lò hỏa táng với kinh phí gần 4 tỉ đồng. Các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh cũng được chính quyền các cấp tạo điều kiện hỗ trợ trùng tu, sửa chữa, xây dựng với kinh phí gần 4 tỉ đồng; hỗ trợ dàn nhạc ngũ âm cho các chùa...

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>